Chỉ qua 2 năm, tập đoàn Alibaba khổng lồ của Trung Quốc đã bốc hơi 5000 tỷ HKD (637 tỷ USD) giá trị thị trường và bị cản trở bởi vô số tin tiêu cực.

shutterstock 1785708704
Bên ngoài tòa nhà văn phòng Alibaba Group tại Thâm Quyến, Trung Quốc. (Ảnh: hxdbzxy / Shutterstock)

Ngày 19/10, cổ phiếu Hồng Kông của Alibaba đóng cửa ở mức 72,70 HKD (khoảng 9 USD), giảm 4,34%. Trước đó ngày 17/10 giá cổ phiếu của Alibaba đã giảm xuống mức thấp nhất với 70,90 HKD là mức thấp kỷ lục kể từ khi công ty này niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vào năm 2019.

Bắt đầu từ cuối tháng 10/2020, giá cổ phiếu của Alibaba đi vào xu hướng giảm, đến nay giá cổ phiếu đã giảm từ mức cao nhất trong lịch sử là 309 HKD xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 70,90 HKD. Như vậy chỉ trong 2 năm, giá cổ phiếu Alibaba đã giảm 77%, theo đó giá trị thị trường bốc hơi 5000 tỷ HKD.

Trong quý 3/2022, bảng xếp hạng giá trị thị trường của các doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy Kweichow Moutai (Mao Đài – Quý Châu) với tổng giá trị thị trường là 2.350 tỷ RMB đã vượt qua Tencent Holdings (2.310 tỷ), còn Alibaba đứng thứ 3 với giá trị thị trường là 1.490 tỷ RMB.

Ông Jack Ma, người sáng lập Alibaba, từng là người giàu nhất Trung Quốc do giá cổ phiếu tăng cao vào năm 2020, nhưng hiện ông đã rớt khỏi top 50 trong danh sách người giàu của Forbes. Theo dữ liệu xếp hạng thời gian thực của Forbes thì ông Jack Ma đứng thứ 56 trong danh sách người giàu nhất thế giới với tài sản ròng 22,1 tỷ USD. Những nhân vật được chú ý khác trong giới công nghệ như Zhang Yiming (Trương Nhất Minh) đứng thứ 22 với khối tài sản 49,5 tỷ USD và Ma Huateng (Mã Hóa Đằng) xếp hạng 37 với khối tài sản 29,9 tỷ USD.

Chủ tịch Hsieh Chin-ho (Tạ Kim Hà) của WEALTH MAGAZINE tại Đài Loan đã đăng trên Facebook rằng giá cổ phiếu của hai công ty hàng đầu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông là Tencent và Alibaba tính theo vốn hóa thị trường đã giảm đến mức “da đầu ai cũng tê dại”. Thị trường chứng khoán Hồng Kông vốn đã đi xuống kể từ năm 2018 thì nay đã trở lại như cách đây 25 năm khi chủ quyền của Hồng Kông được trao về Đại Lục.

Các nhà đầu tư thất vọng với Alibaba, cho rằng giá trị thị trường của họ không tốt bằng giá trị của một công ty bán rượu [chỉ Kweichow Moutai (Mao Đài – Quý Châu)]. Vậy điều gì đã xảy ra với Alibaba?

Theo báo cáo tài chính cho quý 2/2022 được công bố ngày 4/8 thì lợi nhuận ròng của Alibaba là 22,739 tỷ RMB, giảm 49,63% so với cùng kỳ năm trước đó.

Ngoài thua lỗ đầu tư, Alibaba còn bị ảnh hưởng bởi nhiều tin tức tiêu cực khác. Ví dụ công ty đã bị Cục Quản lý Nhà nước về Giám sát Thị trường Trung Quốc phạt 18,2 tỷ RMB, Alibaba Cloud bị Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin đình chỉ nền tảng chia sẻ thông tin bảo mật trong 6 tháng do “không báo cáo lỗ hổng”, ngoài ra còn vấn đề “vụ nữ nhân viên của Alibaba bị xâm hại” đã gây làn sóng công luận, vấn đề trốn thuế của một số người livestream trên Taobao, và tin tức về việc sa thải nhân viên quy mô lớn trong năm nay. Mặc dù ông Jack Ma đã từ chức quản lý, nhưng tung tích của ông vẫn khiến dư luận chú ý.

Tổ chức tư vấn kinh tế – tài chính Tianjun (Thiên Quân) của nhóm người Hoa sống ở bên ngoài Trung Quốc Đại Lục đã có bài “Hầm vàng nhỏ của phe đối lập chính trị trở thành mỏ vàng, Tập Cận Bình ngồi mát thu tiền không chùn tay”, qua đó chỉ ra rằng muốn làm kinh doanh yên ổn ở Trung Quốc thì không thể không “kết hôn” với chính trị. Như người sáng lập Tập đoàn Alibaba là Jack Ma đã nói tại Diễn đàn Davos năm 2015 “chỉ yêu chính phủ mà không kết hôn là không thể được”, cuối cùng Ant Group [liên kết của Alibaba] đã bị cáo buộc ảnh hưởng nghiêm trọng về chính trị, khiến Trung Nam Hải lo ngại, hệ quả bị nhà chức trách trở mặt hạ thủ không lưu tình.

Vào mùa thu năm 2020, Ant Group lần đầu tiên tiến hành quy trình IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) đã gây tiếng vang với mức định giá cao tới 2.100 tỷ RMB. Sau đó, vào đêm trước của đợt IPO ngày 5/11 thì tình hình thay đổi và đợt IPO đã kết thúc đột ngột. Một số tin tức rò rỉ chỉ ra lý do vì những mối quan hệ phức tạp khiến ông Tập Cận Bình lo sợ.

Ví dụ nguồn tin từ Lianhe Zaobao (Singapore) ngày 4/6 dẫn lời chuyên gia kinh tế Trung Quốc Li Daokui (Lý Đạo Quỳ) tham dự “Diễn đàn Đầu tư Ngân hàng Tư nhân UOB 2H 2022” thông qua kết nối video, đã nói về các vấn đề giám sát internet của Trung Quốc như đối với Ant Group. Khi ví dụ trường hợp Ant Group, chuyên gia này chỉ ra việc niêm yết của Ant Group bị đình chỉ vì liên quan nhiều quan chức, Ant Group đã gây nhiều ảnh hưởng chính trị, chẳng hạn như liên quan đến ứng viên cho chức bí thư ở một số thành phố, điều đó khiến lãnh đạo cao nhất lo ngại.