Ban Quản lý dự án 6 vừa đề xuất Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt dự án “nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống giai đoạn 2021 – 2025”. Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư là 1.793 tỷ đồng, riêng chi phí giải phóng mặt bằng đã chiếm 776 tỷ đồng, xây dựng 680 tỷ đồng.

cau duong song duong ha noi
Cầu Đuống hiện tại là một cây cầu đường bộ và đường sắt bắc qua sông Đuống, trên quốc lộ 1A cũ, nối phường Đức Giang thuộc quận Long Biên với thị trấn Yên Viên thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Theo đó, dự án sẽ đầu tư xây mới cầu đường sắt Đuống về phía thượng lưu cách cầu hiện hữu 16,5m (vị trí quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi – Yên Viên); xây mới cầu đường bộ theo quy hoạch để tách cầu đường bộ ra khỏi đường sắt, cách tim cầu hiện hữu 100m về phía hạ lưu.

Đường sắt có điểm đầu tuyến tương ứng lý trình đường sắt hiện hữu Km9+010, điểm cuối tương ứng lý trình đường sắt hiện hữu Km10+010. Tổng chiều dài đường sắt nghiên cứu khoảng 1.080m, trong đó chiều dài xây dựng cầu khoảng 325m.

Đường bộ có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống hiện hữu trên đường Ngô Gia Tự (thuộc quận Long Biên); điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu (thuộc thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm). Tổng chiều dài nghiên cứu khoảng 750m. Cùng với đó sẽ xây dựng mới kè bảo vệ bờ sông Đuống tại khu vực xây dựng cầu đường sắt Đuống và cầu đường bộ. Chiều dài nghiên cứu xây dựng mỗi bên khoảng 500m.

Đối với công trình cầu đường sắt, theo Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 6 Thái Anh Tuấn, cầu sẽ nâng cao độ đỉnh ray lên khoảng 2,75m bảo đảm thông thuyền, tĩnh không đạt 7m. Cầu Đuống cũ được tháo dỡ các dầm và đập mố trụ.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 1.793 tỷ đồng. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng đã chiếm 776 tỷ đồng, xây dựng 680 tỷ đồng. Công trình dự kiến triển khai từ nay đến năm 2025.

Theo Bộ GTVT, hành lang đường thủy số 1 dài 250km qua sông Đuống, bắt đầu từ Quảng Ninh tới cảng Việt Trì trên sông Lô đã được đầu tư, nâng cấp, luồng tàu cơ bản đạt cấp II cho tàu đến 800 tấn có thông số kỹ thuật phù hợp lợi dụng thủy triều để hành thủy.

Đây là tuyến vận tải thủy quan trọng trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng container, các loại hàng rời như vật liệu xây dựng, apatit, phân bón… từ khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đến tỉnh Phú Thọ cùng các tỉnh lân cận và ngược lại…

Tuy nhiên, trên hành lang này hiện có cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902 với công năng kết hợp giao thông đường bộ và đường sắt (tuyến Hà Nội – Đồng Đăng), có tĩnh không thấp, chỉ đạt 2,8 m tại thời điểm nước cao; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26 m.

Do vậy, chỉ tàu trọng tải đến 600 tấn, sà lan chở container sức chở 24 TEU (chỉ xếp được 2 lớp) mới lưu thông được qua cầu với điều kiện phải chờ nước xuống, gây ùn ứ, tắc nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí vận tải bằng đường thủy của các tỉnh phía Bắc đến cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.

Kim Long

Xem thêm:

Hà Nội đề xuất xây 6 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống