Hai nhà ngoại giao cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì (72 tuổi) và Ngoại trưởng Vương Nghị (68 tuổi) đều đến tuổi nghỉ hưu, vị trí thay thế họ đang là tâm điểm chú ý. Liệu sau Đại hội 20 khi họ bị thay thế thì ĐCSTQ có tiếp tục đường lối ngoại giao “sói chiến”?

51052775658 abdb8357ba k
Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị tại cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Blinken ở Alaska hôm 18/3/2021. (Nguồn: Ron Przysucha/ Bộ Ngoại giao Mỹ)

Tống Đào bị thất sủng

Ngày 2/6, Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ thông báo ông Phó Văn phòng Đối ngoại Trung ương Lưu Kiến Siêu sẽ thay Tống Đào làm Trưởng ban Liên lạc Trung ương.

Tống Dào
Ông Tống Đào. (Nguồn: Wikipedia)

Ngày 23/7 theo Đài VOA Mỹ, trước tháng Sáu thì vị trí ứng viên hàng đầu thay thế ông Dương Khiết Trì luôn là ông Tống Đào, nhưng sau khi quan chức này không còn giữ vai trò Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương thì cũng đồng nghĩa không còn cơ hội kế nhiệm ông Dương.

Chuyên gia về Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Eurasia Group là Neil Thomas phân tích rằng trong thập kỷ cầm quyền của ông Tập Cận Bình, vị trí phụ trách bộ phận liên lạc đối ngoại của ông Tống Đào trở nên nổi bật hơn nhiều. Ông Tống có mối quan hệ gần gũi với ông Tập từ nhiều thập niên, bộ phận liên lạc do ông phụ trách là kênh kết nối giữa hệ thống Đảng (chỉ đạo) và  hệ thống Chính phủ (hành động) chứ không phải vấn đề ngoại giao giữa các nước. Nhưng gần đây, ông Tống đã bị chuyển về hệ thống Chính hiệp thường là dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy một quan chức sắp nghỉ hưu.

Tuy nhiên chủ biên trang “Ấn tượng Trung-Mỹ” (Uscnpm) và Chủ nhiệm Dự án Trung Quốc tại Trung tâm Carter (một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 1982 bởi cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter), ông Lưu Á Vỹ (Liu Yawei) nói với VOA rằng do ông Tống Đào thiếu kinh nghiệm trên trường quốc tế nên có thể ngay từ đầu đã không được vào ứng viên kế nhiệm ông Dương Khiết Trì.

Ông Lưu Á Vỹ nói rằng có vấn đề hạn chế trong kinh nghiệm công việc của ông Tống: “Tống Đào không hoàn toàn giống với những nhà ngoại giao khác như Lạc Ngọc Thành, vì lúc bấy giờ Bộ Ngoại giao lựa chọn từ những cán bộ địa phương. Tất nhiên ông ấy cũng đã làm việc đó ở Phúc Kiến, sau đó đến Bộ Ngoại giao. Sau này khi được bổ nhiệm làm Trưởng ban Liên lạc Trung ương đã gây bất ngờ, lúc đó mọi người đánh giá có lẽ là vì ông ấy có uy tín khá tốt, dù thế ông ấy lại không có nhiều cơ hội để thể hiện”.

Hôm 6/7 trang Nikkei cũng có bài phân tích cho rằng dựa theo lý lịch thì ông Tống Đào (67 tuổi), có thời gian dài làm Trưởng Ban liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng và từng công tác ở Phúc Kiến (thuộc cấp của ông Tập Cận Bình), là người có thể kế nhiệm. Tuy nhiên vào tháng Năm, ông đã được chuyển sang một chức vụ khác báo hiệu sắp nghỉ hưu, điều đó cho thấy ông Tống có thể sẽ không còn là Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương.

Lưu Kết Nhất sẽ thay thế Dương Khiết Trì?

Một nhân vật khác là Lưu Kết Nhất, hiện trong vai trò Chủ nhiệm Văn phòng Vấn đề Đài Loan, cũng được cho là ứng cử viên hàng đầu thay thế ông Dương Khiết Trì.

Lưu Kết Nhất
Ông Lưu Kết Nhất. (Nguồn: Wikipedia)

Ông Lưu Á Vỹ, em trai của tướng Lưu Á Châu (chính ủy của Đại học Quốc phòng) nổi tiếng, cho biết: “Ông Lưu Kết Nhất từng là Đại sứ của ĐCSTQ tại Liên Hợp Quốc và hiện đang làm việc tại Văn phòng Vấn đề Đài Loan. Lưu Kết Nhất (gần 65 tuổi) đáp ứng tiêu chuẩn về tuổi để vào Bộ Chính trị. Nếu Lưu Kết Nhất cuối cùng kế nhiệm Dương Khiết Trì trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của ĐCSTQ, đó sẽ là một tín hiệu từ Tập Cận Bình cho thấy rằng Vấn đề Đài Loan sẽ tiếp tục là tâm điểm trong các vấn đề đối ngoại của ĐCSTQ”.

Trước đó trang Nikkei có phân tích rằng sau khi loại bỏ khả năng ông Tống Đào lên thay, thì ông Lưu Kết Nhất là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí thay ông Dương Khiết Trì. Người này không những đáp ứng tiêu chuẩn về tuổi mà còn từng qua nhiều vai trò liên quan như là đại diện thường trực của ĐCSTQ tại Liên Hợp Quốc, Phó Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương, và Trợ lý Ngoại trưởng…

Người kế nhiệm ông Vương Nghị còn bỏ ngỏ

The Ambassador designate of Peoples Republic of China Mr. Le Yucheng presenting his credential to the President Shri Pranab Mukherjee at Rashtrapati Bhavan in New Delhi on September 12 2014 scaled
Ông Lạc Ngọc Thành (bên phải) – (Nguồn: Wikipedia)

Ông Lạc Ngọc Thành từng là Thứ trưởng số 1 của Bộ Ngoại giao, từng được xem là ứng viên hàng đầu để thay thế ông Vương Nghị. Nhưng tháng Sáu năm nay, ông Lạc Ngọc Thành, người từng nói rằng “quan hệ Trung – Nga sẽ không ngừng phát triển”, đã bất ngờ bị chuyển khỏi hệ thống ngoại giao sang làm Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình. Có nhận định tin rằng động thái đó cho thấy quan hệ Trung-Nga là có giới hạn. Hiện tại, chưa thấy rõ ai sẽ kế nhiệm chức Ngoại trưởng của ông Vương Nghị.

Chuyên gia Lưu Á Vỹ cũng nói rằng sau khi ông Lạc Ngọc Thành rút khỏi cuộc cạnh tranh cho vị trí Ngoại trưởng thì không rõ ai sẽ nổi lên. 3 thứ trưởng đương nhiệm là Mã Triều Húc, Tạ Phong, và Đặng Lịch dường như còn non kinh nghiệm và không có “tướng Ngoại trưởng”.

“Cũng có thể chơi bài ngược lại với lẽ thường là tìm người từ bên ngoài hệ thống ngoại giao làm Ngoại trưởng”, ông Lưu Á Vỹ nhận định.

Ông Mã Triều Húc. (Nguồn: Wikipedia)

Tuy nhiên, trang Nikkei có phân tích cho rằng các Thứ trưởng Ngoại giao đương nhiệm như Mã Triều Húc, Tạ Phong, và Đặng Lịch hiện nay đều có cơ hội cạnh tranh chức Ngoại trưởng. Trong đó phải kể Mã Triều Húc từng là Đại sứ tại Úc, Đại diện thường trực của ĐCSTQ Văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Geneva và các tổ chức quốc tế khác tại Thụy Sĩ. Với kinh nghiệm dày dặn trong các cuộc đàm phán đa phương, quan chức này có thể là ứng viên sáng nhất trong vai trò giúp ĐCSTQ nâng cao vị thế quốc tế.