Thống kê trong 3 năm (2015 – 2018), đa phần trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân quen; trong đó tỷ lệ bị xâm hại bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ…) là 21,3%; người quen, hàng xóm là 59,9%; thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%; người lạ là 12,6%.

vu khac thuy au dam
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy gây bức xúc trong dư luật trong thời gian qua vì tội dâm ô trẻ em. (Ảnh: ViJay)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa gửi đến Quốc hội báo cáo về nhóm vấn đề công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em – đây là vấn đề nằm trong nhóm nội dung được chất vấn tại kỳ họp thứ 5.

Theo Bộ trưởng Dung, các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.

Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, cả nước phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại.

Trong 3 năm (2015 – 2018), tin từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng cho thấy đa phần trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân quen; trong đó tỷ lệ bị xâm hại bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ…) là 21,3%; thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; bởi người lạ là 12,6%.

Tuy nhiên, việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em được đánh giá là “chưa được giải quyết kịp thời, chưa thỏa đáng, còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong xã hội”.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng có 6 nhóm:

  • Môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ em.
  • Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội về công tác trẻ em còn chưa thực sự đầy đủ.
  • Công tác chỉ đạo thực hiện ở một số địa phương còn chậm hoặc thực hiện chưa tương xứng với điều kiện, tiềm lực của địa phương.
  • Mặc dù việc bảo vệ trẻ em đã được luật hóa, nhưng thực tế nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm, bố trí ngân sách cho bảo vệ trẻ em…
  • Chế độ báo cáo về tình hình thực hiện công tác trẻ em ở địa phương còn chậm, chất lượng chưa cao, chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em tại địa phương làm ảnh hưởng đến việc nắm thông tin để kịp thời tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách cũng như những giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực hiện quyền trẻ em.
  • Năng lực cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở cơ sở còn hạn chế.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết sẽ xây dựng, phát triển tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và mạng lưới kết nối; tăng cường đánh giá, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình về trẻ em, đặc biệt là luật trẻ em để phát hiện sai sót và điều chỉnh những nội dung, hoạt động không phù hợp, đặc biệt về phòng ngừa, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và phòng ngừa trẻ em tử vong do đuối nước…

Văn Duy

Xem thêm: