Dưới đây là 5 sự kiện quan trọng đáng chú ý của Trung Quốc trong năm nay được phóng viên CNN tổng kết. 

1. Thế vận hội Bắc Kinh

shutterstock 20144805442
Tẩy chay Olympic Bắc Kinh (Ảnh: Wirestock Creators / Shutterstock)

Vào tháng Hai năm nay, tâm điểm toàn cầu một lần nữa sẽ đổ dồn về Bắc Kinh – thành phố đầu tiên đăng cai Thế vận hội Mùa hè và Mùa đông. Nhưng sự tương phản giữa hai Thế vận hội là rõ ràng.

Thế vận hội Mùa hè 2008 được nhiều người coi là “bữa tiệc bước ra” của Trung Quốc trên sân khấu thế giới. Bài hát chủ đề chính thức là “Bắc Kinh chào đón bạn” và Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 sẽ được tổ chức trong một môi trường phong tỏa nghiêm ngặt, người tham gia và tham dự Thế vận hội sẽ cách biệt xa hơn nữa với người Trung Quốc.

Như đã thấy ở Thế vận hội Mùa hè Tokyo ở Nhật Bản, việc tổ chức một sự kiện thể thao quốc tế lớn trong thời kỳ đại dịch là không dễ dàng. Đối với Trung Quốc mà nói, với quyết tâm xóa tận gốc virus trong nội địa của chính quyền, điều này càng khó khăn hơn.

Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc sẽ không chỉ chú ý đến vấn đề virus corona. Các vận động viên và những người tham gia khác cũng sẽ được giám sát chặt chẽ để ngăn chặn bất kỳ cuộc biểu tình nào có thể khiến Bắc Kinh lúng túng khó xử.

Các nhà hoạt động từ lâu đã kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh để phản đối những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương và Tây Tạng cũng như sự đàn áp chính trị đối với Hồng Kông. Việc Bắc Kinh bàng quan đối với cáo buộc của ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái về cựu lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc xâm hại tình dục cô, càng khiến những lời kêu gọi tẩy chay thêm mạnh mẽ hơn nữa.

Mỹ và một số đồng minh đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, mặc dù các vận động viên từ các quốc gia này vẫn sẽ được phép tham gia.

2. Chính sách “zero COVID” sẽ thực hiện sang năm thứ 3?

p3066851a400845663 ss
Khu vực gần Vĩnh Ninh Môn thuộc Tây An vắng không bóng người. (Ảnh: Weibo).

​​Sau khi trải qua các đợt bùng phát virus corona liên tục và các đợt phong tỏa tốn kém, các vấn đề về tính bền vững của chiến lược “zero COVID” của Trung Quốc vẫn tồn tại.

Hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng thay đổi hướng đi của mình. Nếu có, thì nỗ lực tiêu diệt virus sẽ chỉ tăng cường trước khi diễn ra Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Tại thành phố cổ Tây An ở tây bắc Trung Quốc, 13 triệu cư dân đã bước vào ngày thứ 10 cách ly tại nhà và các quan chức đang nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát cộng đồng lớn nhất của đất nước kể từ sau tâm chấn đầu tiên của đại dịch ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, các quan chức địa phương dường như chưa chuẩn bị đầy đủ cho các chính sách cứng rắn của họ. Trong tuần qua, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập lời kêu gọi từ người dân Tây An về việc họ đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm khác, bởi các cửa hàng đóng cửa và ô tô cá nhân bị cấm lưu thông trên đường. Các dịch vụ y tế khác cũng bị ảnh hưởng, một sinh viên đại học kể lại trải nghiệm của cô khi bị từ chối điều trị sốt ở 6 bệnh viện.

Đối với nhiều người, đợt phong tỏa gần đây đã gợi lại những ký ức đau buồn về những ngày đầu đen tối của đại dịch — một thời kỳ đầy hỗn loạn và uể oải.

Hàng ngàn cư dân mạng Trung Quốc đã để lại lời nhắn trên tài khoản Weibo của bác sĩ Lý Văn Lượng ngày 30/12, nói lời tạm biệt với năm 2021. Lý Văn Lượng là một bác sĩ ở Vũ Hán, đã bị cảnh sát trừng phạt vì cảnh báo về virus corona và cuối cùng anh đã chết vì căn bệnh này.

Trong suốt năm 2021, một số người đã hy vọng rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng thái độ không khoan nhượng đối với dịch bệnh sau Thế vận hội Mùa đông, nhưng những người khác lại bi quan hơn. Họ chỉ ra rằng hội nghị quan trọng của ĐCSTQ được tổ chức vào mùa thu sẽ khiến ĐCSTQ không dám mạo hiểm để dịch bệnh kéo dài.

3. Ông Tập Cận Bình có thể tại vị thêm nhiệm kỳ thứ 3

shutterstock 1929667547
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Nguồn: Naresh777 / Shutterstock)

Tất cả các dấu hiệu cho thấy, ông Tập Cận Bình có thể sẽ tại vị thêm nhiệm kỳ thứ 3 mang tính lịch sử của mình tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, được tổ chức tại Bắc Kinh vào mùa thu năm nay.

Ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, đã xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ và ghi hệ tư tưởng chính trị cùng tên của mình vào hiến pháp. Vào năm 2021, ông đã tiến thêm một bước nữa và thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt đưa ông lên ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình – đảm bảo quyền thống trị không thể tranh cãi của Tập Cận Bình trong một nhà nước độc đảng chuyên chế.

Kể từ thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, hiếm có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào lại quan trọng đến thế trong đời sống của 1,4 tỷ người Trung Quốc.

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã tăng cường kiểm soát mọi mặt của xã hội, từ nghệ thuật và văn hóa đến trường học và doanh nghiệp. ĐCSTQ đàn áp ngày càng nhiều tiếng nói chỉ trích trước công chúng, đàn áp ngày càng nhiều nhân vật nổi tiếng Trung Quốc, và mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng của mình đến đời sống riêng tư của công dân.

Đồng thời, ông Tập Cận Bình phát động cuộc chiến ý thức hệ phản đối cái mà ông gọi là “sự xâm nhập” của các giá trị phương Tây – như dân chủ, tự do báo chí và độc lập tư pháp – đồng thời kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi nghi ngờ và thù địch trắng trợn với phương Tây. 

Mặc dù tầm nhìn của ông Tập Cận Bình không nhất trí với những người mà trong quá trình lớn lên, họ tin rằng đất nước của mình sẽ trở nên cởi mở hơn và liên hệ chặt chẽ hơn với thế giới, nhưng ở ông Tập Cận Bình và những người ủng hộ ông, Trung Quốc có sức mạnh kinh tế và quân sự chưa từng có, chưa bao giờ gần với giấc mơ “phục hưng dân tộc” như thế.

Tuy nhiên, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới phục hồi sau đại dịch, nhưng con đường phía trước của nó dường như không chắc chắn lắm.

4. Vấn đề kinh tế

shutterstock 313852031
(Nguồn: Creative Images/ Shutterstock)

Một năm mới sẽ mang đến cho Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, một số thách thức to lớn.

Trung Quốc đang phải đối mặt với một số vấn đề đau đầu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng vào năm 2022, từ sự bùng phát COVID-19 lặp đi lặp lại đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng bất động sản đang tiếp diễn.

Vào năm 2022, các ngân hàng lớn trên thế giới sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống trong khoảng từ 4,9% đến 5,5%. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai kể từ năm 1990.

Gần như chắc chắn rằng cân nhắc hàng đầu của ông Tập Cận Bình là duy trì hoạt động ổn định của đất nước trước nhiệm kỳ thứ ba mang tính lịch sử được nhiều người dự đoán của ông. Ông đã bày tỏ mong muốn tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước, chứ không phải là bất kỳ tham vọng quốc tế lớn nào: Ông Tập Cận Bình đã không rời khỏi đất nước kể từ khi đại dịch bắt bùng phát, hơn nữa chính quyền của ông vẫn luôn thúc đẩy phương pháp “zero COVID” đầy kịch tính, trong khi đó phương pháp này đã bị hầu hết các quốc gia trên thế giới từ bỏ.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng xét về mức độ mà Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các trung tâm tài chính quốc tế về đầu tư, công nghệ và thương mại, thì ở một mức độ nhất định, ông Tập Cận Bình chắc chắn phải cân nhắc đến các yếu tố thế giới bên ngoài.

5. Vấn đề Trung Quốc với thế giới

Trong những ngày đầu của đại dịch, Bắc Kinh đã hy vọng biến cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu thành cơ hội để nâng cao hình ảnh của mình. Chính quyền Bắc Kinh đã gửi khẩu trang và các vật tư y tế khác đến các quốc gia có nhu cầu, đồng thời hứa hẹn đưa vắc-xin Trung Quốc trở thành sản phẩm công cộng toàn cầu. Nhưng mọi chuyện đã không phát triển như mong muốn của Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc nhanh chóng ngăn chặn virus thành công đã giành được sự ủng hộ mạnh mang tính áp đảo trong nước. Tuy nhiên, do việc xử lý dịch Vũ Hán ban đầu không thỏa đáng, các quan chức ngoại giao và tuyên truyền của Trung Quốc đã lan truyền thông tin sai lệch ra nước ngoài, đồng thời ĐCSTQ tiếp tục đàn áp Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông. Những việc này đã khiến cho uy tín quốc tế của ĐCSTQ giảm mạnh.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew, tại các quốc gia phát triển nhất trên thế giới, nhận thức không tốt về Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục. Trong số 17 quốc gia được Pew khảo sát vào năm ngoái, hầu hết các quốc gia đều có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Nhật Bản 88%, Thụy Điển 80%, Úc 78%, Hàn Quốc 77% và Mỹ 76%.

Các nhà phân tích nói rằng sự vắng mặt của ông Tập Cận Bình trên quốc tế có thể khiến Trung Quốc bị cô lập với phần còn lại của thế giới.

Và điều này không giúp ích gì cho hình ảnh của chính bản thân ông. Ở hầu hết các nơi được khảo sát, niềm tin của người dân đối với ông Tập Cận Bình cũng gần với mức thấp trong lịch sử. Trong số 17 quốc gia được khảo sát, ngoại trừ một quốc gia (Singapore), hầu hết mọi người đều cho biết họ gần như không có lòng tin vào ông Tập Cận Bình.

Năm 2021, khi căng thẳng với Đài Loan leo thang, quan hệ Trung – Mỹ ngày càng xấu đi. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Mỹ tìm cách thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác cùng chí hướng ở châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đối kháng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và những nỗ lực này rất có thể sẽ chỉ tăng tốc trong năm mới.

Tuyên truyền của ĐCSTQ đã nhiều lần ca ngợi rằng ông Tập Cận Bình làm cho Trung Quốc “tiếp cận trung tâm sân khấu thế giới hơn bất cứ thời điểm nào trước đây”. Tuy nhiên Trung Quốc liệu vẫn sẽ bị thế giới cô lập hay không, đây là một vấn đề đang đợi ĐCSTQ và ông Tập phải đối mặt trong năm 2022 và vài năm tới.

Theo CNN

Xem thêm: