Ngoài việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử chức vụ chủ tịch nước, chính phủ khóa mới tượng trưng cho việc ông kiểm soát toàn bộ nhân sự và quyền lực nội các cũng sẽ chính thức nhậm chức sau “lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trung Quốc hiện đang đối mặt với thách thức của một cuộc khủng hoảng kinh tế, và “đội ngũ lãnh đạo kinh tế” mới của ông Tập cũng bị ngoại giới đặt dấu hỏi về kinh nghiệm và năng lực.

Lý Cường Bí Thư Thượng Hải
Cựu Bí thư thành phố Thượng Hải, ông Lý Cường, sẽ giữ chức Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, trở thành nhân vật số 2 trong dàn lãnh đạo nhiệm kỳ mới của ông Tập Cận Bình. (Ảnh chụp màn hình video)

Kỳ họp thứ nhất của Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) khóa 14 đã khai mạc vào ngày 4/3 và kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân đại) khóa 14 diễn ra vào ngày 5/3 (hai hội nghị này gọi tắt là lưỡng hội). Kỳ “lưỡng hội” năm nay cũng thu hút sự chú ý đặc biệt, bởi sẽ “bầu” lãnh đạo cấp cao của chính phủ như chủ tịch và phó chủ tịch nước, chủ tịch và phó chủ tịch Ủy ban Quân sự quốc gia, thủ tướng và phó thủ tướng Quốc vụ viện, ủy viên Quốc vụ, người đứng đầu các bộ và ủy ban.

Tờ “United Daily News” (Liên Hợp Báo) của Đài Loan đưa tin, “lưỡng hội” năm nay là đại hội thay đổi nhiệm kỳ mới được tổ chức 5 năm một lần. “Lưỡng hội” ĐCSTQ năm nay sẽ có 3 điểm nổi bật: báo cáo công tác của chính phủ, danh sách nhân sự nhiệm kỳ mới, phương án cải cách tổ chức cơ quan chính quyền.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có báo cáo công tác chính phủ lần cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông tại “lưỡng hội” năm nay. Truyền thông Đài Loan đưa tin, những gì ông Lý Khắc Cường có thể dẫn dắt chỉ là nửa đầu của báo cáo, tức là tổng kết một năm qua và bình luận về 5 năm qua, theo thông lệ là thảo luận dựa trên tổng kết kinh nghiệm, dự kiến ông Lý Khắc Cường sẽ nói về cách phòng chống dịch bệnh, ổn định kinh tế và thúc đẩy cải cách hành chính và một số thành tựu trong cải cách và tối ưu hóa môi trường hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, chính sách và nhiệm vụ trong tương lai của nửa sau không thể do ông quyết định, và có thể do chính ông Tập Cận Bình kiểm soát.

Về điểm chú ý liên quan đến nhân sự khóa mới, tờ “United Daily News” chỉ ra rằng không còn là ai lên ai xuống, mà là cố gắng tìm ra những thay đổi sau khi có người lên và người xuống. Chẳng hạn như ông Lý Khắc Cường, là xem ông liệu có thể đến Đại học Bắc Kinh để giảng dạy theo ý muốn sau khi rút lui hoàn toàn khỏi các chức vụ một cách vui vẻ hay không. Một ví dụ khác là liệu Phó Thủ tướng hiện tại, ông Hồ Xuân Hoa, bị rút lui, liệu có bất kỳ ‘món nợ’ nào cần giải quyết hay không; và đội ngũ mới của Quốc vụ viện, hầu hết trong số họ không có kinh nghiệm làm việc trong Quốc vụ viện, thậm chí không có kinh nghiệm làm việc trong chính quyền trung ương, liệu họ có thể giữ vững ổn định đại cục, và có liệu có thể mở ra cục diện mới hay không. 

Cuối cùng, về phần cải cách thể chế, đây nên là điểm nhấn lớn nhất trong kỳ “lưỡng hội” năm nay. Có 3 nguyên nhân, một là công tác chuẩn bị cực kỳ kín tiếng, nằm ngoài dự đoán của các bên, càng bí mật thì mức độ chú ý càng cao; hai là, cách đây 5 năm, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên cải cách thể chế, có một số ý tưởng chưa thành hiện thực; ba là, nội dung cải cách thể chế về ý nghĩa tuyệt đối, chính là phản ánh hoàn toàn đường lối chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ trong hệ thống đảng – quốc gia, trong giới chính trị Bắc Kinh có tin đồn rằng nội dung này có thể gây sốc.

Ông Tô Tử Vân, giám đốc Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Chiến lược Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Đài Loan, nói với Đài truyền hình NTD rằng năm nay là lần đầu tiên ĐCSTQ điều chỉnh hệ thống lãnh đạo, từ giới hạn hai nhiệm kỳ trước trước đây, biến đổi thành nhiệm kỳ thứ ba, đối với vận mệnh của ĐCSTQ thì sẽ là một bước ngoặt quan trọng.

Ông chỉ ra: “Hiện tại có vẻ tương đối bất lợi, bởi vì xét cho cùng, nếu ông ấy (Tập Cận Bình) có thể tiếp tục 3 hoặc 4 nhiệm kỳ, tôi nghĩ rằng ‘nồi áp suất’ nội bộ Trung Quốc cuối cùng sẽ phát nổ, đây là rắc rối mà ĐCSTQ đã tạo ra cho chính mình.”

Tờ AsiaNews có trụ sở tại Singapore chỉ ra, những cải cách mới từ “Phương án cải cách thể chế của Đảng và Nhà nước” sẽ làm suy yếu chính phủ hơn nữa, làm giảm tầm quan trọng của thủ tướng và Quốc vụ viện trong việc ra quyết định.

Ông Tống Quốc Thành (Song Guocheng), giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc gia Chengchi Đài Loan, cho biết: “Ông ấy (Tập Cận Bình) đã tự mình thực hiện một động thái như vậy để thanh lọc những người bất đồng chính kiến ​​​​trong đảng, bởi vì cần biết rằng 3 năm thực hiện ‘Zero-COVID’, và trong ngoại giao đẩy đến mức ‘thiên hạ vây Cộng’ này, nên tiếng nói bất mãn trong đảng vẫn còn.”

CNN tập trung vào các bản cập nhật nhân sự sẽ được Nhân đại đưa ra từ góc độ lĩnh vực kinh tế. Theo các báo cáo, các ứng cử viên có thể cho 4 vị trí chủ chốt phụ trách nền kinh tế Trung Quốc là ông Lý Cường giữ chức Thủ tướng, ông Đinh Tiết Tường giữ chức Phó Thủ tướng thường trực, ông Hà Lập Phong giữ chức Phó Thủ tướng và ông Chu Hạc Tân làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Các đề cử của bốn người dự kiến ​​​​sẽ được chính thức thông qua tại đại hội.

Điều đáng chú ý là 4 cá nhân này hoặc là thân tín của ông Tập Cận Bình hoặc có liên hệ với những thân tín của ông Tập, và họ không được đào tạo ở phương Tây hoặc được coi là không có kinh nghiệm giao tiếp với các tổ chức tài chính quốc tế.

Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, cho rằng so với người tiền nhiệm, ông Lý Cường phụ trách nền kinh tế Trung Quốc ở tình thế bất lợi hơn, các đại diện doanh nghiệp đang kinh doanh tại Trung Quốc cũng theo dõi sát sao đội ngũ điều hành nền kinh tế mới. Liệu ông ấy có kỹ năng ngoại giao và giao tiếp không, để có thể truyền tải thông điệp về sự cởi mở của Trung Quốc, hy vọng ông ấy không phải là chỉ nói suông.

Ông Joerg Wuttke cho biết, đội ngũ điều hành nền kinh tế mới có thể phục hồi nền kinh tế Trung Quốc hay không, cuối cùng sẽ phụ thuộc vào mức độ quyền lực mà đảng có thể giao cho các quan chức. Tầng lãnh đạo mới không thiếu kiến thức chuyên ngành, vấn đề là đảng cho họ không gian lớn đến đâu để họ đưa ra quyết định hợp lý, và cả việc hệ tư tưởng sẽ can dự vào việc ra quyết định ở mức độ thế nào, đó đều là những nhân tố rất quan trọng.