Diễn biến xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông diễn ra phức tạp và nghiêm trọng với quy mô, mức độ ngày càng tăng; xói lở mạnh tại hàng loạt các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận…

xoi lo bo bien
Sạt lở bờ biển tại Phú Thuận, TP Huế. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Đây là nhận định được đưa ra tại cuộc họp về tình hình xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ngày 7/11.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khu vực ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận gồm 13 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài bờ biển 1.649 km, có 48 cửa sông lớn, nhỏ đổ ra biển Đông (trung bình 34 km bờ biển có một cửa sông).

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 7/2018, dọc dải bờ biển miền Trung có 88 điểm xói lở với tổng chiều dài hơn 120 km, trong đó có 48 điểm cấp bách.

Các khu vực bị xói lở mạnh nhất xuất hiện tại nhiều tỉnh như Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận… Những khu vực xảy ra xói lở nguy hiểm như bờ biển đoạn qua xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế; bờ biển Cửa Đại, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam; bờ biển qua Xóm Rớ, phường Phú Đông và khu vực xã An Phú, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên;  bờ biển tại các địa phương thuộc huyện Tuy Phong, TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận…

Về tình trạng bồi lấp cửa sông, có 40 điểm, trong đó 24 điểm được đề nghị xử lý khẩn cấp.

Các trường hợp bồi lấp phức tạp như tại Cửa Lạch Vạn, Cửa Lạch Cờn (Nghệ An); Cửa Sót (Hà Tĩnh); Cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình); Cửa Đại (Quảng Ngãi); Cửa Tam Quan, Cửa An Dũ (Bình Định)… gây ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ, hoạt động giao thông thủy, các cơ sở hạ tầng công cộng, môi trường sinh thái, các hoạt động du lịch, việc ra vào tránh trú của tàu thuyền trong mùa mưa bão (gây mắc cạn, chìm đắm, gây thiệt hại về người).

Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay 60% GDP của Việt Nam là từ các tỉnh, thành phố có biển, do đó cần phải bảo vệ biển và môi trường biển.

Ông Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về lâu dài, Bộ NN&PTNT chủ trì đánh giá tổng thể căn bản tình trạng xói lở bờ biển, sông, đưa ra các giải pháp gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, giao Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng trong quản lý vốn, xử lý thủ tục đầu tư, đi cùng với tăng cường kiểm tra việc thực hiện.

Tại buổi họp, ông Phúc cũng nhắc đến tình trạng lách Luật Đấu thầu để chỉ định thầu trong các dự án thiên tai. “Nói công trình này cấp bách, theo Luật Đấu thầu được chỉ định thầu, nhưng chỉ định nhà thầu không biết làm, tiền vào túi cá nhân là thành câu chuyện tiêu cực, tham nhũng trong những dự án thiên tai này là tội ác”, dẫn lời Thủ tướng từ cuộc họp.

Các dự án chống xói lở bờ biển, sông do Bộ NN&PTNT chủ trì được chi từ nguồn vốn Nhà nước, ngoài ra dự kiến huy động vốn xã hội hóa, các nguồn lực quốc tế, vốn ODA.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: