Hồi tháng Năm, ông Biden ra lệnh cho cơ quan tình báo đẩy nhanh tiến độ điều tra nguồn gốc của virus và kết quả điều tra sẽ được công bố sau 90 ngày, hiện giờ là cuối tháng Tám, thời hạn cũng đã sắp đến. Nói cách khác, Mỹ sẽ công bố báo cáo điều tra virus chính thức trong vài ngày tới, việc này cũng khiến cho cộng đồng quốc tế chú ý. Vì sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại sốt ruột? Đảng này lại thông qua những thủ pháp nào để tích cực trốn tránh trách nhiệm? 

(Bài viết của bình luận viên Đường Hạo thuộc kênh Ngã Tư Thế Giới, Epoch Times.)

shutterstock 13530053961
Ông Tập Cận Bình. (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO/Shutterstock)

Trước thời điểm báo cáo được công bố, ông Colin Kahl – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ (phụ trách về chính sách, ông là người có quyền lực thứ ba trong Bộ Quốc phòng) và một chuyên gia khác đã xuất bản một cuốn sách mới có tên “Dư chấn: Chính trị đại dịch và phần cuối của trật tự quốc tế cũ” (Aftershocks: Pandemic Politics and the End of the Old International Order). Cuốn sách tiết lộ rằng vào đầu năm nay, ĐCSTQ đã yêu cầu các chuyên gia của WHO không tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus, thì mới cho phép nhóm chuyên gia của WHO vào Vũ Hán.

Vì lý do này, kết quả điều tra của WHO sau đó đã tuyên bố rằng thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là “rất không có khả năng”, nhưng tuyên bố này cũng ngay lập tức thu hút sự chỉ trích và nghi ngờ từ cộng đồng quốc tế. Hiện giờ, cuốn sách mới của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ nội tình về việc ĐCSTQ gây áp lực đối với WHO, bằng như một lần nữa muốn nói với thế giới: ĐCSTQ rất lo lắng về kết quả điều tra virus, rất lo lắng về việc ngoại giới điều tra về mối quan hệ giữa virus và Viện Virus học Vũ Hán.

Thực tế, từ việc Mỹ yêu cầu vào Trung Quốc điều tra khởi nguồn của virus vào năm ngoái, ĐCSTQ vẫn luôn thông qua mô hình “5 bước” để toàn lực đổ trách nhiệm về virus ra ngoài, cắt đứt liên quan đến virus. Mô hình 5 bước này bắt nguồn từ nguyên tắc đào tạo trong hệ thống tình báo và đặc vụ, chuyên dùng để huấn luyện nhân viên đặc vụ làm thế nào để ứng phó với tình huống nguy cấp khi bị vạch trần. Hiện giờ, ĐCSTQ dùng 5 bước này để đối phó với hành động của cộng động quốc tế nhằm truy trách nhiệm ĐCSTQ về dịch bệnh.

1. Kiên quyết phủ nhận, không nhượng bộ một chút nào

Khi một đặc vụ gặp phải tình huống bị vạch trần danh tính hoặc bất kỳ tình huống bất lợi nào, phản ứng trực giác đầu tiên là kiên quyết không thừa nhận, không thừa nhận một lời nào, hoàn toàn cách biệt bản thân khỏi mọi lời buộc tội bất lợi và không dính líu đến bất cứ chuyện gì. Trên thực tế, khi bị công kích một cách bị động và bất lợi, thì việc đầu tiên là chọn “phòng thủ” để ổn định thế trận.

ĐCSTQ cũng vậy, đối mặt với tất cả các cáo buộc từ cộng đồng quốc tế, bao gồm che đậy dịch bệnh, trì hoãn thông báo, rò rỉ virus ra ngoài, v.v., ĐCSTQ đều hoàn toàn không thừa nhận. Đây là bước đầu tiên.

2. Phủ nhận đến cùng, không từ thủ đoạn

Sau khi kiên quyết phủ nhận và đứng vững ở vị trí phòng thủ, bước tiếp theo là phát động “phản công”. Bước đầu tiên trong cuộc phản công là phải từ chối đến cùng.

Ngay sau khi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc vào năm ngoái, quốc tế chỉ trích ĐCSTQ che giấu dịch bệnh, khiến virus lây lan khắp thế giới. Chuyên gia “ngự dụng” (được chọn dùng) của ĐCSTQ là ông Chung Nam Sơn lập tức ra mặt phủ nhận, còn nói “mặc dù virus xuất hiện ở Trung Quốc trước, nhưng không nhất định là bắt nguồn từ Trung Quốc”. Sau đó, truyền thông của ĐCSTQ và các nhân viên ngoại giao cũng liên tiếp ra mặt phủ nhận, cho rằng nguồn gốc của virus cần được các nhà khoa học xác nhận.

Cứ như thế, mỗi khi xuất hiện bất kỳ cáo buộc nào, ĐCSTQ đều phủ nhận đến cùng. Vào tháng Năm năm nay, tờ Wall Street Journal trích dẫn một báo cáo từ một cơ quan tình báo cho biết, tháng 11/2019, cũng tức là một tháng trước khi dịch bệnh bùng phát, Viện Virus học Vũ Hán có 3 nhà nghiên cứu đã phát bệnh nghiêm trọng và đã đến bệnh viện để chữa bệnh. Các kênh truyền thông của ĐCSTQ ngay lập tức lên tiếng phủ nhận rằng không có ai ở Viện Virus học Vũ Hán bị nhiễm virus.

Hiện tại, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát hành một cuốn sách tiết lộ rằng ĐCSTQ đang buộc các chuyên gia của WHO bác bỏ thuyết “rò rỉ phòng thí nghiệm”, điều này cũng cho thấy rằng ĐCSTQ sẽ không từ thủ đoạn để phủ nhận mọi thứ gây bất lợi cho họ.

3. Bôi nhọ đối phương, nghi ngờ độ khả tín

Phủ nhận là bước đầu tiên trong cuộc phản công. Bước thứ hai của cuộc phản công là bôi nhọ uy tín của đối thủ và nghi ngờ động cơ của đối thủ là có vấn đề và thiên lệch, từ đó khiến người khác cũng theo họ để nghi ngờ về độ khả tín của các cáo buộc của đối thủ. Nói chung, loại bôi nhọ uy tín này chủ yếu là cho rằng đối phương có động cơ chính trị cụ thể hoặc bị tiền bạc mua chuộc.

Ví dụ, ĐCSTQ luôn tuyên bố rằng cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus của Mỹ và WHO là một sự “thao túng chính trị”. Trong nhiều trường hợp quốc tế, Vương Nghị đã nhiều lần chỉ trích Mỹ muốn bắt ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về virus, trên thực chính là một loại “virus chính trị”. Nói một cách đơn giản, ĐCSTQ muốn dẫn việc cộng đồng quốc tế truy trách nhiệm làm lây lan virus thành một “cuộc đấu tranh chính trị”, “bôi nhọ chính trị”, đồng thời ĐCSTQ muốn làm suy yếu độ khả tín và tính chính đáng của các cáo buộc từ phía Mỹ.

ĐCSTQ cũng sắp xếp để các kênh truyền thông của đảng đăng các bài viết tuyên bố rằng Mỹ đang lợi dụng vắc-xin như một con bài mặc cả để khuyến khích các nước láng giềng của Trung Quốc cùng cáo buộc ĐCSTQ là ngọn nguồn virus. Ngoài ra, các kênh truyền thông của ĐCSTQ cũng tuyên bố rằng nhà sinh vật học Thụy Sĩ đã tung tin Mỹ đã đe dọa các chuyên gia của WHO và yêu cầu họ lật lại kết quả của giai đoạn đầu tiên của cuộc điều tra, tức là lật lại “virus không thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm”.

Nhưng Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc đã ra một thông cáo đặc biệt để công khai làm rõ rằng không tìm thấy nhà sinh vật học Thụy Sĩ mà truyền thông của ĐCSTQ đề cập. Thụy Sĩ không có nhà sinh vật học này, và phía Đại sứ quán Thụy Sĩ yêu cầu truyền thông của ĐCSTQ phải đính chính tin này. Nói trắng ra, ĐCSTQ muốn bịa ra một người để vu cáo Mỹ, nhưng bị Thụy Sĩ lật tẩy.

Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn không từ bỏ quyết tâm bôi nhọ đối phương. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan một lần nữa khiến ĐCSTQ vui mừng khôn xiết và tìm ra được những cái cớ mới để công kích. Các kênh truyền thông của ĐCSTQ đã mạnh mẽ thổi phồng “Mỹ không đáng tin cậy”, “những lời hứa của Mỹ là không đáng tin cậy”, v.v. Trên thực tế, mục đích của những ngôn luận như vậy là gián tiếp làm mất uy tín của Mỹ trong việc truy tìm nguồn gốc virus.

4. Đảo hướng cáo buộc, đổ lỗi cho người khác

Sau khi phòng thủ và làm mất uy tín của đối thủ, bước tiếp theo của phản công là chủ động đưa ra nhiều “cáo buộc ngược lại” để tấn công đối thủ, đẩy trách nhiệm và chuyển áp lực trở lại đối thủ; đồng thời, còn có thể chuyển dịch tiêu điểm để bảo vệ chính mình hơn nữa.

Ví dụ, sau khi Mỹ đề xuất truy tìm nguồn gốc của virus vào năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên ngay lập tức nhảy ra và nói rằng virus đến từ quân đội Mỹ và được quân đội Mỹ mang theo khi đến Vũ Hán để tham gia Thế vận hội quân sự. Nhưng cách nói này không có căn cứ và lập tức bị phá vỡ; ĐCSTQ lại đổi giọng, đổ lỗi nguồn gốc virus cho thực phẩm đông lạnh.

Sau đó, ĐCSTQ tiếp tục đem virus “đi một vòng thế giới”. Đầu tiên là đem nguồn gốc lây lan đổ cho Ý, sau đó là Tây Ban Nha, rồi đến Ấn Độ, đến Úc, và gần đây lại trở lại Mỹ, nói virus từ Phòng thí nghiệm ở Fort Detrick.

Kịch bản mới nhất của ĐCSTQ hiện nay là nói virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm của phía Mỹ. Nói trắng ra, chính là “sao chép” cáo buộc của người khác đối với ĐCSTQ rồi “dán” lên phía Mỹ, không có sáng tạo mới nào.

Trên thực tế, “cáo buộc ngược lại Mỹ” của ĐCSTQ đã được Mỹ làm rõ từng điều một, và bài viết này sẽ không nhắc lại. Hơn nữa, một kiến thức thông thường và đơn giản nhất là nếu virus thực sự bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Mỹ, theo lý thì dịch bệnh sẽ bùng phát ở Mỹ trước tiên, chứ không phải là ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Đối mặt với những nghi ngờ thông thường này, ĐCSTQ hoàn toàn tránh nói về nó, mà liên tục tung ra đủ loại cáo buộc và đổ vấy. Một mặt, ĐCSTQ muốn thoát khỏi trách nhiệm và chuyển trọng tâm; mặt khác, ĐCSTQ cũng muốn làm việc tuyên truyền trong nước nhắm đến người dân Trung Quốc, “tiêm phòng” trước cho người dân, một khi kết quả điều tra được công bố và bất lợi cho ĐCSTQ thì họ có thể thuận theo tình hình mà nói với người dân : “Hãy nhìn xem, Mỹ đang làm chính trị và đang bôi nhọ chúng ta. Đừng tin họ!”

5. Lặp lại giọng điệu cũ nhiều lần, tạo giả thành thật

Sau khi hoàn thành việc phòng thủ và phản công, bước cuối cùng là nhấn mạnh nhiều lần tuyên bố ban đầu của họ, hơn nữa phải lặp lại nhiều lần, nói giả thành thật, thì mới có thể tiếp tục lừa dối công chúng, ổn định uy tín và bảo vệ an toàn của mình.

Ví dụ, ngoài những nỗ lực gần đây nhằm tấn công Mỹ và đổ lỗi nguồn gốc virus ra ngoài, các kênh truyền thông của ĐCSTQ cũng đã đưa ra một số lượng lớn các báo cáo với ngôn từ nhất quán, tuyên bố rằng dịch bệnh ở Trung Quốc là “công khai và minh bạch”. Đồng thời còn nói sẽ quyên góp 2 tỷ đô la Mỹ để giúp thế giới chống lại dịch bệnh. ĐCSTQ cũng tuyên bố rằng họ đã sản xuất một số lượng lớn vắc-xin để hỗ trợ cộng đồng quốc tế, hỗ trợ “huyết mạch” trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch.

ĐCSTQ cũng tuyên bố rằng họ “luôn giữ lý niệm nhân dân là trên hết và tính mạng là trên hết, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và sự an toàn của mọi người bằng mọi giá”. Những lời lẽ nhàm chán này liên tục lặp lại, chính là muốn tuyên truyền với mật độ dày đặc để khiến người ta quen thuộc, từ đó đạt được hiệu quả tẩy não “làm giả thành thật”. 

Theo Đường Hạo, kênh Ngã tư Thế giới

Xem thêm: