Học giả nổi tiếng đến từ Trung Quốc Đại Lục, từng là Phó tổng biên tập của Thời báo Học Tập thuộc trường Đảng – ông Đặng Duật Văn đã có bài viết đăng trên “The New York Times”, trong đó cho rằng làn sóng ngầm tại Đại hội 19 đang dần hiện rõ, ông Tập Cận Bình đang đối diện với 4 thách thức lớn.

tap-can-binh

Trong bài viết của mình trên tờ “The New York Times”, ông Đặng Duật Văn có đề cập đến 4 thách thức lớn của ông Tập Cận Bình như sau:

1. Thách thức thứ nhất liên quan đến sắp xếp nhân sự của Đại hội 19

Liên quan đến việc này, các phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ có một cuộc tranh giành không khoan nhượng. Việc sắp xếp nhân sự lần này sẽ cho thấy ông Tập Cận Bình là người có quyền uy thật sự hay không.

Bài viết cho rằng có 3 nhân tố có thể ảnh hưởng lớn tới sắp xếp nhân sự của Đại hội 19. Thứ nhất, vấn đề chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình có khả năng đã làm xáo trộn bố cục nhân sự. Trong một thể chế mà dường người nào cũng bị nghi ngờ là tham nhũng, các phe phái tất nhiên sẽ mượn cớ chống tham nhũng để kéo đối thủ xuống. Trong vài tháng tới, nếu có quan chức cấp cao nào bị vướng vào tội tham nhũng thì cũng không có gì là lạ. Thứ Hai là việc ông Vương Kỳ Sơn có tiếp tục ở lại hay không sẽ ảnh hưởng tới sắp xếp nhân sự tại Bộ Chính trị và Ban Thường ủy. Nếu lúc đó ông Vương (đã 69 tuổi) vẫn ở lại, sẽ phá vỡ quy định hạn chế tuổi tác của Ban Thường vụ trước đây. Nhân tố thứ 3 là việc ông Hồ Xuân Hoa và ông Tôn Chính Tài có thể vào Ban thường vụ hay không. Ông Hồ Xuân Hoa và ông Tôn Chính Tài đều được coi là hàng ngũ lãnh đạo thứ 5 sau ông Tập Cận Bình. Nếu hai người này vào Ban Thường vụ, thì rất có thể liên quan tới quyền lực của ông Tập Cận Bình ở một mức độ nào đó.

Xem thêm: Ông Hồ Xuân Hoa “trúng cử” đại biểu tham gia Đại hội 19 ĐCSTQ

2. Thách thức ở phương diện tư tưởng chỉ đạo hoặc hình thái ý thức

Bài viết cho rằng, trong nhiệm kỳ của mình, ông Tập Cận Bình sẽ đem tư tưởng của chính mình biến thành tư tưởng chỉ đạo, phản ánh được sự gia tăng quyền uy chưa từng có. Tuy nhiên, ý thức hình thái chính là một yếu điểm của ĐCSTQ, hiện nay nó không có sức thuyết phục mạnh mẽ. Nếu tư tưởng chỉ đạo của chính quyền hiện nay không thể khiến quân dân lấy làm gương và hướng về một số giá trị phổ quát của thế giới, vẫn kiên trì theo đuổi quan điểm chính trị cứng nhắc, thì rất khó để nhân dân có cùng nhìn nhận và xã hội sẽ tiếp tục bị chia rẽ.

3. Thách thức về cải cách toàn diện

Đại hội 19 có thể khởi động lại cải cách hay không là vấn đề quan trọng. Cải cách ở đây không chỉ đơn giản là cải cách kinh tế, mà còn là cải cách toàn diện bao gồm cải cách xã hội, cải cách tư pháp, cải cách hành chính và cải cách chính trị. Nếu chỉ đơn thuần là cải cách kinh tế thì sẽ khập khiễng và không thể đẩy mạnh được.

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Trung ương nhiệm kỳ 18 đã đề xuất kế hoạch cải cách toàn diện nhưng đa số đều không được thực thi, chẳng hạn như cải cách doanh nghiệp vốn nhà nước. Cải cách bị ngăn cản bởi nhóm lợi ích, đây là nguyên nhân quan trọng làm kế hoạch cải cách không thể triển khai được.

Bài viết còn cho rằng, càng kéo dài thời gian cải cách về sau, thì sự ủng hộ của quần chúng càng ít, áp lực đến từ cách mạng càng lớn. Hơn nữa, xã hội Trung Quốc, nhất là tầng thấp từ lâu đã thất vọng với cải cách, hiện giờ họ không tin rằng Đảng sẽ thực hiện cải cách có lợi cho họ nữa.

4. Thách thức tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế và cải cách có liên quan tới nhau, vài năm trở lại đây, kinh tế Trung Quốc xuống dốc là do cải cách không đến nơi đến chốn hoặc do cải cách bị đình trệ.

ĐCSTQ lo sợ cải cách chính trị sẽ dẫn đến bùng phát người dân đòi dân chủ hóa, do đó họ cố gắng dùng cải cách kinh tế để thay thế cho cải cách chính trị. Tuy nhiên, không có sự tham gia chính trị của người dân và tư pháp độc lập thì quyền lực sẽ không thể kiềm chế được, cải cách kinh tế sẽ không thể có đột phá.

Làm thế nào để cân bằng và lựa chọn trong khi kinh tế tăng trưởng với tốc độ thấp làm cho sự bất mãn của người dân tăng cao, và cải cách toàn diện có thể làm người dân đòi dân chủ hóa. Đây là thách thức lớn của Đại hội 19.

Bài báo còn cho biết, 4 vấn đề lớn ở trên không chỉ giới hạn trong Đại hội 19, mà ít nhất vẫn còn tồn tại trong 5 năm từ sau Đại hội 19. Nếu Chính phủ Trung Quốc vẫn chọn giữ thái độ cứng nhắc lỗi thời, sau đó sẽ xuất hiện những gì thì rất khó dự đoán được.

Đài Phát thanh Pháp RFI đưa tin, một số người hiểu rất rõ quan trường của ĐCSTQ cho rằng, từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền tại Đại hội 18, các nhân vật thuộc phe cánh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân bị áp chế mạnh mẽ, dù là “bang Thượng Hải” hay là người được ông Giang Trạch Dân đề bạt như ông Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu cũng vậy, đều bị “ngã ngựa” hết. Nhưng một số người trong quân đội và hệ thống chính trị pháp luật vẫn chưa bị thanh trừ xong. Mặc dù ông Tập Cận Bình nắm nhiều quyền lực trong tay, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để có thể hoàn toàn yên tâm, việc cần làm ngay của ông Tập là sắp xếp lại toàn bộ người của mình tại Đại hội 19 này, để trải đường cho tương lai, tránh việc bị phản công.

Nếu phe ông Tập muốn được hoàn toàn nắm quyền và không bị thanh trừ, thì sẽ có một cuộc đọ sức rất lớn giữa hai phe Giang và Tập. Kết quả như thế nào phải đợi đến Đại hội 19 mới có thể biết rõ.

Liên quan đến việc ông Vương Kỳ Sơn có ở lại Ban Thường vụ hay không, vẫn luôn có những phân tích trái chiều. Gần đây tỷ phú trốn sang Mỹ là ông Quách Văn Quý đã đưa hàng loạt những thông tin không tốt về ông Vương Kỳ Sơn trên mạng xã hội. Theo phân tích, mục đích là ngăn cản người bạn đồng minh này của ông Tập Cận Bình ở lại Ban Thường vụ. Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa thể biết rõ được hướng đi cuối cùng của ông Vương Kỳ Sơn.

Trí Đạt

Xem thêm: