Một báo cáo gần đây của Deutsche Welle (Đài tiếng nói Đức) cho biết, chỉ riêng tại quận Phố Đông của Thượng Hải đã có tới 290.000 camera. Một số camera còn có thể điều khiển từ xa. Camera có thể ghi lại những hình ảnh rất chi tiết, ví như công nhân xây dựng không đội mũ bảo hiểm, hoặc ai đó vừa lái xe vừa gọi điện thoại di động… Chúng giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giám sát xã hội khắp mọi nơi. Theo báo cáo, truyền thông nhà nước Trung Quốc tự hào tuyên bố rằng cảnh sát có thể xác định bất kỳ ai trên đường phố chỉ trong vòng một giây.

shutterstock 1083572315
Ảnh minh hoạ: Shutterstock

Ngày 6/6, Deutsche Welle  đã công bố một báo cáo có tựa đề “Không gì có thể được che giấu: Hỏa nhãn kim tinh của ‘bộ não đô thị’ Thượng Hải”. Báo cáo chỉ ra rằng để đối phó với đại dịch Covid-19, quận Phố Đông đã sử dụng giám sát mạng. Việc sử dụng công nghệ này cho phép cảnh sát xác định bất kỳ ai trên đường phố trong vòng một giây. Họ cũng có thể xác nhận những ai không đeo khẩu trang trong thời gian thực.

Trung tâm giám sát được kết nối với ủy ban khu phố, tổ chức cấp cơ sở của ĐCSTQ, thông qua một ứng dụng điện thoại di động. Quan sát xem tất cả cư dân có tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch hay không. Nếu bất kỳ cư dân nào bị cách ly mở cửa căn hộ, ủy ban khu phố sẽ thông báo ngay cho trụ sở Phố Đông.

Theo báo cáo, các nhà chức trách Trung Quốc gọi trung tâm giám sát ở quận Phố Đông của Thượng Hải là “bộ não của thành phố thông minh”. Đây hiện là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc, nhằm thúc đẩy các dự án ở nhiều khu vực khác nhau. Mục tiêu của dự án là đạt được 100% độ phủ camera ở tất cả các địa điểm công cộng chính, như nhà ga, nút giao thông và công viên.

Cô Mareike Ohlberg thuộc Quỹ Marshall của Đức ở Berlin, phụ trách việc quan sát các cơ cấu an ninh đang mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc. Sau khi phân tích việc đấu thầu công khai ở các thành phố khác nhau của Trung Quốc trên Internet, cô nói: “Chúng tôi đã tải xuống hàng triệu hồ sơ. Một số hồ sơ đính kèm phụ lục rất chi tiết, giải thích tường tận hơn về kế hoạch giám sát.” Ví dụ, loại camera nào nên được lắp đặt ở lối vào của các tòa nhà? Tất cả những điều này đều được tập trung trong dữ liệu.

Deutsche Welle  đã phỏng vấn phó giám đốc Thịnh Đan Đan, 37 tuổi, của dự án “Thành phố thông minh” Phố Đông. Giám đốc Thịnh Đan Đan nói: “Đối với chính phủ, đây là một cách quản lý các thành phố hiệu quả hơn.” Ngoài việc giúp phát triển các hệ thống liên quan, vị giám đốc này cũng đang tham gia vào một dự án thử nghiệm: Trong tương lai, camera nhận dạng khuôn mặt sẽ có thể tự động phát hiện những người từ các khu vực vẫn còn các ca lây nhiễm và liệt họ vào danh sách những người có nguy cơ nhiễm virus corona mới.

Báo cáo đã chú ý đến tín hiệu nguy hiểm ẩn sau thông điệp này: “Rõ ràng, vào thời điểm đó, hành động của mọi người sẽ được ghi lại.”

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng các quan chức Trung Quốc không coi hệ thống camera quy mô lớn là giám sát. Họ sử dụng các thuật ngữ như “ổn định xã hội”“các biện pháp an ninh” làm luận cứ hỗ trợ cho việc lắp đặt camera ở khắp mọi nơi.

Cô Ohlberg mô tả lối suy nghĩ phía sau của các nhà chức trách Trung Quốc như sau: “Miễn là bạn có thể bao quát mọi lĩnh vực của cuộc sống con người bằng camera, bạn sẽ có thể phát hiện và giải quyết mọi xung đột kịp thời và khôi phục hòa bình.”

Trung Quốc giám sát khắp mọi nơi

Những năm gần đây, ĐCSTQ ngày càng sử dụng nhiều biện pháp giám sát người dân. Chúng liên tục được nâng cấp, như dữ liệu lớn, dự án Skynet, công trình Tuyết Lượng và nhận dạng khuôn mặt. Trong số đó, mạng giám sát video lớn nhất thế giới “China Skynet” chủ yếu được sử dụng để giám sát công dân thành thị. Trong khi “Công trình Tuyết Lượng” chủ yếu được sử dụng để giám sát các khu vực nông thôn.

Các ống kính nhận dạng khuôn mặt thường được lắp đặt trên các đường phố chính, ga tàu điện ngầm, sân bay và cửa khẩu biên giới tại Đại Lục. Chưa kể trên đường phố, từ lâu chúng đã trở thành “thiên la địa võng”. Ở một số nơi, nhân viên cảnh sát còn đeo “kính nhận dạng khuôn mặt” tìm kiếm mục tiêu trên đường phố và ga tàu.

Ông Ngô Phi, Giám đốc điều hành của Công ty công nghệ LLVision, công ty đã phát triển chiếc kính này, nói với Wall Street Journal rằng công nghệ này có thể tìm thấy mục tiêu trong cơ sở dữ liệu 10.000 khuôn mặt chỉ trong 0,1 giây. Một phóng viên của BBC đã đích thân đến Quý Dương để kiểm tra hệ thống nhận dạng khuôn mặt. Anh ấy nói rằng cảnh sát có thể bắt được anh ấy chỉ trong vòng 7 phút khi sử dụng hệ thống này.

Theo dữ liệu của IHS Markit, trong năm 2016, 176 triệu màn hình đã được triển khai tại các không gian công cộng ở Trung Quốc và 50 triệu màn hình ở Hoa Kỳ. Tổ chức nghiên cứu thị trường IDC đã đưa ra một báo cáo vào năm 2019 với dự đoán rằng Trung Quốc sẽ lắp đặt khoảng 2,76 tỷ camera giám sát video vào năm 2022. Trung bình, mỗi người Trung Quốc sẽ được giám sát bởi 2 chiếc camera.

Dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát đầu năm 2020 đã tạo cơ hội cho chính quyền Trung Quốc mở rộng mạng lưới giám sát, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc giám sát hàng đầu trên thế giới.

Ngoài hệ thống giám sát nói trên, nhà chức trách Trung Quốc còn tài trợ cho Đại học Ninh Ba phát triển một công nghệ giám sát não có tên là Neuro Cap. Từ năm 2014, Công ty Điện lực Chiết Giang bắt đầu yêu cầu công nhân đội chiếc mũ đặc biệt này, để theo dõi cảm xúc của nhân viên. ĐCSTQ không chỉ muốn giám sát hành động của mọi người, mà còn muốn kiểm soát hoàn toàn suy nghĩ của con người và xây dựng một hệ thống giám sát khổng lồ theo dõi hàng tỷ người.

Tờ “Washington Post” của Mỹ từng đăng bài bình luận cảnh báo rằng hệ thống giám sát quy mô lớn của Trung Quốc không chỉ gây ra mối đe dọa chưa từng có đối với các quyền cơ bản của con người mà thế giới cũng có thể bị ảnh hưởng bởi điều này.

Văn Lệ, Vision Times

Xem thêm: