Báo chí nhà nước vừa cho biết dự kiến ngày 11/12, tòa Hà Nội sẽ xét xử kín cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 3 đồng phạm trong vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” liên quan đến Công ty Nhật Cường.

lay phieu tin nhiem
Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. (Ảnh: quochoi.vn)

Phiên tòa do thẩm phán Trương Việt Toàn làm chủ tọa, kiểm sát viên giữ quyền công tố là ông Khuất Hữu Ánh và Đỗ Minh Tuấn.

Ông Nguyễn Đức Chung có 4 luật sư bào chữa gồm: Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Tú, Trần Hoàng Anh và Nguyễn Thị Hoài Linh. Ngoài ra, 3 bị cáo khác là Phạm Quang Dũng (SN 1983, nguyên cán bộ công an), Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, lái xe của ông Chung), Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, nguyên phó trưởng phòng Thư ký biên tập – Thành viên tổ thư ký ông Chung), mỗi người có 1 luật sư bào chữa.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung và Phạm Quang Dũng bị cáo buộc tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước theo khoản 3 Điều 337 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 với khung hình phạt 10-15 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị truy tố về cùng tội danh với khung hình phạt 2-7 năm tù.

Theo cáo trạng, ngày 14/5/2019, Bộ Công an khởi tố, điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Công ty TNHH TM và DV Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan (vụ án Công ty Nhật Cường). Ông Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án này.

Để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án, ông Chung đã thông qua ông Phan Huy Lệ (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hà Thành) giới thiệu, làm quen với ông Phạm Quang Dũng, người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.

Từ tháng 7/2019 đến tháng 6 năm nay, thực hiện đề nghị của ông Chung, ông Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu mật. Trong đó, ông Dũng chuyển cho ông Chung 6 tài liệu qua Viber, gửi file ảnh và nhờ người cung cấp tài liệu bản giấy.

Còn bị can Trung và Ngọc Anh bị cáo buộc một lần tham gia in, chỉnh sửa 3 tài liệu mật cho ông Chung.

Theo Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết. Còn lại, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo, đương sự.

Phạm Toàn