Ngày 16/10, Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khai mạc, có vẻ như không có vấn đề gì ngăn cản được ông Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ 3, thế nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy tháng ngày ông Tập trải qua trong nhiệm kỳ này sẽ đầy hiểm họa.

57f3dd4fb27e58decca85aba109a8a28
Ông Tập Cận Bình tại Đại hội 20 của ĐCSTQ (Ảnh: Cắt từ video trực tiếp của CCTV)

Trong báo cáo đọc kéo dài 104 phút của ông Tập có 89 lần đề cập đến từ “an toàn”. Trong đó quan trọng nhất có thể là vấn đề an toàn của bản thân và gia đình ông Tập, bởi vì có 4 mối nguy hiểm tiềm ẩn về chính trị mà 10 năm cầm quyền của ông Tập để lại.

Thứ nhất, bỏ qua những “bố già” trong chiến dịch chống tham nhũng

Trong suốt 10 năm chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, hơn 570 quan chức cấp cao đã bị điều tra và xử lý, hầu hết đều là người trước đây được phe Giang (các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng) đề bạt. Vấn đề đã chứng minh Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng là bệ đỡ của những phần tử tham nhũng nghiêm trọng nhất ở cấp cao nhất của ĐCSTQ.

Nhưng đến nay, cả hai “bố già” đó đều bình an vô sự, như vậy khó tránh tiềm ẩn tai họa. 10 năm ông Tập Cận Bình nắm quyền đã nhiều lần gặp nguy cơ đảo chính, vấn đề chính là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.

Tiêu biểu như 6 nhân vật quyền uy che trời bị xác định tội “âm mưu thôn tính Đảng và Nhà nước” đều là những cấp cao nhất của Bộ Chính trị được Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đưa lên: Bí thư Ban Chính pháp Chu Vĩnh Khang, các Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương gồm Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, Phó Chủ tịch Chính hiệp Tôn Chính Tài, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Lệnh Kế Hoạch.

Nhưng những thân tín của Giang và Tăng có dừng lại ở 6 nhân vật dã tâm nói trên? Một số nhân vật khác từng được trọng dụng từ thời Giang và Tăng như các đương kim Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị gồm Vương Hộ Ninh (Trưởng Ban tuyên truyền Trung ương), Hàn Chính (Phó Thủ tướng), Triệu Lạc Tế (Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương) có phải là những “kẻ dã tâm”?

Hãy xem vô số trường hợp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ trước đây được Giang và Tăng đề bạt có kẻ nào không phải “kẻ dã tâm”: La Cán – Bí thư Ban Chính pháp Trung ương, Lý Lam Thanh – Phó Thủ tướng, Giả Khánh Lâm – Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc, Ngô Quan Chính và hạ Quốc Cường – Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Trương Đức Giang – Chủ tịch Nhân đại Toàn quốc, Lý Trường Xuân – Chủ nhiệm Ủy ban Chỉ đạo Kiến thiết Văn minh Tinh thần Trung ương, Lưu Vân Sơn – Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương, và Trương Cao Lệ – Phó Thủ tướng…

Chừng nào ông Tập còn bỏ ngỏ Giang và Tăng, khi “đầu não” còn an nhiên tự tại thì những vây cánh này không tìm cách xử lý ông Tập mới là chuyện lạ!

Thứ hai, hiểm họa trong hệ thống chính pháp

10 năm ông Tập Cận Bình nắm quyền đã không ngừng nỗ lực làm trong sạch hệ thống chính pháp, thành tích gần đây nhất là xử lý “băng đảng chính trị Tôn Lực Quân”. Những thành viên của băng nhóm này đã được xác định, đó là: Tôn Lực Quân – cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chính Hoa – cựu Thứ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cung Đạo An – cựu Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Thượng Hải, Đặng Khôi Lâm – cựu Phó Thị trưởng Trùng Khánh, Vương Lập Khoa –  cựu Bí thư Ban Chính pháp tỉnh Giang Tô, Lưu Tân Vân – cựu Phó Tỉnh trưởng và Giám đốc Công an tỉnh Sơn Tây, Lưu Nghiêm Bình – cựu Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Bí thư Ủy ban kỷ luật của Bộ An ninh.

Vấn đề của những nhân vật hàng đầu phụ trách về chính trị và pháp luật này là gì? Đó là chống Tập Cận Bình.

Ai đã trọng dụng họ? Đó là hai nhân vật chủ chốt từng là Bí thư Ban Chính pháp Trung ương: Mạnh Kiến Trụ và Quách Thành Côn. Đánh giá từ báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ về họ đều hướng đến Mạnh Kiến Trụ và Quách Thành Côn, nhưng cho đến nay ông Tập vẫn chưa bắt giữ hai nhân vật đứng sau này.

Mạnh và Quách là hai “bố già” trong hệ thống chính trị và luật pháp của ĐCSTQ, họ đều từ có thời gian 5 năm giữ chức bộ trưởng công an; sau đó mỗi người cũng từng giữ chức Bí thư Ban Chính pháp Trung ương trong 5 năm. Trong 10 năm cầm quyền bộ máy chính pháp họ đã đề bạt vô kể quan chức cấp cao, ngoài 7 nhân vật nêu trên còn có rất nhiều kẻ hủ bại khác từ trung ương đến các địa phương. Không ai trong số các quan chức này “thuần phục” Tập Cận Bình, chỉ cần đến thời điểm thích hợp họ nhất định sẽ quay lưng.

Thứ ba, tức giận của người dân có thể đến giới hạn chịu đựng

Gần đây (13/10), cộng đồng mạng chia sẻ một số video cho thấy 2 biểu ngữ có chữ đỏ được người dân giăng trên cầu Tứ Thông ở quận Hải Định – Bắc Kinh, các biểu ngữ viết: “Không cần axit nucleic mà cần lương thực! Không cần phong tỏa mà cần tự do! Không cần dối trá mà cần nhân phẩm! Không cần Cách mạng Văn hóa mà cần cải cách! Không cần lãnh đạo mà cần phiếu bầu! Không muốn làm nô tài mà muốn làm công dân!”, biểu ngữ kia ghi “Bãi công, bãi khóa, bãi quốc tặc Tập Cận Bình”.

Sự kiện chống Đảng và chống Tập Cận Bình diễn ra vào đêm trước Đại hội 20 của ĐCSTQ đang tiếp tục lên cơn sốt trong và ngoài nước, và có phản ứng dây chuyền.

Kể từ sau Đại hội 19 của ĐCSTQ, dưới kiểm soát hà khắc của ĐCSTQ khiến những vụ việc chống nhà cầm quyền trong nước thỉnh thoảng vẫn xảy ra, xin dẫn vài ví dụ:

– Ngày 14/1 năm nay, một người biểu tình trong bộ vest chỉnh tề cầm biểu ngữ và hô vang “Đả đảo Tập Cận Bình! Phản đối sửa đổi Hiến pháp!”

– Ngày 26/7, nhà thơ Lỗ Dương (Lu Yang) người Sơn Đông đã bị kết án 6 năm tù vì lý do hồi tháng 5/2020, ông đã đăng một video trên WeChat kêu gọi Tập Cận Bình từ chức.

– Ngày 22/6, tiến sĩ luật Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) của Đại học Bắc Kinh và là người sáng lập “Phong trào công dân mới” tại Trung Quốc đã bị xét xử tại một tòa án ở Sơn Đông, lý do là ông đã công bố một bức thư khuyên ông Tập nên thoái vị vào năm 2020.

– Giáo sư luật Hứa Chương Vận (Xu Zhangrun) tại Đại học Thanh Hoa trong những năm gần đây đã xuất bản một số bài chống Tập Cận Bình gây được ảnh hưởng trong và ngoài nước. Ví dụ năm 2020 ông xuất bản cuốn “Những người tức giận không còn sợ hãi”, đưa ra nhiều chất vấn lên án mạnh mẽ nhắm vào ông Tập Cận Bình.

Đối với đông đảo công chúng thì chỉ hy vọng nhận được một số lợi ích như có thể tăng thu nhập, an cư lạc nghiệp, có một môi trường sống tương đối tự do… Khi ông Tập lên nắm quyền đã phải đối mặt với một mớ hỗn độn về tham nhũng khắp nơi, tích tụ vô số vấn đề trong hệ thống chính trị và kinh tế, các loại mâu thuẫn xã hội sâu sắc đã tích tụ có thể gây thảm họa bất cứ lúc nào. Ông Tập không có biện pháp nào mới nên phải dùng cách cũ theo hướng cực tả là quay lại thời Cách mạng Văn hóa. Hậu quả là tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ và không gian tự do bị thu hẹp. Đặc biệt là sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 khiến các biện pháp cực đoan như phong tỏa và kiểm soát gia tăng làm cho nền kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn, và khiến không gian tự do bị thu hẹp chưa từng thấy, làm cho nhiều người vô cùng tức giận nhưng không biết trút vào đâu.

Nhưng khi mọi thứ quá sức chịu đựng sẽ luôn có người đứng lên, những trường hợp kể trên chính là những người phát ngôn cho xu thế phẫn nộ trong dân. Dự kiến ​​sau Đại hội 20 của ĐCSTQ khi tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi và áp lực chính trị gia tăng thì xu thế phản kháng tương tự sẽ gia tăng theo, không loại trừ khả năng sẽ xảy ra những sự cố “tức nước vỡ bờ”.

Thứ tư, những tiếng nói chống ông Tập ở nước ngoài đang tăng lên

Trong trường dư luận nước ngoài ngày nay, nếu ai nhắc đến Tập Cận Bình mà không chửi thì có thể [người đó] bị chửi, dường như ai cũng chửi ông Tập. Nhưng ở nước ngoài, các phe phái chống Tập đại khái được chia thành 4 dạng sau:

Thứ nhất là xu thế “chống Tập không chống Cộng” được các tay chân phe Giang ở nước ngoài thúc đẩy. Trước Đại hội 20 của ĐCSTQ, cùng nhiều tin đồn cùng nhiều bài viết dài đăng ở nước ngoài lên án Tập Cận Bình hầu hết đều do những người này tạo ra. Sau Đại hội 20 nhất định họ sẽ tiếp tục xu thế đó, yêu cầu ông Tập từ chức, tung tin thất thiệt rằng ông Tập bị “đảo chính”, “binh biến”, “nhân dân nổi dậy”, mắc bệnh nọ kia….

Loại thứ hai là “chống Tập không chống Cộng”  do những người nước ngoài từng có thân quen với phe Giang đưa ra. Những người này là những kẻ phát tài trước khi ông Tập lên nắm quyền, trước đó khi ở Trung Quốc nhờ lặng lẽ cấu kết cùng với người phe Giang làm giàu rồi ra nước ngoài sống. Họ cho rằng ông Tập đang cản đường làm ăn đó của họ. Những người đó chỉ chống Tập chứ không chống Cộng, họ chỉ muốn thay thế một ai đó phù hợp với mong muốn của họ để họ lại tiếp tục trở lại những ngày xưa tốt đẹp khi đôi bên cùng có lợi. ‘Gã khổng lồ’ tài chính phố Wall Soros là một trong những đại diện như vậy.

Loại thứ ba là hoạt động chống Tập của một số người mong muốn khai sáng, cải cách, đòi tự do trong nước. Những người này bao gồm một số quan chức, học giả và doanh nhân bỏ trốn ra nước ngoài sau vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ngoài ra còn một số người thuộc thế hệ sau của “tư bản Đỏ” đã định cư ở nước ngoài. Họ từng là những người ủng hộ cải cách và mở cửa, hy vọng ĐCSTQ sẽ hướng tới một chính phủ hợp hiến dân chủ tự do thông qua cải cách hệ thống chính trị. Nhưng sau khi trải qua cuộc Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 do ông Đặng Tiểu Bình gây ra, kết thúc con đường cải cách hệ thống chính trị của ĐCSTQ, thì họ đã không còn hy vọng ĐCSTQ tiến tới cải cách và mở cửa, theo đó họ là những người vừa chống Tập và chống Cộng.

Loại thứ tư là hoạt động chống Tập của một số chính khách nước ngoài, những người hiểu biết sâu sắc về bản chất của ĐCSTQ. Một trong những nhân vật tiêu biểu nhất là cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo. Ông Pompeo tin rằng “Tổng Bí thư Tập Cận Bình là người sùng tín hệ tư tưởng độc tài toàn trị đã phá sản. Lời nói dối lớn nhất của ĐCSTQ là cho rằng họ đại diện cho người dân Trung Quốc”. Xu thế này vừa chống Tập vừa chống Cộng.

Trước Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 ông Tập đã đạt đến đỉnh cao danh vọng thông qua chiến dịch chống tham nhũng và cải cách quân đội. Khi đó trong tay ông Tập Cận Bình có nhiều “quân cờ tốt”, nhưng chỉ trong 5 năm trước Đại hội 20 thì ông Tập đã phá hỏng mọi thứ. Những người chống lại ông đã mở rộng từ phe Giang do Giang và Tăng lãnh đạo, sang người của nhiều tầng lớp và lĩnh vực hơn, bao gồm cả những người từng ủng hộ ông Tập và đặt nhiều hy vọng vào ông Tập. Tại sao?

Lý do chính ở vấn đề “còn Đảng còn mình”.

Đánh giá trong số hơn 570 quan chức cấp cao mà ông Tập Cận Bình đã xử lý qua 10 năm cầm quyền, cho thấy những kẻ chống lưng cho họ chính là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Những phần tử tham nhũng nghiêm trọng nhất ở cấp cao nhất của ĐCSTQ này đã biến ĐCSTQ thành đảng tham nhũng nhất thế giới. Sự thối nát của ĐCSTQ đã đến giai đoạn cuối của bệnh ung thư, không ai có thể phục hồi được. Tuy nhiên ông Tập không bỏ cuộc mà tin rằng nếu “giang sơn Đỏ” của ĐCSTQ không nằm trong kiểm soát của ông thì nó sẽ kết thúc, vì thế ông chuyên tâm bảo vệ Đảng nên đã phải thỏa hiệp với Giang và Tăng. Đây là lý do không thể xử lý hai “bố già” này.

Giang và Tăng đã tận dụng tối đa điểm yếu này của Tập khiến cho phe cánh của họ gây rối cho Tập, do đó trong vòng 5 năm qua số thân tín còn lại của ông Tập không còn mấy ai. Cách đây 5 năm vẫn có nhiều người Trung Quốc ví ông Tập là “Tập vĩ đại”, nhưng bây giờ xu thế chung là đều dùng những ngôn từ khó nghe nhất để nói về ông.

Xét về 4 nguy cơ an ninh nghiêm trọng nêu trên, nhiều khả năng nhiệm kỳ 5 năm tới của ông Tập sẽ luôn sống trong cảnh giác và bất an. Theo báo cáo của ông Tập tại Đại hội 20, ông Tập đã 17 lần đề cập đến “đấu tranh”. Trước đây, ông Tập cũng nhiều lần lặp lại từ “đấu tranh” này.

Làm thế nào để “đấu tranh”?

Nếu Tập Cận Bình tiếp tục để Giang, Tăng, Mạnh và Quách tự tại mà không bị trừng phạt thì ông Tập có thể khó tránh kết cục như số phận của cựu Tổng thống Ceausescu của Romania. Ngược lại, nếu Tập Cận Bình có đủ sáng suốt để từ bỏ con đường “còn Đảng còn mình”, qua đó dũng cảm bắt giữ Giang, Tăng, Mạnh và Quách và giải thể ĐCSTQ, vậy thì vận mệnh của ông có thể bước vào con đường khác.

Hai viễn cảnh nêu trên đều tồn tại sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, bức tranh như thế nào phụ thuộc vào lựa chọn của ông Tập.

Vương Hữu Quần
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)