Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo đề án đưa lao động có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp sang làm việc tại Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel,…

xuat khau lao dong
(Ảnh minh họa: japandailyexpress.com)

Ông Tống Hải Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục đang xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025”.

Theo đó, nguồn lao động có trình độ kỹ thuật cao sẽ được đưa sang làm việc theo một số lĩnh vực tại một số nước như: xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản và CHLB Đức; công nghệ thông tin, điện tử – viễn thông, sinh học, nông nghiệp sang Nhật Bản; cơ khí sang Hàn Quốc và một số nước châu Âu, Trung Đông; đầu bếp, công nghệ thông tin, điện tử đi Hàn Quốc,… Dự án cũng hướng đến một số thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech…

Ông Nam cho hay, mặc dù hiện nay Việt Nam có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp nhưng chưa có con số thống kê chính thức nào cho thấy những cử nhân này thuộc ngành nào. Cùng với đó, đa số cử nhân của Việt Nam có hạn chế về ngoại ngữ, kỹ năng.

Theo Bản tin thị trường lao động của Bộ LĐ-TB&XH, quý II/2016, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó lao động thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên đứng đầu danh sách (191.300 người); tiếp đến là lao động có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp với 94.800 người.

Ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng đề án được coi là tìm hướng đi cho số lao động có trình độ đại học, cao đẳng đang thất nghiệp để họ có cơ hội tham gia các chương trình xuất khẩu lao động, tìm việc làm.

>> Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cao gần gấp 3 lần trung cấp chuyên nghiệp, vì đâu?

>> Hơn 21.000 lao động thi tiếng Hàn, tỷ lệ chọi 1/10

Theo ghi nhận, trong thời gian qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lao động phổ thông, có trình độ tay nghề thấp. Việc đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ mới được thực hiện trong vài năm trở lại đây, ở những nhóm ngành điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở Đức, Nhật Bản và lao động kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn sang Hàn Quốc theo chương trình dành cho lao động có trình độ và chuyên môn (Visa E7).

Tuy nhiên, số lượng lao động đi theo những chương trình này còn rất hạn chế. Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, năm 2016, lao động là điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhưng các ngành nghề khác như công nghệ thông tin, kỹ thuật, cơ khí… rất thấp, mới chỉ có một số kỹ sư công nghệ thông tin đi làm việc ở Singapore nhưng số lượng rất ít.

Bộ LĐ-TB&XH cho hay, cùng với việc chuẩn bị đề án, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước Thái Lan, Lào, Australia; tiếp tục đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và Đức theo các chương trình đã ký kết.

23 người Việt làm mới bằng 1 người Singapore

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2015, năng suất lao động của toàn nền kinh tế Việt Nam là 79,3 triệu đồng/lao động (khoảng 3.657 USD/người). Mặc dù đã tăng thêm 6,4% so với năm 2014 (theo giá so sánh năm 2010) nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

So với Singapore, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 4,4% (tương ứng mỗi người Singapore làm việc có năng suất bằng 23 người Việt cộng lại). So với các nước khác trong khu vực, năng suất lao động của người Việt cũng chỉ bằng 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và bằng 48% của Indonesia.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu giả định Việt Nam và một số nước vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007-2012 thì phải đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.

Hải Anh

Xem thêm: