Chỉ trong tháng Năm, khi đang rầm rộ quảng bá lịch sử 100 năm ngày thành lập thì các sự kiện tin tức lớn đã phơi bày nhiều vấn đề xã hội dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

bệnh viêm phổi lạ, bệnh viêm phổi Trung Quốc
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

1. Chính sách 3 con cởi mở gặp phải phản đối dữ dội

Vào ngày 31/5, hội nghị của Bộ Chính trị ĐCSTQ đã quyết định nới lỏng chính sách sinh nở, khuyến khích người dân sinh con thứ ba. Ngay khi được đưa ra, tin tức này đã khiến mạng Internet trở nên náo nhiệt. Cư dân mạng Đại Lục được phen chế nhạo và chỉ trích, phản ứng từ công chúng và bối cảnh liên quan đã được nhiều kênh truyền thông quốc tế đưa tin. Không ít phân tích chỉ ra rằng động thái này bắt nguồn từ số liệu điều tra dân số vừa được ĐCSTQ công bố, tình hình suy giảm dân số Đại Lục thực tế là đã tương đối nghiêm trọng.

Từ việc thực hiện nghiêm túc “kế hoạch hóa gia đình” trong hơn 30 năm, đến việc thực hiện “chính sách hai con” và khuyến khích sinh ba con, ĐCSTQ đã kiểm soát chặt chẽ quyền sinh sản của người dân. Sinh hay không, sinh mấy con, tất cả là do đảng định đoạt. Sinh con theo ý đảng, một sự man rợ và phi lý hiếm có trên thế giới. Hơn nữa, chính sách của đảng hết từ cực đoan này lại chuyển sang cực đoan khác, khiến người dân không biết phải thích ứng thế nào. Khó trách sao có những người phụ nữ nghẹn ngào: Tôi không phải là heo!

Từ lâu, nhiều học giả đã chỉ ra rằng, việc kiên quyết thực hiện chính sách “một con” tự bản thân nó đã là không tôn trọng quy luật phát triển dân số và khoa học, nhất định sẽ thất bại. Ngày nay, sau hơn 30 năm thực hiện công tác “kế hoạch hóa gia đình”, dân số của Trung Quốc rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính, số trẻ em được sinh ra bị giảm mạnh trong 4 năm liên tiếp, tỷ lệ sinh giảm xuống dưới mức cảnh báo, dân số già tăng lên, và cổ tức nhân khẩu học (tiềm năng tăng trưởng kinh tế có được khi tỷ lệ người đi làm trong tổng dân số cao) giờ đây đang dần biến mất. Điều này có nghĩa là sự phát triển kinh tế và lợi nhuận dựa trên một lực lượng lao động khổng lồ cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đây là một gánh nặng mà ĐCSTQ khó có thể chịu nổi. Thực tế này được coi là “quả báo” cho “kế hoạch hóa gia đình” phản nhân loại của ĐCSTQ.

Khi mà ĐCSTQ đang cố gắng tô vẽ cho bức tranh đẹp đẽ về ngôi nhà và “ba đứa trẻ”, thì cũng là đang khiến người ta không bao giờ có thể quên được sự tàn khốc và phi lý của chính sách “một đứa trẻ”. Ở nhiều nơi trên đất nước, tình trạng cưỡng chế thắt ống dẫn tinh và cưỡng ép phá thai đã trở nên phổ biến, thậm chí nhân viên y tế và kế hoạch hóa gia đình đã bắt đầu giết sống những đứa trẻ ngay sau khi bà mẹ bắt đầu chuyển dạ. Không hiếm thấy hững câu khẩu hiệu rùng rợn kiểu như: “Thà có thêm một nấm mồ còn hơn có thêm một đứa trẻ”, “Nếu một người phạm luật, cả làng sẽ bị triệt sản” hoặc “Nếu không thắt ống dẫn tinh, thì sẽ bị phá nhà; nếu không nạo thai, thì sẽ bị tịch thu bò và ruộng”

Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 400 triệu thai nhi bị giết chết do “kế hoạch hóa gia đình”. Rất nhiều các phương tiện truyền thông đưa tin đã dẫn số liệu: Trung bình mỗi năm Trung Quốc có khoảng 13 triệu ca nạo phá thai, đứng đầu thế giới. Các hoạt động kế hoạch hóa gia đình được thực hiện trong năm 2012 dẫn đến hơn 700 ca thủng tử cung và hơn 3.100 ca nhiễm trùng. Không ngạc nhiên khi một số nhà bình luận chỉ ra rằng “chính sách một con” thực chất là một “đảng sách – người người đều vấy máu”.

Ngoài ra, để kiểm soát tình trạng “siêu sinh” (sinh nhiều con), các sở kế hoạch hóa gia đình đã tùy tiện áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và các hành vi xâm phạm bạo lực, dẫn đến một số lượng lớn các vụ đàn áp nhân quyền, “người tị nạn kế hoạch hóa gia đình” đã trở thành một “đặc sắc” đáng buồn dưới thời ĐCSTQ cai trị.

“Mạng Duy quyền” (weiquanwang.com) của Đại Lục đưa tin, vào tháng 2/2011, cô Từ Đại Lệ (Xu Dali) ở Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, bất ngờ có đứa con thứ hai do tụt vòng tránh thai, cô đã tránh đi nơi khác để sinh con. Các quan chức chính quyền địa phương và cùng một số kẻ vô công rỗi nghề được thuê, đã xông vào nhà cô Từ ngay trong đêm, sau đó vô cớ đánh đập và dùng dao đâm chết em trai của cô Từ – người đã đứng ra nói chuyện phải trái với họ, nhưng kết quả là kẻ sát nhân vẫn nhở nhơ ngoài vòng pháp luật. Cô Từ Đại Lệ nói: “ĐCSTQ chỉ muốn dùng ý chí của mình để thiết lập luật pháp cho đất nước này, cho sinh thì sẽ được sinh, không cho sinh thì không thể sinh. Ở cái xã hội này, không có chút công bằng cho dân chúng, bao sinh mạng vô tội đã bị giết chết!”

“Chính sách một con” lại “đẻ” ra một “ủy ban kế hoạch hóa gia đình” với tổng số khoảng 500.000 nhân viên. Các sở kế hoạch hóa gia đình trích phần trăm tiền phạt từ các trường hợp “siêu sinh” để lương thưởng cho nhân viên, địa phương lại trích một phần để tăng ngân sách, dẫn đến sự gia tăng điên cuồng phí trợ cấp xã hội. Nhiều cán bộ kế hoạch hóa gia đình thú nhận, việc đoạn tuyệt đường con cháu của người ta, chính là đang làm chuyện thất đức, bị người đời xem thường và khinh bỉ. Ngày nay, chính sách “hai con”, “ba con” ra đời, “ủy ban kế hoạch hóa gia đình” cũng bị xóa bỏ, một số người từng làm công tác “kế hoạch hóa gia đình” lại chuyển từ công tác ép người thắt ống dẫn tinh sang công tác gõ cửa từng nhà làm dịch vụ khám thai, tuyên truyền sinh con thứ 2 là tốt. Đảng xoay chính sách thì nghề nghiệp cũng xoay theo.

Việc đông đảo cư dân mạng tẩy chay chính sách ba con cũng phản ánh tình trạng giá nhà đất quá cao, gánh nặng học hành, thiếu thốn phúc lợi xã hội mà các bậc phụ huynh phải gánh chịu. Một cư dân mạng viết: “Con người bị coi là tài nguyên, con người bị coi là công cụ. Con người trước hết nên được xem là con người chứ!”

2. “Chủ nghĩa nằm ngửa” làm nóng dư luận mạng xã hội

Vào tháng Năm, “nằm ngửa” đã trở thành một từ thông dụng trên Internet ở Trung Quốc Đại Lục. Cư dân mạng định nghĩa thuật ngữ “nằm ngửa” “không làm việc, không mua nhà, không mua đồ, không tiêu dùng, không kết hôn, không sinh con, giảm dục vọng, dùng đồ thấp cấp để duy trì sinh tồn và không chịu trở thành cỗ máy kiếm tiền và bị bóc lột như nô lệ của người khác.” Khái niệm này phản ánh sự phản kháng của những người trẻ đương thời đối với mô hình cuộc sống nhiều gánh nặng hiện tại và sự bất hợp tác bất bạo động với việc bị “cắt rau hẹ” (chỉ việc tầng lớp cấp thấp bị chính quyền bóc lột).

Về vấn đề này, một số kênh truyền thông lớn của ĐCSTQ đã vội vàng chỉ trích “nằm ngửa”“không biết xấu hổ”, và cũng có quan điểm cho rằng: “Có thể cam chịu, nhưng không thể nằm ngửa”. Lời nói tàn nhẫn này có nghĩa là: bạn có thể sinh ra trong nghèo khổ, nhưng bạn phải đặt chuông đồng hồ báo thức, lên dây cót bản thân để cống hiến cho “quốc gia”, chứ không được phép sống “nằm ngửa” theo ý muốn của mình.

“Nằm ngửa” bị truyền thông đảng bài bác ngược lại càng khiến người dân hưởng ứng, có người cho rằng: đây là đang làm việc nên làm, không nên gọi là “nằm ngửa”, mà nên gọi là đứng lên chân chính. Người khác nói: Đừng cống hiến cuộc đời mình cho chủ nghĩa xã hội và cũng đừng để ý tới món “súp gà” của giới truyền thông, bởi những gì bạn thấy xung quanh toàn là những người nổi tiếng dễ dàng kiếm tiền triệu, và tham quan nắm trong tay nắm vô số tài sản dư dật, chẳng khác nào “Người ta ngồi trên tàu cao tốc thưởng tôm hùm, bạn ở trong gió thu xào xạc gặm nửa cái bánh ngô”, “Điểm xuất phát của họ là điểm kết thúc mà cả cuộc đời tôi không thể đạt được”.

Khoảng cách giàu nghèo, sự phân bổ không đồng đều của các nguồn lực giáo dục, nhà ở, phúc lợi, nạn quan chức tham ô và hiện trạng của Đại Lục đã khiến thế hệ trẻ mệt mỏi và bất lực, và thế là “nằm ngửa” trở thành một lựa chọn tốt.

Tâm lý bất hợp tác và tiếng nói táo bạo này đã khiến nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc hoảng sợ. Những cây “rau hẹ” muốn thay đổi vận mệnh của mình và tránh khỏi lưỡi liềm thu hoạch, vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Chính vì vậy, “thế lực ngoại bang” lại bị một số người đem ra bàn tán xôn xao. Lạ thật, tại sao đảng lại tin rằng người Trung Quốc không có khả năng tư duy của chính họ? Nếu “thế lực ngoại bang” thực sự “được như ý”, không phải là đã biểu hiện rằng “sự huy hoàng” của đảng đã trở nên nhạt nhòa và vô lực rồi sao?

3. Nam Kinh, chồng cán xe qua vợ cũ và chém người qua đường, bạo lực xảy ra khắp nơi

Vào tối ngày 29/5, tại khu vực trung tâm của thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã xảy ra một vụ trả thù xã hội tàn bạo. Một người đàn ông lái xe cán qua vợ cũ và dùng dao đâm nhiều người qua đường. Cư dân mạng đã phải thốt lên: “Nam Kinh đêm nay thật quá kinh hoàng!”. Một người nói: “Trong tương lai, một xã hội hài hòa sẽ không chỉ cấm súng, Internet và ngôn luận, đã đến lúc cần cấm ô tô, hôn nhân và dao”.

ĐCSTQ không ngừng thổi phồng “thành tựu” của “nền văn minh tinh thần” và “xã hội hài hòa”, nhưng những tội ác đã lần lượt xuất hiện ở khắp mọi nơi, không khí bạo lực lan tràn khắp vùng đất “lễ nghi chi bang” cổ xưa, mọi người đều đang trong hoàn cảnh nguy hiểm. Điều này cho thấy sự quản trị hay “dạy dỗ” của ĐCSTQ đều đã thất bại. Bởi vì ĐCSTQ bắt đầu và duy trì sự cai trị của mình bằng bạo lực và dối trá, nên tự nhiên nó đã đưa bạo lực và dối trá vào việc truyền bá tư tưởng, nuôi dưỡng người dân Trung Quốc bằng “sữa sói” áp đảo của chủ nghĩa vô thần và tinh thần đảng phái. Một cư dân mạng đã nói rất rõ rằng nền giáo dục của ĐCSTQ ngăn cấm lương tri và đạo đức.

Nhiều thế hệ người Trung Quốc đã chứng kiến ​​sự tàn bạo của ĐCSTQ: giết chết địa chủ trong cải cách ruộng đất, giết “phản cách mạng”, Hồng vệ binh đánh đến chết hiệu trưởng, xe tăng cán chết học sinh sinh viên trong sự kiện Lục Tứ, cảnh sát bức hại tới chết học viên Pháp Luân Công, quản lý đô thị đánh đập dã man những người bán rong … Trải qua mấy thập kỷ, dưới áp lực từ sự cai trị của ĐCSTQ, trong một môi trường xã hội bị thống trị bởi chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Mác-Lênin, các giá trị phổ quát không được chế độ dung thứ, chẳng qua chỉ là để làm một vài thứ tô điểm trang trí, khó mà đắc được lòng dân. Chỉ những ai không theo đảng một cách mù quáng và có thể chủ động suy nghĩ, tìm kiếm chân lý mới có thể tẩy sạch từng lớp một sự xâm hại tinh thần của văn hóa đảng, khôi phục và duy trì các giá trị Chân và Thiện trong các quan niệm văn hóa truyền thống.

4. Thảm kịch Marathon Cam Túc gây chấn động trong ngoài Trung Quốc

Vào ngày 22/5, trong cuộc thi việt dã (marathon) 100 km tại rừng đá của sông Hoàng Hà, Cam Túc đã xảy ra một thảm kịch kinh hoàng: 21 vận động viên bị chết cóng trong thời tiết xấu, gây chấn động Trung Quốc và nước ngoài, đưa đến phẫn nộ từ dư luận.

Nguyên nhân trực tiếp của vụ tai nạn là do công ty tổ chức sự kiện đã không chấp hành nghiêm túc các quy định (ví dụ: vận động viên bắt buộc phải mang áo ấm, v.v.), không cung cấp vật dụng, thiết bị cần thiết và bố trí nhân viên cứu thương trên chặng đường, không đưa ra cảnh báo sớm dựa trên dự báo thời tiết, không thông báo kịp thời đình chỉ cuộc thi, cứu hộ chậm… Tất cả những tình huống này đều không nên xảy ra để đến mức dẫn đến thương vong nặng nề.

Dư luận đặt câu hỏi: Thứ nhất, tại sao một công ty thiếu kiến ​​thức chuyên môn và nhận thức về an toàn lại có thể được phép tổ chức một cuộc đua tranh giải rủi ro cao như vậy? Thứ hai, mối quan hệ lợi ích đằng sau sự kiện này là gì? Thứ ba, có bao nhiêu công ty tương tự trên khắp đất nước đang đưa sức khỏe và tính mạng của các vận động viên ra làm trò đùa kiểu này?

Ngoài công ty điều hành cụ thể, sự kiện Cam Túc này còn được tổ chức bởi Thành ủy và Chính quyền thành phố Bạch Ngân, Cục Thể thao thành phố Bạch Ngân, Quận ủy Cảnh Thái và Chính quyền quận Cảnh Thái. Nói cách khác, ĐCSTQ chính thức cấp giấy phép cho công ty chưa đủ điều kiện. Trước sự việc này, Tỉnh ủy Cam Túc đã thành lập tổ công tác, đương nhiên việc quy trách nhiệm phải bắt đầu từ Thành ủy và Chính quyền thành phố Bạch Ngân, những quan chức nào sẽ bị trừng phạt? Họ có thể tra xuất được gì đây?

Vào ngày 23/5, thị trưởng thành phố Bạch Ngân đã xác định vụ tai nạn là một “sự cố an toàn công cộng xảy ra do sự thay đổi đột ngột của thời tiết địa phương” tại một cuộc họp báo. Điều này tương đương với việc lấy “thiên tai” để lấp liếm “nhân họa”. Ngoại giới đều hiểu rằng cái gọi là điều tra, cùng lắm là trừng phạt công ty thể thao, làm trò “thí tốt đổi xe”, gây phẫn nộ cho người dân. Khi mọi người dần quên đi thảm án xảy ra, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục cách làm tùy hứng, chẳng qua cũng chỉ là “bình mới rượu cũ”. Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả các lĩnh vực dưới sự cai trị của ĐCSTQ, và các cuộc thi đấu thể thao cũng không ngoại lệ.

Theo thông tin từ báo chí, sau vụ tai nạn trong cuộc thi việt dã Cam Túc, hàng chục cuộc đua tương tự trên khắp cả nước đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại mà một trong những nguyên nhân chính là do gia đình của nhiều vận động viên bức xúc yêu cầu họ phải rút lui khỏi cuộc thi đấu. Thảm họa từ cuộc thi việt dã đã đưa đến sự quan tâm và quan sát từ các giới.

Ở Trung Quốc, marathon không phải là một sự kiện thể thao quần chúng, nhưng những năm gần đây, những cuộc thi như vậy được tổ chức ngày càng nhiều, bởi chính quyền địa phương coi đây là “tấm áp phích” sống động cho việc thu hút đầu tư. Nếu thành công, nó cũng có thể kích thích du lịch, mang lại lợi ích và thể hiện thành tựu chính trị. Tuy nhiên, trong chuỗi lợi ích kích thích cơ hội kinh doanh này, chính quyền địa phương và các công ty hoạt động cụ thể đã giảm thiểu chi phí tổ chức và an toàn của cuộc thi để tối đa hóa lợi ích tương ứng của họ. Vì vậy, thảm họa marathon này thực tế là không thể tránh khỏi.

Khi truyền thông của đảng đăng một bài báo với tiêu đề “Cảnh giác về sinh mạng”, trong đó, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương kêu gọi điều tra kỹ lưỡng, tất cả các tầng lớp xã hội hẳn cũng đã thấy rõ rằng thảm họa Cam Túc phản ánh sự hỗn loạn của cuộc đua marathon ở Đại Lục, và sự hỗn loạn này lại phản ánh sự theo đuổi mù quáng các thành tựu chính trị của chính quyền địa phương, một chế độ điển hình cho văn hóa làm ẩu bỏ qua an toàn. Tình trạng này cũng được phản ánh trong việc phá rừng, điên cuồng mở mang, tùy tiện phá hủy các kiến trúc truyền thống. Các yếu tố sâu xa thúc đẩy những hành vi này là do tư duy đấu trời, đấu người và chủ nghĩa duy vật của ĐCSTQ. Vì vậy, 21 vận động viên xuất sắc không thoát khỏi số phận “rau hẹ”  bị thu hoạch.

5. Dân chúng đòi “sự thật” về việc học sinh tử vong tại trường Trung học Thành Đô 49 

Vào khoảng 18:00 ngày 9/5, cậu học trò lớp 11 Lâm Duy Kỳ (Lin Wei Qi) của trường Trung học Thành Đô 49 đã tử vong ngay trong trường. Người nhà hơn hai giờ sau mới nhận được thông báo. Mẹ của Lâm đăng Weibo cá nhân vào sáng sớm hôm sau và chỉ ra rằng có nhiều nghi vấn về cái chết của con trai cô, bao gồm việc nhà trường ngăn không cho phụ huynh vào khuôn viên trường, không cung cấp video giám sát và đưa thi thể trực tiếp đến nhà tang lễ thay vì bệnh viện. Cô viết: “Mẹ xin lỗi con trai của mẹ, mẹ đã không bảo vệ được con, thậm chí mẹ không thể đòi lại công bằng cho con”.

Tối 11/5, rất đông phụ huynh học sinh và người dân tập trung tại trường Trung học Thành Đô 49. Họ cầm hoa tươi và hô to yêu cầu “sự thật” trước khi bị cảnh sát xua đuổi. Vài ngày sau, Đài truyền hình Trung ương CCTV và các kênh truyền thông khác đã công bố đoạn video giám sát liên quan được cho là do nhà trường cung cấp cho cảnh sát, chỉ là thiếu đúng đoạn video cậu bé rơi từ tòa nhà, lý do vì đây là khu vực không thể nhìn thấy được. Nhiều cư dân mạng cho rằng đoạn video này có khả năng là giả, thậm chí nếu là có thật thì họ cũng không tin vào tuyên bố từ chính quyền, bởi vì còn những nghi ngờ vẫn chưa được làm rõ.

Hiện tại, sự thật vẫn là một ẩn số. Những bức ảnh mẹ của Lâm ôm ảnh con trai ngồi khóc trước cổng trường đã lan truyền khắp thế giới khiến mọi người đều cảm thấy đau lòng.

Kết luận

Năm tin tức sự kiện trên đã phản ánh bản chất thảm khốc và vô nhân đạo ở sự cai trị của ĐCSTQ từ nhiều khía cạnh. Mọi người bị tước quyền sinh sản, quyền ngôn luận, và thậm chí bị cấm chọn cách sống, bị cấm suy nghĩ về ý nghĩa của sinh mệnh, họ buộc phải đối mặt với dối trá và tuyên truyền, sức khỏe và tính mạng của họ bị đe dọa.

Hiện tại, ĐCSTQ đang đẩy mạnh các nỗ lực tuyên truyền đối ngoại để quảng bá câu chuyện Trung Quốc do đảng tự biên soạn và “tiếng nói Trung Quốc” do đảng tự tạo ra. Mặt khác, nhìn vào vấn đề, nếu những người nắm quyền can đảm cởi mở Internet, truyền thông và cho phép người dân Trung Quốc tự do ngôn luận, ngoại giới sẽ tự nhiên nhìn thấy một Trung Quốc chân thực, lập thể và toàn diện.

Điền Vân, Epoch Times

Xem thêm: