Gần đây, hai tạp chí Y khoa nổi tiếng đã rút 2 bài báo nghiên cứu về DNA của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc, sau khi có nghi vấn về việc tác giả 2 bài báo này có liên quan đến vi phạm đạo đức quốc tế, các mẫu máu đã được thu thập mà không có sự đồng ý hoàn toàn của các đối tượng nghiên cứu.

Trai lao dong Tan Cuong
Trại lao động ở Tân Cương (Nguồn: Google)

Theo New York Times, 2 nghiên cứu này đã được xuất bản vào năm 2019 bởi Tạp chí Quốc tế về Y học Pháp lý (International Journal of Legal Medicine) và Tạp chí Di truyền học Người (Human Genetics), cả hai đều thuộc sở hữu của nhà xuất bản học thuật Springer Nature.

Gần đây, vào ngày 7/9, Tạp chí Quốc tế về Y học Pháp lý đã đưa ra tuyên bố rút lại bài báo, Tạp chí Di truyền học Người cũng đưa ra tuyên bố tương tự vào ngày 30/8. Việc rút lại các bài báo đã công bố của các tạp chí học thuật nổi tiếng quốc tế là điều rất hiếm khi xảy ra.

Các nhà khoa học chỉ ra, việc rút lại các bài báo cho thấy tồn tại những thất bại lớn hơn trong các thủ tục đồng ý và sự cần thiết phải xem xét bổ sung về sự đồng ý có hiểu biết của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, chẳng hạn như các dân tộc thiểu số bị áp bức. Người Duy Ngô Nhĩ là một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi sống ở Tân Cương, họ đã bị giam giữ hàng loạt trong các trại giam và bị giám sát gắt gao.

Tạp chí viết: “Các tài liệu do tác giả cung cấp không có đủ thông tin liên quan đến phạm vi nghiên cứu. Chúng tôi không thể chắc chắn rằng các quy trình này tuân thủ chính sách biên tập của chúng tôi hoặc tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức quốc tế.”

Nhiều tác giả đã tham gia vào 2 bài báo này, bao gồm cả bà Lý Thái Hà (Li Caixia), một nhà nghiên cứu và là bác sĩ pháp y trưởng tại Viện Pháp y thuộc Bộ Công an Trung Quốc. Vào tháng 5 năm ngoái, Viện Pháp y của Bộ Công an Trung Quốc, nơi bà Lý làm việc, đã bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen và hạn chế quyền tiếp cận công nghệ của Mỹ. Hoa Kỳ cáo buộc Viện này là đồng phạm trong các vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm bắt giữ tùy tiện quy mô lớn, lao động cưỡng bức, giám sát công nghệ cao…

Trong nhiều năm, nhiều nhà khoa học đã lập luận, không thể xác minh rằng liệu các thành viên dân tộc thiểu số có sẵn sàng cung cấp mẫu máu của họ cho mục đích nghiên cứu hay không, đặc biệt là khi các quan chức công an Trung Quốc cũng có tham gia vào việc này. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ tiết lộ với New York Times rằng họ bị triệu tập đến để cung cấp mẫu máu cho chính phủ dưới chiêu bài kiểm tra sức khỏe miễn phí. Họ thẳng thắn nói rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân thủ.

Ngay từ năm 2019, New York Times đã đưa tin về bài báo của một nhà nghiên cứu khoa học Trung Quốc đăng trên Tạp chí Di truyền học Người dựa trên nghiên cứu mẫu máu DNA của 612 người Duy Ngô Nhĩ ở Tumushuk, Tân Cương. Bài báo này thảo luận về cách sử dụng DNA của một người để tái tạo lại khuôn mặt và chiều cao của người đó.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin rằng có nhiều trạm kiểm soát của cảnh sát được thiết lập ở thành phố Tumushuk, nơi được coi là “cửa ngõ và chiến trường chính cho công tác an ninh ở Tân Cương”. Vào tháng 1/2018, thành phố Tumushuk cũng đã thành lập một Phòng thí nghiệm giám định DNA do Trung tâm Giám định Vật chứng Trung Quốc quản lý , đây cũng là một cơ quan nghiên cứu của cảnh sát chịu trách nhiệm giám định DNA.

Để thực hiện hành động bạo lực vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, chính quyền Bắc Kinh đã thiết lập nhiều trại tập trung dưới danh nghĩa giáo dục hoặc đào tạo việc làm. Vì vậy ngoại giới lo ngại rằng, chính quyền Bắc Kinh có thể đưa hình ảnh khuôn mặt và các dữ liệu khác được tạo dựng từ các mẫu DNA được thu thập tại địa phương vào một hệ thống giám sát quy mô lớn, với mục đích tăng cường theo dõi và kiểm soát những người biểu tình, bất đồng chính kiến ​​và tội phạm thông thường. 

Giáo sư Yves Moreau của Đại học Công giáo Leuven ở Bỉ, người đầu tiên đặt nghi vấn về các bài báo của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, cho biết, ông đã phân tích kỹ lưỡng 529 nghiên cứu liên quan đến nghiên cứu di truyền từ Trung Quốc và nhận thấy rằng, trong số những nghiên cứu được xuất bản từ năm 2011 đến 2018, khoảng một nửa có đồng tác giả là người từ cảnh sát, quân đội hoặc tư pháp.

Giáo sư Moreau cho biết ông đã liên hệ với 5 tạp chí học thuật trên thế giới và yêu cầu các tạp chí này rút lại bài báo của các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Vương Quân, Vision Times

Xem thêm: