Một cuộc điều tra mới đây của The Information đã phát hiện ra 7 nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc bị tình nghi liên quan đến việc cưỡng bức lao động đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm bị bức hại khác có nguồn gốc từ Tân Cương.

lao động cưỡng bức
Ông Tim Cook, CEO của Apple. (Ảnh: Chụp màn hình)

Apple trước đây đã phủ nhận việc sử dụng các nhà cung cấp dựa trên lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ, nhóm thiểu số Hồi giáo đang phải hứng chịu sự đàn áp tại Trung Quốc. Tuy nhiên, điều tra của The Information cho thấy việc sử dụng lao động cưỡng bức của một số nhà cung cấp lớn nhất thuộc Apple đã trở nên phổ biến hơn so với các báo cáo trước đây. Hãng này đã không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận của tờ Business Insidier.

Theo The Information, chỉ một trong những nhà cung cấp là thuộc khu vực Tân Cương (phía tây Trung Quốc), nơi sinh sống chủ yếu của người Duy Ngô Nhĩ (vốn là dân bản địa). Các công ty còn lại như Luxshare, một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple, đã sử dụng các công nhân người Duy Ngô Nhĩ chuyển đến từ Tân Cương.

Ngoài ra, The Information cho biết rằng từ năm 2019 đến năm 2020, Avary Holding, công ty sản xuất bảng mạch cho các thiết bị của Apple tại thành phố Hoài An, Trung Quốc, đã bổ sung thêm 400 lao động Tân Cương vào lực lượng lao động ở một trong các nhà máy của mình.

Bên cạnh đó, báo cáo của The Information còn chỉ ra rằng Shenzhen Deren Electronic, công ty sản xuất ăng-ten và cáp nội bộ cho Apple, đã lấy 1.000 lao động đến từ Tân Cương.

Hãng tin cũng đã xem một video do AcBel Polytech, một nhà cung cấp khác của Apple, trong đó cho thấy cách thức công ty sử dụng lao động cưỡng bức từ các công nhân người Tân Cương vào khoảng từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019.

Apple không công khai danh sách các nhà cung cấp mà họ hợp tác, tuy nhiên hãng tin đã xác minh các mối liên hệ thông qua những tài liệu chính thức cũng như thông qua các nhân viên hiện đang làm việc tại các nhà cung cấp. Theo The Information, Amazon, Google, Microsoft, Facebook và các công ty khác cũng có những liên hệ với các nhà cung cấp được đề cập trong báo cáo.

Nhà cung cấp kính cho iPhone của Apple có tên là Lens Technology, đã nhận 600 công nhân từ Tân Cương kể từ năm 2018, theo The Information. Apple đã phản hồi một báo cáo trước đó về việc Lens đã sử dụng lao động cưỡng bức vào tháng 12, trong đó nói rằng công ty sẽ “không khoan nhượng đối với lao động cưỡng bức”, đồng thời không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy người Duy Ngô Nhĩ được đưa đến làm việc tại các cơ sở của nhà cung cấp.

Một báo cáo vào tháng 3/2020 từ Viện Chính sách Chiến lược Australia cũng chỉ ra mối liên hệ giữa các nhà cung cấp của Apple và lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ước tính khoảng 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị đàn áp ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã giam giữ họ trong các trại cải tạo, buộc họ phải từ bỏ văn hóa của mình để học theo các phong tục của Trung Quốc, như học tiếng Quan Thoại.

Trung Quốc đã phủ nhận về tính chất của các trại cải tạo, tuyên bố rằng chúng được lập nên vì mục đích “cải tạo”, thậm chí còn gọi những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là những kẻ khủng bố và tôn giáo cực đoan, theo thông tin từ Business Insider.

Nếu từ chối tham gia các trại lao động, thì họ sẽ bị tống vào tù. Các báo cáo đã xuất hiện liên quan đến việc tra tấn tại các trại này, trong đó một phụ nữ nói rằng cô đã chứng kiến một vụ cưỡng hiếp tập thể và thí nghiệm y tế đối với các tù nhân khi cô đang dạy tuyên truyền tiếng Trung trong trại. Chính phủ Trung Quốc cũng bị buộc tội triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ.

Những cá nhân, tổ chức ủng hộ nhân quyền quốc tế và các quốc gia trên thế giới đã lên án hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Hồi tháng 4/2021, HRW cho hay nước này đang thực hiện “tội ác chống lại loài người” thông qua các trung tâm nhà tù giam giữ người Duy Ngô Nhĩ.

Theo Business Insider,

Phan Anh

Xem thêm: