Biến động kinh tế Trung Quốc năm 2021 đầy kịch tính. Ví dụ số liệu Cục Thống kê Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, GDP trong Quý I tăng 18,3%, Quý II tăng 7,9%, nhưng Quý III giảm mạnh “phá vỡ mức 5” chỉ còn 4,9%, còn Quý IV này có dự đoán có thể “phá vỡ mức 4” hoặc thậm chí “phá vỡ mức 3”, được Reuters ví là “không thể ngờ”. Bi hài kịch kinh tế của Trung Quốc tất nhiên là có các yếu tố kinh tế bên ngoài, chẳng hạn như giá hàng hóa tăng và vận chuyển quốc tế bị kìm hãm, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do chính sách kinh tế của chính ĐCSTQ. Nhà cầm quyền cũng nhận ra điều này, nhưng một trong những phản ứng của họ là kiểm soát truyền thông tài chính không cho “nói xấu nền kinh tế Trung Quốc”... Bài này nêu ra 7 chính sách lớn đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc.

shutterstock 1766349155
Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc tất nhiên là có các yếu tố bên ngoài, nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ chính sách của nhà cầm quyền. (Ảnh Thượng Hải, Trung Quốc. Nguồn: Hiram Rios/ Shutterstock)

1. Chính sách cực đoan “zero virus”

Thế giới sau 2 năm bị đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) tung hoành, khắp nơi bắt đầu thử nghiệm chính sách “tồn tại cùng virus”, nhưng ĐCSTQ vẫn đang thúc đẩy nghiêm ngặt chính sách “zero virus”. Mỗi khi phát hiện ra một trường hợp được xác nhận lây nhiễm, nhà cầm quyền lập tức phong tỏa cộng đồng và buộc tất cả những người đã qua lại khu vực phải kiểm tra virus. Từ chuyện một đứa trẻ ở Thụy Lệ đã hơn 70 lần làm kiểm tra virus đến việc trong hơn 20 tháng, ông Tập Cận Bình chưa từng ra nước ngoài hoặc tiếp khách bên ngoài, tất cả đều phản ánh sự hoang đường của chính sách “zero virus” này.

ĐCSTQ đã biện hộ chính sách “không khoan nhượng” đối với dịch bệnh, như ông Phó Cục trưởng Ngô Lương Hữu (Wu Liangyou) của Cục Kiểm soát Dịch bệnh – Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết vào ngày 6/11 rằng “thể hiện ưu thế của chế độ vì người dân”. Mùa hè năm nay, một chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm ở Thượng Hải là ông Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong) đề nghị mọi người nên học cách “chung sống hòa bình lâu dài” với virus, nhưng ông đã bị tấn công đầy hiểm ác trên mạng internet là “chó” của nước ngoài. Ông cựu Bộ trưởng Bộ Y tế của ĐCSTQ là Cao Cường (Gao Qiang) đã gọi ý tưởng của ông Trương Văn Hồng là “chủ nghĩa đầu hàng” không khác gì “bôi nhọ” đất nước.

Năm nay, dịch bệnh COVID-19 đã trở lại Trung Quốc với nhiều đợt bùng phát ở các địa phương, nhưng chính sách “zero virus” đã gây ra những thảm họa thứ cấp nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Ví dụ trong vài tháng, trấn Thụy Lệ ở biên giới tại Vân Nam với dân số 210.000 người đã trải qua 3 lần phong tỏa và xét nghiệm toàn dân, khiến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế địa phương trên bờ vực sụp đổ. Ví dụ khác, sau khi phát hiện trường hợp lây nhiễm đầu tiên tại cảng container lớn tấp nập hàng đầu thế giới là cảng Diêm Điền, chính quyền địa phương đã thắt chặt các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dẫn đến sự suy giảm mạnh về năng lực khai thác cảng, giá cước vận chuyển tăng vọt và thiệt hại nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

2. “Chống độc quyền và chống tư bản bành trướng mất trật tự”

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương ĐCSTQ vào cuối năm 2020 lần đầu tiên xem “tăng cường chống độc quyền và ngăn chặn sự bành trướng mất trật tự của tư bản” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, qua năm 2021 nhà chức trách đã liên tục chỉnh đốn. Về thành lập cơ quan chuyên trách, ngày 18/11, Cục Chống Độc quyền Trung Quốc chính thức được thành lập, ban đầu trực thuộc Tổng Cục Quản lý Thị trường Quốc gia nhưng sau thành một tổ chức mới của Chính phủ với cơ chế hoạt động độc lập. Về mặt luật pháp, “Luật Chống độc quyền” đã được sửa đổi lần đầu tiên sau 13 năm và được ĐCSTQ tuyên bố cung cấp các bảo đảm về thể chế để ngăn chặn sự bành trướng của tư bản một cách vô trật tự.

Về các hành động cụ thể, Alibaba, Tencent và Baidu đã bị phạt vì vi phạm Luật chống độc quyền, Didi bị 7 cơ quan chính quyền cùng điều tra và các ứng dụng liên quan của họ bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng… Theo một báo cáo do ngân hàng đầu tư Goldman Sachs công bố vào ngày 29/7, chỉ tính riêng từ tháng 11 năm ngoái đến nay, các cơ quan quản lý của ĐCSTQ đã thực hiện ít nhất hơn 50 hành động trấn áp, bao gồm các lĩnh vực như chống độc quyền, tài chính, bảo mật dữ liệu và bình đẳng xã hội. Một loạt các biện pháp này đã khiến giá cổ phiếu của 6 công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, bao gồm Alibaba và Tencent, bốc hơi khoảng 1.100 tỷ USD giá trị thị trường so với mức đỉnh vào tháng 2 [năm ngoái], tương đương với mức sụt giảm hơn 40%.

Mặc dù ĐCSTQ đã nhiều lần tuyên bố, như vào ngày 21/10, ông Giám đốc Từ Thiện Trưởng (Xu Shanchang) của Ban Cải cách Thể chế thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của ĐCSTQ cho biết, mục tiêu là để chấn chỉnh “mất trật tự”, để đưa vào “quy phạm”, không liên quan gì đến loại hình doanh nghiệp thuộc sở hữu nào. Tuy nhiên, quan sát cho thấy không khó để nhìn ra động thái này là để trấn áp kinh tế tư nhân, vì doanh nghiệp nhà nước độc quyền còn kinh khủng hơn nhưng sao ĐCSTQ lại không có hành động mạnh tay như thế?

3. Nguy hại từ kế hoạch hóa gia đình

shutterstock 1250093980
(Ảnh minh họa: StreetVJ / Shutterstock)

Trung Quốc thực hiện điều tra dân số toàn quốc theo chu kỳ 10 năm một lần. Kết quả của cuộc tổng điều tra lần thứ 7 ban đầu dự kiến ​​được công bố vào đầu tháng 4, nhưng bị hoãn lại đến ngày 11/5, gây nhiều nghi ngờ. Một số nhà nhân khẩu học cho rằng “Tổng điều tra dân số Trung Quốc năm 2020 là cuộc điều tra dân số có chất lượng kém nhất”. Cho dù dữ liệu điều tra dân số cho thấy Trung Quốc đang “trên đà” khủng hoảng dân số, được phản ánh rõ ràng ở hai khía cạnh: “tỷ lệ sinh thấp” (từ 21,06 ‰ năm 1990 xuống 12,07 ‰ năm 2015, và năm 2019 chỉ 10,48 ‰, kể từ năm 2016 tỷ lệ sinh liên tục giảm dần) và “già hóa dân số gia tăng” (năm 2020, tỷ trọng dân số từ 60 tuổi trở lên là 18,7% và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 13,5%; so với năm 2010 thì cả hai chỉ số đã tăng lần lượt là 5,44 điểm phần trăm và 4,63 điểm phần trăm).

Điều này đã có tác động lớn đến nền kinh tế Trung Quốc. Nhà nhân khẩu học Dị Phú Hiền (Yi Fuxian) cho rằng dựa theo xu hướng thay đổi của cơ cấu dân số có thể ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc và có thể xuống dưới 4,7% sau năm 2025, đến năm 2035 sẽ khó duy trì dù chỉ 2%, nghĩa là khó đạt được mục tiêu năm 2035 tăng gấp đôi sản lượng kinh tế hàng năm so với năm 2020 (yêu cầu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 4,7%).

Trước cuộc khủng hoảng dân số, vào ngày 26/6, ĐCSTQ đã đưa ra “Quyết định về việc tối ưu hóa chính sách mức sinh nhằm thúc đẩy sự phát triển cân bằng lâu dài của dân số”: một cặp vợ chồng có thể có 3 con, hủy bỏ phí xã hội bảo trợ cũng như các quy định xử phạt liên quan khác (như việc nhập hộ khẩu, nhập học, việc làm… hoàn toàn tách rời vấn đề sinh con), đồng thời tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh con cái. Về vấn đề này, Ủy ban Y tế Quốc gia ĐCSTQ nhấn mạnh rằng việc hủy bỏ phí xã hội bảo trợ không thể được đánh đồng với việc tự do hóa hoàn toàn việc sinh đẻ, vẫn thực hiện chính sách [kế hoạch hóa] nhưng mức được nới rộng là 3 con.

Vậy thì tại sao ĐCSTQ không triệt để từ bỏ chính sách kế hoạch hóa gia đình? Chuyên gia dân số Dị Phú Hiền nói: “Nếu bãi bỏ kế hoạch hóa gia đình thì nghĩa là việc (thực hiện) trước đó đã sai, vậy thì phải giải thích cho mọi người như thế nào về thực trạng nhiều đứa trẻ chết do kế hoạch hóa gia đình? Để gia cố uy quyền và tính đúng đắn nên ĐCSTQ không dám thừa nhận. [Trước đây] sau khi thừa nhận sai lầm của Cách mạng Văn hóa mới tạo điều kiện thúc đẩy cải cách mở cửa, [bây giờ] nếu không dám thừa nhận sai lầm của kế hoạch hóa gia đình thì khó mà buông bỏ chính sách dân số”.

4. Kiểm soát dữ liệu nghiêm ngặt

155 ngày sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, ngày 3/12 Didi thông báo sẽ bắt đầu chuẩn bị cho việc hủy niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán New York và niêm yết tại Hồng Kông. Đây là diễn biến mới nhất sau khi Didi Chuxing bị buộc dừng đăng ký người dùng mới, gỡ bỏ ứng dụng và rà soát an ninh mạng. Công ty Didi có giá trị thị trường hơn 80 tỷ USD đã bị thiệt hại nặng nề do đòn chế tài này.

Didi chỉ là một trong những nạn nhân của chính sách kiểm soát dữ liệu nghiêm ngặt mà ĐCSTQ thúc đẩy. Năm nay, Trung Quốc đã liên tiếp ban hành “Luật Bảo mật Dữ liệu” (được thực hiện vào ngày 1/9) và “Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân” (được thực hiện vào ngày 1/11), cùng với “Luật An ninh Mạng” được đưa ra vào năm 2017. ĐCSTQ tuyên bố đã thiết lập được bộ khung pháp lý về lĩnh vực an toàn thông tin và dữ liệu của Trung Quốc. Ở thế kỷ 21 thì dữ liệu giá trị tương đương với dầu mỏ, là tài nguyên không thể thiếu để thúc đẩy các thuật toán trí tuệ nhân tạo, sức mạnh kinh tế và sức mạnh quốc gia. ĐCSTQ coi dữ liệu và nền kinh tế kỹ thuật số là cơ hội chủ yếu để vượt qua Mỹ. Do đó, ĐCSTQ thúc đẩy “chế độ độc tài dữ liệu” và xây dựng “bức tường Berlin dữ liệu”, và thậm chí không ngại “chia tách” với Mỹ.

Về cách tiếp cận của ĐCSTQ, New York Times chỉ ra: “Cô lập dữ liệu của Trung Quốc với thế giới, thúc đẩy quyền lực ngoài lãnh thổ mới đối với luồng dữ liệu toàn cầu, đặt các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc dưới các ràng buộc pháp lý – đồng thời thu thập dữ liệu từ các nước khác thông qua các phương tiện hợp pháp và bất hợp pháp”. Ví dụ, ĐCSTQ đã thành công buộc Tesla, Apple và các công ty khác phải lựa chọn thành lập các trung tâm dữ liệu chuyên dụng tại Trung Quốc. Reuters đưa tin ngày 16/11, sau khi ĐCSTQ ban hành luật dữ liệu mới, các tàu trong vùng biển Trung Quốc đang biến mất khỏi hệ thống theo dõi (để đảm bảo tính minh bạch của chuỗi cung ứng toàn cầu), làm thất bại các nỗ lực giảm nhẹ cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.

Nhưng chính sách của ĐCSTQ đã gây tổn hại lớn cho nền kinh tế nước này: Thứ nhất, Mỹ và phương Tây đã phản công, như vào tháng 6 chính quyền Tổng thống Mỹ Biden ban lệnh hành chính về cách quản lý mới, lấy lý do an ninh quốc gia nhằm hạn chế lưu thông dữ liệu xuyên biên giới, thậm chí phương Tây còn thiết lập liên minh “lưu thông dữ liệu tự do đáng tin cậy” để chia sẻ dữ liệu với nhau trong khi hạn chế luồng dữ liệu đến Trung Quốc; Thứ hai, mặc dù “nền kinh tế kỹ thuật số” của Trung Quốc đang phát triển nhanh nhưng công nghệ của họ vẫn tồn tại nhiều bất cập không thể độc lập hoàn toàn, nếu cứ khăng khăng xây “bức tường Berlin kỹ thuật số” thì trước tiên sẽ làm tổn hại đến các công ty công nghệ cao và nền kinh tế số của Trung Quốc.

5. Trì hoãn cải cách hệ thống điện, đồng thời thực thi “kiểm soát kép về tiêu thụ năng lượng” làm tái xuất hiện tình trạng thiếu điện

Thiếu diện ở Trung Quốc
Các tòa nhà bị cắt điện tại Trung Quốc. (Nguồn: Chụp màn hình video)

Kể từ tháng 9, tình trạng thiếu điện nhiều năm không tái diễn ở Trung Quốc đã xuất hiện trở lại ở 20 tỉnh/thành, thậm chí ngay trong dịp Quốc khánh 1/10 nhưng Bắc Kinh cũng phải hủy bỏ “trình diễn ánh sáng” và giảm thời gian chiếu sáng cảnh quan. Tình trạng “thiếu điện” đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc và làm trầm trọng thêm xu thế thoái vốn nước ngoài.

Những báo cáo và thông tin bình luận chỉ ra chính sách “kiểm soát kép về tiêu thụ năng lượng” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thiếu điện này. Mặc dù “kiểm soát kép về tiêu thụ năng lượng” (bao gồm hai chỉ số “tiêu thụ năng lượng trên đơn vị GDP”“tổng tiêu thụ năng lượng”) là chính sách đã được ĐCSTQ thực hiện trong nhiều năm. Tuy nhiên, “kiểm soát kép về tiêu thụ năng lượng” trong năm 2021 không phải do vấn đề đỉnh carbon và mức độ trung tính carbon gia tăng. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ năm 2020 khiến một số tỉnh/thành có tâm lý lo lắng và nới lỏng chính sách về kiểm soát năng lượng, nhưng dưới áp lực mục tiêu phải đạt được (như ngày 16/9 Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia ĐCSTQ đã ban hành “Kế hoạch Cải thiện cường độ tiêu thụ năng lượng”) nhằm giảm phát thải, nên nhà cầm quyền đã áp đặt việc “cắt giảm điện”.

Vấn đề “thiếu hụt điện năng” này làm nổi bật bất cập về kết cấu và thể chế của ngành điện lực Trung Quốc. Cái trước đề cập đến thực trạng khi thừa khi thiếu cùng tồn tại: cả năm thì thừa nhưng có những thời gian nhất định lại bị thiếu; cái sau chỉ vấn đề giá than và giá điện trái ngược, giá than đã hoàn toàn theo định hướng thị trường, nhưng giá điện trên lưới của các nhà máy điện than thì do chính phủ quy định. Tại sao tồn tại bất cập về kết cấu và thể chế? Đó là vì sự chậm trễ trong việc cải cách hệ thống điện lực của ĐCSTQ. Đối mặt với 3 thách thức lớn là thị trường hóa điện năng, năng lượng tái tạo nối lưới và điện carbon thấp (các ngành điện ở châu Âu và Mỹ đã dễ dàng đối phó được), ĐCSTQ mắc kẹt trong mâu thuẫn bên trong nhưng không giải quyết mâu thuẫn này mà cứ trì hoãn để đi vào ngõ cụt.

6. “Cải cách nhà ở” kiểu bóc lột và chính sách bất động sản hỗn loạn

Cải cách nhà ở được đưa ra vào năm 1998. ĐCSTQ hứa rằng hơn 80% gia đình thành thị sẽ sống trong nhà ở giá rẻ và cung cấp nhà ở giá thuê thấp cho những người có thu nhập thấp, trong khi những người có thu nhập cao sẽ mua nhà ở thương mại. Nhưng ngành bất động sản đã thay đổi vào năm 2003 khi ĐCSTQ định vị ngành này là một trong những ngành trụ cột thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Theo đó, ĐCSTQ đã chuyển từ chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở giá rẻ sang nhà ở thương mại, đã gây ra dị tật nghiêm trọng khi 90% nhà ở đô thị của Trung Quốc là nhà ở thương mại – một vấn đề không thấy có ở đâu trên thế giới. “Ở các nước phát triển, tỷ lệ nhà ở thương mại trong toàn hệ thống cung cấp nhà ở nói chung không quá 25%, đồng thời bảo đảm tỷ lệ rất cao nhà ở giá rẻ hoặc nhà ở vừa túi tiền” (Cao Jianhai, Giáo sư Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc).

Hậu quả, một mặt giá nhà ở thương mại tại Trung Quốc tăng chóng mặt, mặt khác việc xây dựng nhà ở giá rẻ lại bị gạt ra ngoài lề, gây vấn nạn “giá nhà đất cao ngất ngưởng” khiến người dân thường khốn khổ, vì vậy gây ra bong bóng bất động sản chưa từng có tiền lệ. Như vậy là ĐCSTQ đã tung ra “4 vụ bắt cóc”: bắt cóc bất động sản để tăng trưởng kinh tế (đóng góp xấp xỉ 1/4 tăng trưởng GDP Trung Quốc), bắt cóc tài chính địa phương (chiếm khoảng 1/3 tổng thu ngân sách địa phương), bắt cóc tín dụng ngân hàng (khoảng 40%), bắt cóc tài sản của người dân (hơn 70%).

Điều này gây ra một mối đe dọa rất lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà chức trách cũng coi bất động sản là ‘tê giác xám’ lớn nhất về rủi ro tài chính, hiện đang bận “gỡ bom”. Từ năm 2020, ĐCSTQ đã liên tiếp đưa ra “3 lằn ranh đỏ” cho giới bất động sản, trong đó có 2 “tập trung” nhắm vào ngành ngân hàng liên quan đến cung ứng đất ở, thắt chặt cho vay mua nhà…. đã gây ra khó khăn cho tồn tại của các doanh nghiệp bất động sản và sự thu hẹp của thị trường bất động sản, điển hình nổi bật nhất mới đây là việc tập đoàn bất động sản hàng đầu Evergrande vỡ nợ.

Evergrand
Ngày 10/9, các nhân viên của Evergrande đã tập trung trước trụ sở công ty đòi lại tiền lương “mồ hôi nước mắt” của mình. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video)

Đồng thời, ĐCSTQ cũng phát động thí điểm đánh thuế bất động sản (ngày 23/10) và lần đầu tiên làm rõ thiết kế cấp cao nhất của hệ thống bảo hộ nhà ở bình diện quốc gia (ngày 24/6, ĐCSTQ đã ban hành “Ý kiến ​​về việc đẩy nhanh phát triển nhà ở cho thuê giá rẻ”; trước đó kế hoạch 5 năm lần thứ 14 đề xuất tỷ lệ nhà cho thuê giá rẻ mới bổ sung trong tổng nguồn cung nhà ở mới tăng thêm cần phấn đấu đạt hơn 30%). Chính sách này được cho sẽ tác động mạnh đối với ngành bất động sản của Trung Quốc.

Mục tiêu của ĐCSTQ là từ từ bóp nghẹt bong bóng bất động sản để tránh “hạ cánh” khó khăn. Nhưng chính sách bất động sản hỗn loạn trong năm 2021 này như đã đẩy nhanh sự xuất hiện của bước ngoặt bất động sản và gây tâm lý hoang mang trên diện rộng trong xã hội, làm thay đổi căn bản “kỳ vọng” của xã hội về hướng đi của kinh tế Trung Quốc và bất động sản Trung Quốc. “Ba ổn định” mà ĐCSTQ mong muốn ngày càng trở nên xa vời là: ổn định giá đất, ổn định giá nhà ở, và ổn định kỳ vọng.

7. “Thịnh vượng chung” gây tác động khó lường

Nếu xem chính sách nào của ĐCSTQ gây “tiếng vang” kinh khủng nhất trong năm 2021 thì đó chỉ có thể là tư tưởng “Thịnh vượng chung” được nhà chức trách đưa ra tại cuộc họp lần 10 của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương vào ngày 17/8, theo đó họ tuyên bố “xây dựng chính sách tái phân phối của cải xã hội lần 3”.

Như đã biết, vấn đề “phân phối” này trên thế giới gồm phân phối sơ cấp (thu nhập bằng cách cung cấp các yếu tố sản xuất cho thị trường), tái phân phối (thu thuế của chính phủ); nhưng ĐCSTQ đã “đi đầu thế giới” thúc đẩy “phân phối lần thứ 3”, được định nghĩa là phân phối các nguồn lực xã hội và của cải xã hội từ nhóm thu nhập cao thông qua thúc đẩy hoạt động phúc lợi công cộng từ thiện như quyên góp và tài trợ “trên cơ sở tự nguyện”. Ngay khi quan điểm này được đưa ra đã làm dậy sóng dư luận trong và ngoài nước, thế giới bên ngoài phổ biến cho rằng đây là vụ cướp bóc nhằm vào giới người giàu nhân danh đạo nghĩa xã hội, là một dấu hiệu quan trọng cho thấy ĐCSTQ đang chuyển hướng cực tả.

Trước cuộc họp lần 10 này, vào ngày 20/5, ĐCSTQ đã đưa ra “Ý kiến ​​về việc Phát triển mô hình mẫu thịnh vượng chung chất lượng cao tỉnh Chiết Giang”, qua đó ngày 19/7 chính thức công bố “Kế hoạch thực hiện mô hình mẫu thịnh vượng chung chất lượng cao tỉnh Chiết Giang (2021-2025)”.

Sau khi các nhà chức trách kêu gọi “thịnh vượng chung”, các đại gia Internet Trung Quốc đã hào phóng quyên góp tiền của họ, cạnh tranh để đội mũ “từ thiện”. Ví dụ: lần đầu tiên, Tencent liên tiếp công bố “quyên góp” tổng cộng 100 tỷ RMB (nhân dân tệ); sau đó vào cuối tháng 8 Pinduoduo cũng quyên góp 10 tỷ RMB; còn ngày 2/9 Alibaba đã phát động “10 hành động lớn vì thịnh vượng chung”, tuyên thệ trước năm 2025 quyên góp 100 tỷ RMB.

Tất cả cho thấy “Thịnh vượng chung” không chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền chính sách mà là một “âm mưu” khủng khiếp của ĐCSTQ.  Đại thể nhà cầm quyền muốn một lần nữa mang lại “thay đổi sâu sắc” cho Trung Quốc, có thể tương tự như cơn ác mộng “cải tạo xã hội chủ nghĩa” do Mao Trạch Đông phát động vào những năm 1950. 

Nhưng ngày nay ĐCSTQ đang gia tốc trên con đường xuống dốc, hoàn toàn khác với tình hình leo dốc của 70 năm trước. Nếu thực sự lại phát động một phong trào xã hội “thịnh vượng chung” sẽ chỉ đẩy nhanh sự sụp đổ của chính họ.

Vương Hách
(Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)

Xem thêm: