Sau khi lên cầm quyền tại Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình lập tức mở chiến dịch chống tham nhũng để củng cố quyền lực. Đến Đại hội 19, ông đã thành công đưa được “tư tưởng Tập Cận Bình” vào Điều lệ Đảng. Ngay năm sau đó, ông ghi vào Hiến pháp định vị Tập Cận Bình là “lãnh tụ tối cao” (định vu nhất tôn). Tuy vậy đến nay, ông lại bị bao vây bởi hàng loạt khốn đốn.

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Alexander Khitrov / Shutterstock).

Từ chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và “ngoại giao lang sói” đã khiến ĐCSTQ gặp nhiều khó khăn: bị quốc tế truy cứu việc che giấu virus viêm phổi Vũ Hán; vấn đề Bắc Kinh cưỡng ép áp dụng Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông; vấn đề nhân quyền ở Tân Cương; thực trạng suy thoái kinh tế… Tất cả những điều này đã làm dấy lên xu thế chỉ trích than oán của người dân trong nước. Đến nay, xu thế nội bộ chống Tập đang tăng cao, đặc biệt là trong “thế hệ Đỏ” thứ hai (Hồng nhị đại), thậm chí còn có những yêu cầu thẳng thắn đề nghị phế bỏ quyền lực của ông Tập. Tuy vậy, giới quan sát dường như vẫn phổ biến cho rằng, ông Tập Cận Bình vẫn đảm bảo được quyền lực trên nhiều phương diện, cho dù nghi vấn về thời gian tồn tại của ĐCSTQ không còn bao lâu.

Năm xu hướng được cho là nhằm bảo vệ uy quyền Tập Cận Bình

Qua tổng hợp các nguồn tin truyền thông, phóng viên Vision Times phát hiện tại Trung Nam Hải gần đây có ít nhất 5 khuynh hướng được giới quan sát lý giải liên quan đến nỗ lực củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình.

Thứ nhất là chú trọng hoạt động kỷ niệm tưởng nhớ giới tướng lĩnh quân đội.

Truyền thông ĐCSTQ đưa tin, ngày 9/9, giới chức Trung Quốc đã tổ chức hội nghị chuyên đề kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Dương Bạch Băng (Yang Baibing, 1920 – 2013) – cố Thượng tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Người chủ trì hội nghị là Miêu Hoa (Miao Hua) – ủy viên Quân ủy Trung ương và giữ chức Chủ nhiệm Ban Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương. Khi Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) hồi tưởng lại cuộc đời Dương Bạch Băng đã nhấn mạnh cần học tập lòng trung thành của Dương Bạch Băng đối với ĐCSTQ, nhấn mạnh quân đội phải quán triệt cái gọi là tư tưởng của Tập Cận Bình về việc củng cố quân đội, kiên định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng với quân đội.

Hoạt động này của ĐCSTQ được học giả chính trị Ngô Cường (Wu Qiang) nhận định qua truyền thông Hồng Kông rằng, lâu nay, ông Tập luôn nhấn mạnh lôi kéo giới nguyên lão quân đội cùng thế hệ con cái họ. Hiện nay, ĐCSTQ rất bất an về tình hình trong nước và lo sợ nổ ra biểu tình quy mô lớn, vì vậy phải luôn nhấn mạnh tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Đảng.

Thứ hai là bất ngờ thúc đẩy phát hành tạp chí cực tả.

Tạp chí cực tả “Trung Lưu” (Zhongliu) đã bị đình bản cách đây 19 năm, nhưng gần đây được phục hồi và phát hành số mới “Trung Lưu Tùng San” (Zhongliu Congkan) dưới dạng điện tử.

Nhà bình luận chính trị Lưu Nhuệ Thiệu (Johnny Lau Yui-siu) nhận định rằng việc ông Tập Cận Bình phục hồi tạp chí này là muốn tạo thế mở đường giữ quyền lực tại Đại hội 20. Ông chỉ ra rằng hiện nay, tư duy cực tả đã không còn chỗ đứng ở Đại Lục và ông Tập cũng lo lắng điều này sẽ gây bất lợi cho bản thân.

Thứ ba là chỉnh đốn “con dao” định hình lại tình thế.

Hôm 8/7, ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), Thư ký trưởng Ban Chính pháp (chính trị và pháp luật) Trung ương ĐCSTQ, đã tuyên bố muốn thúc đẩy “cuộc cách mạng tự thân kiểu cạo xương giải độc” trong hệ thống Chính pháp mà lâu nay được xem là “con dao” của ĐCSTQ. Ông Trần Nhất Tân được xem là thân tín của ông Tập Cận Bình trong Ban Chính pháp.

Từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay, đã có số lượng lớn quan chức hệ thống này (hoặc có bối cảnh) đã bị điều tra. Trong đó đáng kể nhất là ba quan chức cấp cao: Tôn Lực Quân (Sun Lijun) – Thứ trưởng Bộ Công an, Đặng Khôi Lâm (Deng Huilin) – Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Trùng Khánh, và Cung Đạo An (Gong Daoan) – Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Thượng Hải. Cả ba người này đều được đề bạt và trọng dụng bởi Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu) – cựu Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ và Bí thư Ban Chính pháp Trung ương. Còn con đường thăng tiến của quan chức này là nhờ các cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.

Trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Trung ương Đài Loan, Chủ nhiệm Khấu Kiến Văn (Chien-Wen Kou) của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan giải thích rằng, ông Tập Cận Bình phải đảm bảo nắm chắc “con dao” hệ thống chính pháp trước thềm Đại hội 20 ĐCSTQ năm 2022, cài cắm nhân sự khiến những người được thăng chức sau này vì có được lợi ích từ ông Tập mà tự biết định hình lại mối quan hệ phụ thuộc.

Hồi tháng 6, ông Tập đã dùng Nhân đại toàn quốc do thân tín Lật Chiến Thư phụ trách để nhất trí thông qua “Luật Cảnh sát Vũ trang sửa đổi”. So với phiên bản cũ thì phiên bản sửa đổi không chỉ xóa bỏ vai trò của Chính phủ mà thậm chí còn đề cập đến việc lực lượng cảnh sát vũ trang “quán triệt tư tưởng tăng cường quân đội của Tổng Bí thư Tập Cận Bình”.

Về vấn đề này, học giả Khấu Kiến Văn cho rằng uy quyền của ông Tập có bảo đảm hay không là phụ thuộc vào khả năng nắm được hệ thống Chính pháp gồm phe quân đội và an ninh. Cho dù nội bộ ĐCSTQ có những tiếng nói bất mãn như thế nào nhưng việc nắm chắc “con dao” là mấu chốt để ông Tập có thể giữ vững được uy quyền.

Thứ tư là “Năm vấn đề tuyệt đối không đáp ứng”.

Ngày 3/9, khi ông Tập Cận Bình dự “Hội thảo kỷ niệm 75 năm Chiến tranh chống Nhật”, đã chỉ ra “Năm vấn đề tuyệt đối không đáp ứng”, trong đó có “nhân dân Trung Quốc tuyệt đối không đáp ứng bất kỳ ai và bất kỳ lực lượng nào có ý đồ chia rẽ ĐCSTQ với nhân dân Trung Quốc”.

Học giả Khấu Kiến Văn chỉ ra rằng, những cảnh báo này rõ ràng là nhằm vào chiến lược phân biệt giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chủ trương. Qua tuyên bố này cũng cho thấy quan hệ Mỹ – Trung xấu đi khiến ông Tập chịu nhiều áp lực trước Đại hội 20 ĐCSTQ. Ông Tập đang nỗ lực khơi dậy tình cảm dân tộc nhằm gia cố quyền lực.

Thứ năm là thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông để bảo vệ quyền lực.

Gần đây, trả lời phỏng vấn của Vision Times, nhà bình luận thời sự Lưu Nhuệ Thiệu tại Hồng Kông cho rằng, ông Tập lo lắng phe chống đối trong Đảng đoàn kết thành sức mạnh khiến ông ta không thể giữ được quyền lực tái nhiệm tại Đại hội 20 vào năm 2022. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm bản thân, ông cho rằng đây là những lo lắng không đáng có. Ông Tập nhấn mạnh “bốn tự tin” (văn hóa, chế độ, lý luận, và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc) cho thấy chính ông ta thiếu tự tin. Ông Lưu chỉ ra, mọi phát ngôn của Tập Cận Bình đều nhằm vào nhấn mạnh “hai bảo vệ”: bảo vệ ĐCSTQ và bảo vệ vị trí hạt nhân Tập Cận Bình.

Ông Lưu Nhuệ Thiệu cho rằng Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông bắt nguồn từ bất an của ông Tập, lo ngại phe chống đối nội bộ tận dụng vấn đề Hồng Kông để tấn công chính quyền ông.

Điềm báo đại hung của ĐCSTQ

Trước những khốn đốn cả trong và ngoài nước, một số nhà phân tích chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình muốn nắm quyền cho đến khi chết, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng tuổi thọ của ĐCSTQ có thể không qua được Đại hội 20 ĐCSTQ.

Cách đây không lâu, đoạn băng ghi âm bị lộ của cựu giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ là bà Thái Hà (Cai Xia) đã chỉ ra rằng, ĐCSTQ đã là một “thây ma chính trị” và không ai có thể cứu vãn cuộc khủng hoảng này; đảng này đã đến hồi kết.

Vào ngày 16/7, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã công bố bài viết trên tạp chí Cầu Thị, cảnh báo không được phép dao động trong việc “tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng”, đặc biệt lần đầu tiên dùng hình tượng Mặt Trăng trong “quần tinh tôn sáng Trăng” để nói về địa vị hạt nhân của ĐCSTQ.

Về vấn đề này, nhà bình luận Trịnh Trung Nguyên (Zheng Zhongyuan) nhận định rằng, vì ông Tập Cận Bình là hạt nhân của ĐCSTQ, đây là Tập Cận Bình lên tiếng vì gia cố uy quyền cá nhân, cho rằng hình ảnh hạt nhân lãnh đạo của Đảng là Mặt Trăng trong “quần tinh tôn sáng Trăng”, có ngụ ý bản thân ông Tập là “Mặt Trăng” nhằm tôn lên vị thế nòng cốt của ông Tập”. Tuy nhiên, ĐCSTQ tôn thờ màu máu, cờ đảng có màu đỏ như máu nên “Mặt Trăng” này thực sự là “Trăng máu”. Vào thời điểm này, ông Tập Cận Bình dùng hình tượng này để ví von là một điềm báo đại hung.

Trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục các nỗ lực của họ ở Tân Cương, Hồng Kông, và gần đây đã hủy bỏ việc dạy tiếng Mông Cổ ở Nội Mông, động thái đã gây làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng. Đã từ lâu, cư dân mạng đã ví ông Tập Cận Bình là “máy gia tốc” đẩy nhanh sự sụp đổ của ĐCSTQ.

Lâm Trung Vũ

Xem thêm: