Trong khi dịch viêm phổi ở Vũ Hán vẫn chưa được kiểm soát, Trung Quốc lại phải đối diện với nạn sâu keo mùa thu bùng phát. Hiện loài sâu gây hại này đã tấn công khoảng 240.000 hecta diện tích đất trồng trọt, ước tính khoảng 80 triệu hecta đang có nguy cơ bị ảnh hưởng.

shutterstock 411304381
Khoảng 80 triệu hecta đất trồng trọt ở Trung Quốc đang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sâu keo mùa thu. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Sâu keo mùa thu (Fall Armyworm, tên khoa học Spodoptera frugiperda) là một loài có nguồn gốc ở châu Mỹ. Tuy nhiên, với đặc thù sâu trưởng thành (bướm) di chuyển rất nhanh và rộng, đã không ngừng lây lan ra nhiều khu vực trên thế giới và rất khó tiêu diệt. Loài sâu dài khoảng 2,5cm này có khả năng sinh sôi cực nhanh, chủ yếu gây hại cho cây trồng kinh tế như ngô, lúa, lúa mạch, bông, cây họ cải, cây họ đậu, và còn được mệnh danh là “sát thủ lương thực”.

Sâu keo mùa thu lan sang châu Á vào năm 2018. Loài sâu bướm này đã xâm nhập vào Vân Nam và Quan Tây từ Đông Nam Á hồi tháng Một đầu năm nay, sau đó lan sang 18 tỉnh thành và khu tự trị ở Trung Quốc, đe dọa nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực, hậu quả nhìn thấy rõ nhất trước mắt là phá hoại mùa màng.

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc gần đây đã công bố “Kế hoạch phòng chống và kiểm soát sâu keo mùa thu ở Trung Quốc năm 2020”, trong đó đề cập rằng tình hình dịch sâu keo mùa thu tại Trung Quốc năm nay rất nghiêm trọng, và nhiệm vụ phòng chống và kiểm soát hết sức khó khăn. Đồng thời với việc kiểm soát dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’, chính quyền cũng liên tục thúc đẩy các địa phương nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn sự bùng phát của sâu keo mùa thu trên quy mô lớn, yêu cầu các bộ ngành và chính quyền địa phương tích cực hợp tác phòng chống nạn sâu keo.

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc còn chỉ ra, diện tích đất trồng trọt bị sâu keo tấn công năm nay nhiều hơn hẳn so với năm 2019. Tính đến ngày 10/2, loài sâu này đã tấn công khoảng 240.000 hecta đất trồng trọt, nhiều gấp khoảng 90 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và có nguy cơ đe dọa tới 80 triệu hecta đất trồng. Hiện tại, 113 huyện thị trên khắp Trung Quốc đã phát hiện sâu keo phá hoại. Hai tháng trước, khi nhiệt độ tăng dần lên vào mùa xuân, một số lượng lớn sâu keo đã di chuyển về phía bắc, và Trung Quốc có thể phải đối mặt với khủng hoảng lương thực.

Theo dữ liệu công khai từ Hải quan Trung Quốc, năm 2018, tổng sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc xấp xỉ 658 triệu tấn, lượng ngũ cốc nhập khẩu là 108,5 triệu tấn, trong đó đậu nành chiếm tới 88,03 triệu tấn, khiến Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, đến năm 2020, Trung Quốc có thể sẽ thiếu hơn 100 triệu tấn lương thực.

Minh Ngọc

Xem thêm: