Ngày 04/8, hai quan chức hàng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Hy (Chen Xi) và Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa đã cùng đi thăm các chuyên gia trong kì nghỉ hè Bắc Đới Hà, điều này có nghĩa Hội nghị Bắc Đới Hà hàng năm dành cho giới chức cấp cao của ĐCSTQ đã bắt đầu. Tổng hợp thông tin từ giới truyền thông cho thấy, so với những năm trước, Bắc Đới Hà năm nay ngoài không khí bí ẩn còn có ít nhất bốn điều đặc biệt khác thường.

hội nghị
Ảnh từ Getty Images

Điều chỉnh nhân sự trong quân đội, không ai được phong hàm Thượng tướng trước ngày thành lập quân đội

Hàng năm, cứ đến dịp chuẩn bị ngày thành lập quân đội ĐCSTQ là ông Tập Cận Bình lại tổ chức đợt điều chỉnh nhân sự mới và phong một loạt quan tướng, nhưng bất ngờ năm nay là trong giới chóp bu quân đội không ai được thăng cấp Thượng tướng. Ngoài ra, ngày 31/7, khi ông Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị còn ra lệnh hạn chót vào cuối năm nay quân đội phải dừng mọi hoạt động mang tính kinh doanh, rút triệt để ra khỏi thị trường, trong đó bao gồm hệ thống trường mầm non.

Đài RFA Mỹ trích lời bình luận của nhà bình luận chính trị tại Hồng Kông là Lưu Nhuệ Thiệu (Liu Ruishao) cho rằng mối quan hệ giữa Tập Cận Bình và quân đội là mối quan hệ hai bên cùng có lợi, điều này phản ánh họ đang có xung đột.

Lưu Nhuệ Thiệu cho rằng thời điểm hiện tại trong bộ máy chính trị ĐCSTQ không có ai có thể tập hợp được lực lượng đủ để thách thức quyền lực của Tập Cận Bình. Phải xem những thay đổi trong một hay hai năm tới, vì đó là khoảng thời gian vừa đủ để tính được những tổn hại từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc, nếu năm 2020 nền kinh tế Trung Quốc thực sự có vấn đề lớn thì không loại trừ những người phản đối sẽ tập hợp lại với nhau.

Ba năm trước ông Tập Cận Bình từng hứa sẽ chấm dứt “dịch vụ thu phí” của quân đội. Theo số liệu chính thức, sau khoảng 100.000 công ty thuộc quân đội đã bị đóng cửa, hiện vẫn còn 6.000 công ty “nhạy cảm và phức tạp” vẫn hoạt động.

>>Ông Tập Cận Bình thừa nhận cấm quân đội kinh doanh là “vấn đề nhạy cảm”

Ngày 31/5 năm ngoái, Tân Hoa Xã đã đưa tin cho biết kế hoạch quân đội Trung Quốc ngừng kinh doanh sẽ chia làm hai giai đoạn, dự kiến ​​sẽ được hoàn thành vào tháng 06/2018. Trang tin Duowei News tại Mỹ đã có nhận xét rằng, việc thời gian hoàn thành kế hoạch bị hoãn lại đến cuối năm nay cho thấy vấn đề thực hiện gặp trở ngại.

Trước thềm ngày thành lập quân đội Trung Quốc đã có một số lượng lớn tướng lĩnh làm công tác chính trị thuộc Lục quân, Không quân và thậm chí Vũ cảnh bị chuyển giao về Hải quân, một số tướng của Hải quân bị chuyển giao về quân khu địa phương. Minh Báo (Ming Pao) Hồng Kông có nhận định rằng nhìn bề ngoài thì động thái có mục đích để tăng kinh nghiệm liên quân, nhưng trong thực tế nhằm đưa người bên ngoài vào để tăng cường sự kiểm soát đối với Hải quân. Trước đây ông Quách Bá Hùng còn làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã cài cắm nhân sự thân tín hùng hậu vào Hải quân.

Bên cạnh đó, Quân ủy Trung ương ĐCSTQ cũng đã ban hành hai văn kiện liên quan đến chống tham nhũng trong quân đội, được đưa vào thực hiện từ tháng Tám này: “Giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng trong quân đội”“Thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm giải trình trong quân đội”. Về vấn đề này có những nguồn tin nội bộ chỉ ra lý do vì có thể có những tướng lĩnh quân đội đang âm mưu “đảo chính”.

Vương Hỗ Ninh “mất tích” gây tin đồn bị chờ xử lý trách nhiệm

Trong hoạt động lễ nghi thăm hỏi các chuyên gia tham dự kỳ nghỉ Bắc Đới Hà mới đây do hai quan chức đảm trách là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Hi và Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, trong khi trước đây nhiệm vụ này thuộc về người tiền nhiệm đồng cấp (Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách tuyên truyền) của Vương Hỗ Ninh là Lưu Vân Sơn. Sự vắng mặt của ông Vương Hỗ Ninh vì vậy đang trở thành tâm điểm chú ý.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông cho biết, ngoài không có mặt trong chuyến thăm hỏi các chuyên gia, ông Vương Hỗ Ninh cũng vắng mặt trong buổi Hội nghị Bắc Đới Hà vào ngày 04/8.

Những nguồn tin chỉ ra, kể từ ngày 06/7 sau khi ông Vương Hỗ Ninh tham gia Hội nghị Ủy ban cải cách sâu sắc của ĐCSTQ thì đã không thấy xuất hiện. Có nhận định cho rằng lý do “mất tích” của Vương Hỗ Ninh là vì đang bị truy cứu trách nhiệm do đánh giá sai lầm về cục diện quốc tế kéo theo những chỉ đạo sai lầm nghiêm trọng trong định hướng công tác tuyên truyền.

Ngày 31/7 ông Vương Hỗ Ninh có xuất hiện trên chương trình thời sự của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), nhưng đó là thông tin cũ về một hội nghị từ 14 ngày trước, được giới quan sát cho là vấn đề cực kỳ hiếm xảy ra. Đồng thời qua hình ảnh từ truyền hình chỉ thấy ông Vương Hỗ Ninh cúi đầu lặng lẽ.

Việc Vương vắng mặt trong đoàn chuyên gia thăm hỏi tại Bắc Đới Hà là bất thường, nhưng trang tin Duowei News được cho là có bối cảnh phe cánh Bắc Kinh giải thích rằng, sau khi ông Tập Cận Bình đi nước ngoài về, vào ngày 31/7 đã triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị, cuộc họp này có mặt ông Vương Hỗ Ninh, máy quay của CCTV hai lần quay cận cảnh khuôn mặt Vương. Tuy nhiên, tờ Vision Times xem lại bản tin truyền hình liên quan của CCTV thì phát hiện bản tin này chỉ hiển thị văn bản.

>>Liệu Vương Hỗ Ninh có thành “vật hy sinh” trong chiến tranh thương mại?

Cũng có phân tích cho rằng Vương Hỗ Ninh đã không tham dự vì ông không chịu trách nhiệm về công tác tổ chức cán bộ, công việc này do thân tín của Tập Cận Bình là Trần Hi chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên nhiều quan điểm cho rằng ông Vương Hỗ Ninh đang gặp rắc rối, vì thế Hội nghị Bắc Đới Hà có bàn về quan lộ của Vương Hỗ Ninh không đang là điểm quan tâm.

Phó Thủ tướng được chọn đi thăm hỏi chuyên gia Bắc Đới Hà không phải Lưu Hạc mà là Hồ Xuân Hoa

Theo thông lệ trước đây, những quan chức đi thăm hỏi chuyên gia trong kỳ nghỉ Bắc Đới Hà được bố trí theo mô thức “một Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị và hai Ủy viên Bộ Chính trị”; theo đó các chức vụ bao gồm Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Phó Thủ tướng. Nhưng thực thi nhiệm vụ lần này không chỉ khác biệt ở việc không có tham dự của Bí thư Ban Bí thư Trung ương là ông Vương Hỗ Ninh, còn vấn đề khác biệt nữa là nếu chiếu theo phân công nhiệm vụ trong 5 năm nhiệm kỳ đầu của Tập Cận Bình (dành cho Trưởng ban Tổ chức Trung ương Triệu Lạc Tế và Phó Thủ tướng Mã Khải) thì nhiệm vụ lần này ngoài Trần Hy, người đảm nhiệm còn lại phải thuộc về Lưu Hạc (vì Lưu Hạc tiếp quản chức của Mã Khải), thế nhưng nhiệm vụ lại giao cho Hồ Xuân Hoa.

Vấn đề này trùng hợp những tin đồn cho rằng Lưu Hạc đã “bị tước quyền lực” vì chuyện đàm phán chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.

Tuy nhiên, có phân tích cho biết, quan sát từ lĩnh vực phụ trách của Phó Thủ tướng, Lưu Hạc chịu trách nhiệm về tài chính và hai đối thoại kinh tế quan trọng là Trung Quốc với Mỹ và Trung Quốc với EU, cũng chịu trách nhiệm về cải cách doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ; còn Hồ Xuân Hoa phụ trách nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, cũng phụ trách một phần về ngoại thương, phụ trách về nguồn nhân lực. Do đó nhiệm vụ lần này giao cho Hồ Xuân Hoa chứ không phải Lưu Hạc là hợp lý.

Tập Cận Bình cảnh cáo “kẻ dã tâm” ngay trước Hội nghị Bắc Đới Hà

Sau khi kết thúc chuyến thăm khu vực Trung Đông và châu Phi vào 29/7 và trở về Bắc Kinh, công việc đầu tiên của ông Tập Cận Bình là  chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị vào 31/7, hội nghị này không chỉ thảo luận về “những thách thức mới” về kinh tế mà Trung Quốc đang gặp, quan trọng hơn là nhấn mạnh vấn đề “Điều lệ Kỷ luật Đảng viên”, yêu cầu phải bảo vệ địa vị “hạt nhân Tập Cận Bình” và uy quyền của trung ương.

Tại hội nghị ông Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện sáu vấn đề ổn định: công ăn việc làm, tài chính, ngoại thương, đầu tư từ nước ngoài, nguồn vốn trong nước, dự trù tương lai.

RFI của Pháp có chỉ ra rằng, không khí hội nghị này đã phản chiếu bầu không khí khác thường tại Hội nghị Bắc Đới Hà.

Ngày 03/8, Nhân dân Nhật báo Trung Quốc công bố bài viết nhấn mạnh lại vấn đề bảo vệ hạt nhân Tập Cận Bình; bài viết một lần nữa nhắc lại những quan to “ngã ngựa” do dã tâm chính trị gồm Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Tôn Chính Tài, Lệnh Kế Hoạch, qua đó cảnh cáo rằng “trung ương kiên quyết thanh trừng các nhóm lợi ích kiểu này để loại bỏ các nguy cơ chính trị”.

Tờ Vision Times tại Mỹ có nhận định rằng, do những lãnh đạo đương nhiệm ĐCSTQ cảm nhận rõ về những bất ổn chính trị nên đã phủ đầu cảnh cáo trước thềm Hội nghị Bắc Đới Hà.

Trí Đạt

Xem thêm: