Việc 3 vận động viên gốc Hoa sinh ra và lớn lên ở Mỹ được đối xử khác nhau ở Trung Quốc cũng đã đặt ra vấn đề, tức là ở một quốc gia mà ngày càng không khoan dung về mặt chính trị, làm thế nào mới có thể được chấp nhận là “người Trung Quốc”?

Embed from Getty Images

Vận động viên trượt tuyết tự do sinh ra tại Mỹ Eileen Gu đã giành huy chương bạc môn trượt tuyết dốc tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 tại Khu trượt tuyết Nam Sơn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 15/2/2022. (Ảnh: Getty)

Đối với các vận động viên, việc lựa chọn quốc gia nào để thi đấu thường là một quyết định cá nhân hoặc thực tế. Nhưng căng thẳng địa chính trị ngày càng trầm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như luật quốc tịch hà khắc của Trung Quốc và sự kích động dân tộc chủ nghĩa, khiến các vận động viên người Mỹ gốc Hoa có thể phải đối mặt với sự “kiểm duyệt” ở mức độ khác nhau ở Trung Quốc.

Eileen Gu (Cốc Ái Lăng), Zhu Yi (Chu Dị) và Nathan Chen (Trần Nguy) phải chịu sự “kiểm duyệt” hoàn toàn khác nhau ở Trung Quốc. Eileen Gu và Zhu Yi đại diện cho Trung Quốc. Eileen Gu được ca ngợi như một anh hùng dân tộc, và giành được sự yêu mến, danh tiếng và sự giàu có. Zhu Yi bị nhục mạ trên mạng internet, bị chỉ trích là mang đến “sự nhục nhã” cho tổ quốc của cô. Còn Nathan Chen đại diện cho Mỹ tham gia thi đấu, đã bị gán nhãn là “kẻ phản bội”.

CNN đưa tin vào ngày 11/2 rằng các vận động viên trẻ này bị cuốn vào mối quan hệ liên tiếp xấu đi giữa Trung Quốc và Mỹ, hơn nữa Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh là sự kiện gây chia rẽ, kiểm soát chặt chẽ và hỗn loạn chính trị nhất trong lịch sử các kỳ thế vận hội.

Ngay cả một người thành công và được chào đón như Eileen Gu cũng không thể né tránh hoàn toàn những câu hỏi về lòng trung thành của cô, và mức độ hiểu rõ thực sự về đất nước mà cô ấy đại diện thi đấu.

Ngày 12/1, tờ San Francisco Chronicle đã mô tả rằng: “Eileen Gu đang ở trên một đường trượt tuyết địa chính trị cao và trơn trượt, gần như không có chỗ để cho cô xảy ra sai sót.” Một khi Eileen Gu xảy ra xung đột với chính quyền ĐCSTQ, thế giới của cô ấy có thể thay đổi nhanh chóng.

Theo giới thiệu vắn tắt trên trang web của Ủy ban Olympic Quốc tế, Zhu Yi đã từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình để tham gia thi đấu cho Trung Quốc. Nhưng cô đã nhiều lần bị chỉ trích vì không đủ “Trung Quốc“, không thông thạo tiếng Trung cũng như không đủ mạnh mẽ.

Zhu Yi thi đấu bình thường trong trận ra mắt Olympic của cô, khi đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng, một số người đã gọi cô ấy là “nỗi ô nhục” và bảo cô ấy “hãy quay trở lại Mỹ”. Trước khi bị kiểm duyệt bởi internet, hashtag “Zhu Yi ngã “ đã có 200 triệu lượt xem chỉ sau vài giờ.

Cô lại không may bị ngã trong ngày thứ hai. Zhu Yi nói với truyền thông của ĐCSTQ Tân Hoa Xã: “Hôm nay, tôi đã tự tạo áp lực cho bản thân. Tôi muốn chứng tỏ bản thân vì ngày hôm qua tôi đã làm không tốt và những gì mọi người nói trên mạng thực sự ảnh hưởng đến tôi.” Zhu Yi nói với Tân Hoa xã, hãng thông tấn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Lo lắng rằng Eileen Gu sẽ thuộc về Hoa Kỳ trong tương lai, ĐCSTQ sẽ mất mặt

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã thúc đẩy các vận động viên gốc Hoa nhập tịch làm công dân Trung Quốc. Việc Eileen Gu chuyển sang đại diện cho đội tuyển Trung Quốc là một trong những thành quả nổi bật nhất của việc này. Tính đến ngày 16, cô đã giành được một huy chương vàng và một huy chương bạc cho Trung Quốc tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Eileen Gu sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Là người đại diện nổi tiếng, gần như thống trị màn hình trong thời gian Thế vận hội Mùa đông ở trong nước Trung Quốc, thậm chí việc cô ăn “hộp bánh rau hẹ” trong thời gian đợi thi đấu đã được nhiều kênh truyền thông nhà nước của ĐCSTQ đưa tin rộng rãi.

Tuy nhiên, vấn đề quốc tịch của Eileen Gu vẫn luôn như bóng với hình. Dù báo chí có hỏi liên tục như thế nào, Eileen Gu giữ kín như bưng chuyện này, nhiều nhất cũng chỉ nói một câu: “Khi ở Mỹ, tôi là người Mỹ, nhưng khi ở Trung Quốc, tôi là Người Trung Quốc.”

Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu của ĐCSTQ, vào ngày 13/2 đã công khai cảnh báo cơ quan tuyên truyền, cần tuyên truyền mức độ vừa phải về Eileen Gu, nên ít sử dụng những từ ngữ như “giành lấy vinh quang cho đất nước”, thay vào đó sử dụng “giành vinh quang cho đội Trung Quốc” là thích hợp hơn.

Ông cho biết không rõ Eileen Gu sẽ nhận quốc gia nào khi cô lớn lên.

Ông Hồ Tích Tiến viết trên Weibo: “Về vấn đề Eileen Gu, danh dự và uy tín quốc gia của Trung Quốc không thể có rủi ro.”

Ông Hồ Tích Tiến là người dẫn dắt chính của tình cảm chủ nghĩa dân tộc của ĐCSTQ. Các bài đăng của ông dường như chỉ ra tình trạng khó xử khi tuyển dụng các vận động viên nước ngoài thi đấu cho Trung Quốc. Hầu hết các vận động viên xuất sắc do nước ngoài đào tạo đều miễn cưỡng nhập tịch Trung Quốc và ĐCSTQ thường mất mặt vì điều này.

Embed from Getty Images

Vào ngày 10/2/2022, tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, vận động viên  người Mỹ gốc Hoa Nathan Chen đã giành chức vô địch. (Ảnh: Jean Catuffe/ Getty) 

Vận động viên trượt băng nghệ thuật người Mỹ gốc Hoa giành quán quân, “mạng xã hội có chút độc hại”

Vận động viên trượt băng nghệ thuật nam Nathan Chen, đại diện cho Mỹ, đã từ chối dùng tiếng Trung khi trả lời câu hỏi của các phóng viên Trung Quốc trong cuộc họp báo sau khi giành huy chương vàng. Anh nói rằng tiếng phổ thông Trung Quốc của anh “không được tốt”.

Trên mạng internet Trung Quốc, Nathan Chen đã bị gán nhãn là “kẻ phản bội”“làm nhục Trung Quốc”. Do anh ta biểu thị sự ủng hộ đối với những lời chỉ trích của một đồng đội khác đối với hồ sơ nhân quyền của ĐCSTQ trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10/2021, nên đã bị chỉ trích bởi sự giận dữ và tẩy chay của chủ nghĩa dân tộc của ĐCSTQ.

Trên Weibo, chỉ có một số người chúc mừng Nathan Chen vì màn trình diễn xuất sắc của anh, nhưng nhiều cư dân mạng bày tỏ những ngôn luận thù hận và miệt thị, thậm chí có người còn yêu cầu anh “cút khỏi Trung Quốc”.

Hầu hết các kênh truyền thông nhà nước của ĐCSTQ đều bỏ qua việc Nathan Chen giành huy chương vàng. Trong bản tin về các cuộc thi đấu cùng ngày, truyền thông Đại Lục tập trung vào vận động viên Nhật Bản đứng thứ tư Ha’nyū Yuzuru và vận động viên Trung Quốc đứng thứ chín Kim Bác Dương (Jin Boyang).

Tuy nhiên, Nathan Chen không để ý đến nỗ lực này làm tổn hại đến thân phận của mình. Anh nói anh tự hào về huyết thống Trung Quốc của mình, vì cha mẹ anh ấy gặp nhau lần đầu tiên ở Bắc Kinh, nơi này rất có ý nghĩa đối với lịch sử gia đình anh.

Anh cũng bỏ rơi làn sóng chửi đổng mình trên mạng internet. “Tôi không có mạng xã hội ở đây (Trung Quốc). Vì vậy, tôi có lẽ đã tránh được những điều đó. Tôi không dự định xem mạng xã hội vì đôi khi mạng xã hội có thể hơi độc hại.”

Tình cảm dân tộc chủ nghĩa của ĐCSTQ là sản phẩm của sự tuyên truyền của chính quyền

Là một vận động viên người Mỹ gốc Hoa sinh ra ở Mỹ, ở vũ đài toàn cầu quan trọng nhất trong giới thể thao, rất dễ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc của ĐCSTQ. Hiện giờ, ở Trung Quốc, họ ngày càng được coi là người đại diện trong cuộc đấu tranh địa chính trị rộng lớn hơn giữa các siêu cường.

Tờ New York Times ngày 16/2 đưa tin: “Ở Trung Quốc, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc có nghĩa là ngay cả trong các công dân, bất kỳ ai đưa ra lời chỉ trích ôn hòa nhất cũng đều sẽ bị buộc tội là không không trung thành. Nhưng sự kiểm duyệt đối với người Mỹ gốc Hoa thường cũng rất nghiêm trọng ở phương diện khác.”

“Được coi là một phần của đại gia đình Trung Quốc, ĐCSTQ mong họ (những người Hoa ở nước ngoài) thể hiện lòng trung thành, nhưng họ bị coi là người ngoại lai và cũng không được tin tưởng. Tùy vào thời điểm và tâm trạng, họ có thể bị coi là những kẻ phản bội tổ quốc, bị xa lánh, cũng có thể được đón nhận như một anh hùng đem lại vẻ vang cho đất nước.”

Giáo sư Tiêu Cường tại phân hiệu Berkeley của Đại học California, người nghiên cứu về Internet và kiểm duyệt của Trung Quốc, nói với The Wall Street Journal rằng, sự kiện Zhu Yi bị công kích đã cho thấy rằng sự công kích của dư luận trực tuyến trong nước Trung Quốc là bắt nguồn từ quan điểm của ĐCSTQ rằng “Mỹ và Trung Quốc (ĐCSTQ) là kẻ địch ‘không đội trời chung’”.

Ông Tiêu Cường cho biết mối quan hệ thù địch đã ảnh hưởng công khai đến các cuộc thảo luận trực tuyến của các vận động viên người Mỹ gốc Hoa, khiến mọi người nghĩ rằng những vận động viên này hoặc đang mang lại danh dự cho Trung Quốc hoặc kéo đất nước lùi lại.

Ông cũng nói rằng nhiều quan điểm trong xu hướng chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở Trung Quốc gần đây, không phải do chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra, mà là sản phẩm của sự tuyên truyền trong thời gian dài của chính quyền.

Theo Lâm Nghiên, Epoch Times

Xem thêm: