Chỉ sau 2 ngày thực hiện Nghị định 100, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử phạt tới 615 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn, tổng số tiền phạt lên đến 816.800.000 đồng.

nong do con6
CSGT kiểm tra nồng độ cồn (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Ngày 4/1, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết sau 2 ngày (1 và 2/1/2020) thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 816.800.000 đồng.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt nặng hơn đối với nhiều vi phạm giao thông, đặc biệt là mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Cụ thể, mức xử phạt cao nhất đối với người lái ôtô từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng; đối với người lái xe máy từ 6 – 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng. Mức phạt người đi xe đạp, xe thô sơ vi phạm từ 400.000 – 600.000 đồng.

Một trong những lái xe đầu tiên bị phạt ở mức cao sau khi Nghị định 100 có hiệu lực thi hành là anh Lê khắc T. (Thái Nguyên). Khi bị CSGT kiểm tra trên cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình, với nồng độ cồn đo được là 0,719 miligam/1 lít khí thở, anh T. đã bị phạt 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng.

Nghị định 100 với mức xử phạt nặng đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe được kỳ vọng làm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, luật mới này cũng đang gây ra một số ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, đặc biệt liên quan đến việc một số loại hoa quả, thực phẩm ngay sau khi ăn cũng có thể cho hơi thở có nồng độ cồn.

Tuấn Minh

Xem thêm: