Trường đặc khu Hồng Kông Carrie Lam hôm 13/7 nói rằng cuộc bầu cử sơ bộ cực kỳ thành công vào cuối tuần rồi của các ứng cử viên lập pháp ủng hộ dân chủ có thể đã vi phạm Luật An ninh quốc gia.

Người dân xếp hàng tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bỏ của các đảng ủng hộ dân chủ hôm 11/7.
Người dân xếp hàng tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bỏ của các đảng ủng hộ dân chủ hôm 11/7. (Ảnh: Stand News)

Hôm 13/7, bà Carrie Lam đã lặp lại các cáo buộc của những quan chức thành phố rằng việc các ứng viên dân chủ đã hứa sẽ sử dụng quyền lập pháp của họ để ngăn chặn việc thông qua ngân sách thành phố hàng năm có thể được coi là “sự nổi loạn” theo Luật An ninh Quốc gia mới. 

“Nếu mục đích của cái gọi là bầu cử sở bộ này để đạt mục tiêu cuối cùng là phản đối, chống lại mọi sáng kiến chính sách của chính quyền đặc khu Hồng Kông, thì nó có thể được coi như hành vi ‘lật đổ quyền lực nhà nước,’ – hiện là một trong 4 tội theo Luật An ninh quốc gia mới,” Lam nói, theo Hong Kong Free Press. 

Bà Lam cũng cho biết văn phòng của bà đã nhận được “một lượng lớn các khiếu nại” rằng cuộc bầu cử sơ bộ ủng hộ dân chủ đã “gây ra sự hỗn loạn, phá vỡ các quy tắc tụ tập của dịch COVID-19 và vi phạm quyền riêng tư.”

Trước đó, từ hôm 11/7, hơn 600.000 người dân Hồng Kông đã xếp hàng dài tại các điểm bỏ phiếu ở khắp thành phố tham gia cuộc bầu cử sơ tuyển ứng cử viên phe dân chủ để tranh cử vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.

Bầu cử Hội đồng Lập pháp tại Hồng Kông sẽ được tiến hành vào ngày 6/9, thời gian đề cử chính thức được triển khai từ thứ Bảy (11/7). Để chọn ra đội ngũ tham gia ứng tuyển tốt nhất, cuộc bầu cử sơ tuyển của phe dân chủ được tổ chức ngày 11 – 12/7, nhưng lại bị chính quyền đàn áp chưa từng có. Trước khi diễn ra cuộc bầu cử, cảnh sát đã dùng lý do “tiết lộ thông tin riêng tư của nhân viên cảnh sát” để lục soát kiểm tra Viện Nghiên cứu Dân ý Hồng Kông (đơn vị tổ chức hệ thống bầu cử sơ bộ) trong 9 tiếng đồng hồ, khiến cho cuộc bầu cử vào ngày 11/7 bị trì hoãn đến trưa mới bắt đầu được.

Bà Lam cho rằng cuộc bầu cử sơ bộ chỉ thuần túy mang tính biểu tượng, vì đó là một cuộc tập dượt tình nguyện của các đảng phái dân chủ, chứ không phải là một cuộc bầu cử chính thức được công nhận bởi hệ thống bầu cử Hồng Kông.

Những bình luận của bà Lam lặp lại y chang các phát ngôn của Bộ trưởng Các vấn đề Hiến pháp và Đại lục Erick Tsang, người nói rằng cuộc bầu cử sơ bộ vào cuối tuần vừa rồi sẽ không được công nhận chính thức nào, và cảnh báo rằng những người tham gia có thể bị buộc tội theo Luật An ninh.

Chính quyền Bắc Kinh hôm 13/7 cũng đã tuyên bố các cuộc bầu cử sơ bộ là “bất hợp pháp,” tố cáo đó là những hành động khiêu khích được bí mật dàn dựng bởi các thế lực thù địch nước ngoài âm mưu lật đổ chính quyền Hồng Kông.

“Với sự hỗ trợ của các lực lượng bên ngoài, các nhóm đối lập và lãnh đạo của họ đã cố tình nghĩ ra kế hoạch tổ chức cái gọi là ‘bầu cử sơ bộ’ này. Đây là một sự khiêu khích nghiêm trọng đối với hệ thống bầu cử hiện tại và gây tổn hại lớn đến sự công bằng và công lý của Hội đồng Lập pháp bầu cử,” Văn phòng Liên lạc Hồng Kông của Trung Quốc cho biết.

Hồng Kông: Hơn 610.000 người lập kỳ tích bỏ phiếu chọn ứng viên dân chủ

Các nhà tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ đã trả lời rằng việc bầu ra các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ của họ sẽ không gây ra bất kỳ nguy hiểm thực sự nào để có thể “can thiệp nghiêm trọng, phá vỡ hoặc làm suy yếu việc thực thi nhiệm vụ và chức năng của chính quyền” như bà Lam cáo buộc, bởi vì bà có quyền giải tán cơ quan lập pháp và kêu gọi bầu cử nhanh.

“Làm thế nào mà một quyền lợi được công nhận bởi Luật Cơ bản có thể vi phạm Luật An ninh quốc gia?” nhà tổ chức và học giả Benny Tai đặt câu hỏi, đề cập đến quyền của cơ quan lập pháp trong việc phủ quyết ngân sách theo Luật Cơ bản đã được xác định trong hệ thống pháp lý của Hồng Kông từ năm 1997.

Ông Tai đã bị Văn phòng Liên lạc Hồng Kông ở Bắc Kinh đe dọa, truy vấn ông về “ai là người đã hướng dẫn ông công khai thao túng cuộc bầu cử như vậy?” đồng thời cảnh báo rằng ông và những nhà tổ chức khác có thể phải đối mặt với án tù lên tới 10 năm vì tội “thông đồng với thế lực nước ngoài” theo Luật An ninh.

Người Hồng Kông hiểu rõ được mối nguy hiểm này, nhưng chính điều này lại khiến cho tỷ lệ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương đạt được con số rất ấn tượng. Hơn 240 điểm bỏ phiếu khắp thành phố luôn chật kín người. Bên cạnh việc bỏ một lá phiếu cho ứng cử viên mong muốn, đây cũng là cách để họ biểu đạt sự phản kháng đối với Luật An ninh Quốc gia và biểu đạt sự yêu mến Hồng Kông. 

Lê Vy

Xem thêm: