Yao Ruyan đi đi lại lại vẻ mặt đầy lo lắng bên ngoài phòng khám của một bệnh viện quận ở tỉnh công nghiệp Hà Bắc của Trung Quốc, cách thủ đô Bắc Kinh 70 km về phía Tây Nam. Mẹ chồng cô nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp, nhưng tất cả các bệnh viện gần đó đều đã kín chỗ, theo tin của AP.

“Họ nói ở đây không còn giường,” cô nói như quát vào điện thoại.

Trung Quốc đang vật lộn với làn sóng đại dịch tái bùng phát ở phạm vi toàn quốc, các khu cấp cứu ở các thành phố và thị trấn nhỏ phía Tây Nam Bắc Kinh đều bị quá tải. Các đơn vị cấp cứu và chăm sóc đặc biệt (ICU) đang từ chối xe cấp cứu, thân nhân của những người bệnh đang tìm kiếm những chiếc giường còn trống, và bệnh nhân phải ngồi trên băng ghế trong hành lang bệnh viện và nằm trên sàn nhà vì thiếu giường.

Mẹ chồng đã cao tuổi của cô Yao đã ngã bệnh cách đây một tuần vì nhiễm virus Vũ Hán. Trước tiên, họ đến một bệnh viện địa phương, nơi chụp hình cho thấy dấu hiệu viêm phổi. Nhưng bệnh viện không thể xử lý các ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán. Họ bảo cô hãy tới bệnh viện lớn hơn ở các quận lân cận.

Khi vợ chồng cô lái xe từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, họ thấy tất cả các phòng đều chật kín. Bệnh viện Zhuozhou này đây, cách thị trấn nhà cô Yao một giờ lái xe, lại làm cô một lần nữa thất vọng.

Cô lao về phía quầy làm thủ tục, đi qua những chiếc xe lăn đang tấp nập di chuyển những bệnh nhân lớn tuổi, và để rồi, một lần nữa, nhận được thông báo rằng bệnh viện đã hết chỗ và cô sẽ phải đợi.

“Tôi cảm thấy rất gấp rồi,” Yao nói, rơm rớm nước mắt khi cô nắm chặt các bản chụp phổi từ bệnh viện địa phương. “Thời gian không còn nhiều nữa. Chúng tôi ra ngoài đã lâu, tôi rất sợ, và bà ấy đã khó thở.”

Trong hai ngày, các phóng viên của AP đã đến thăm 5 bệnh viện và 2 lò hỏa táng tại các thị trấn và thành phố nhỏ ở quận Bảo Định và Lang Phường, thuộc tỉnh Hà Bắc. Khu vực này là tâm điểm của một trong những đợt tái bùng phát đầu tiên của Trung Quốc sau khi nhà nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát virus Vũ Hán từ cuối tháng 11. Nhiều tuần liền, đường phố trở nên vắng vẻ khi mọi người ngã bệnh và ở nhà.

Đến nay, khá nhiều người đã hồi phục. Các khu chợ nhộn nhịp trở lại, thực khách tấp nập đến nhà hàng, và ô tô bấm còi inh ỏi trong dòng xe cộ ầm ĩ, bất chấp virus đang lan rộng ở các khu vực khác của Trung Quốc. Trong những ngày gần đây, các tiêu đề trên phương tiện truyền thông nhà nước cho biết khu vực này đang “bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường”.

Tuy nhiên, hoạt động ở các khu cấp cứu và lò hỏa táng ở trung tâm tỉnh Hà Bắc không hề bình thường. Ngay cả khi những người trẻ tuổi đã quay trở lại làm việc, và số lượng người xếp hàng tại các phòng khám đã bớt đi, thì nhiều người già ở Hà Bắc đang rơi vào tình trạng nguy kịch, và họ đang tràn ngập ở các ICU và nhà tang lễ.

Những gì diễn ra ở nơi đây, có thể là điềm báo về những gì sắp xảy đến với phần còn lại của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc chỉ báo cáo có 7 trường hợp tử vong do virus viêm phổi Vũ Hán kể từ khi các hạn chế được nới lỏng đáng kể vào ngày 7/12, nâng tổng số ca tử vong của cả nước lên 5.241. Hôm thứ Ba, một quan chức y tế Trung Quốc nói rằng Trung Quốc chỉ tính các trường hợp tử vong do viêm phổi hoặc suy hô hấp và bị nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán. Đó là định nghĩa hẹp và sẽ loại trừ nhiều trường hợp mà nếu ở những nơi khác thì vẫn được tính là do virus Vũ Hán gây ra.

Các chuyên gia đã dự đoán từ 1 triệu đến 2 triệu người sẽ chết ở Trung Quốc vào năm tới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng cách đếm của Bắc Kinh sẽ “làm thấp đi số người chết trên thực tế”.

Tại Bệnh viện số 2 Bảo Định, ở Trác Châu, hôm thứ Tư, bệnh nhân chật cứng hành lang của khu cấp cứu. Bệnh nhân được thở với sự trợ giúp của mặt nạ phòng độc. Một người phụ nữ đã khóc sau khi các bác sĩ nói với cô ấy rằng một người thân của bà đã qua đời.

ICU quá đông, xe cấp cứu đến cũng bị từ chối. Một nhân viên y tế hét vào mặt những người thân đang đưa một bệnh nhân ra khỏi xe cấp cứu đang đến.

“Không có oxy, cũng không có điện trong hành lang này!”, người thân nhân kêu lên. “Nếu ngay cả thở oxy cũng không có, làm sao có thể cứu người?”

“Nếu anh không muốn bất kỳ sự chậm trễ nào, hãy quay lại và nhanh chóng ra ngoài!”, cô ấy nói.

Người thân ra về, khiêng bệnh nhân trở lại xe cấp cứu. Xe rời đi, rồi đèn xe cấp cứu nhấp nháy xin đường.

Trong hai ngày lái xe trong khu vực, các nhà báo của AP đã gặp trên đường khoảng 30 xe cứu thương. Trên một đường cao tốc hướng về Bắc Kinh, hai xe cứu thương nối đuôi nhau, đèn nhấp nháy khi chiếc thứ ba chạy ngược chiều đi qua. Những người điều phối quá tải, và các quan chức thành phố Bắc Kinh báo cáo số cuộc gọi khẩn cấp tăng gấp sáu lần vào đầu tháng này.

Một số xe cứu thương đang hướng đến nhà tang lễ. Theo một nhân viên, tại nhà hỏa táng Trác Châu, các lò đốt phải cháy quá giờ và các công nhân phải vật lộn để đối phó với số người chết tăng đột biến trong tuần qua. Một nhân viên cửa hàng tang lễ gần đó ước tính có khoảng 20 đến 30 thi thể được thiêu mỗi ngày, tăng từ con số chỉ có 3 đến 4 thi thể trong thời vẫn còn zero-COVID.

“Người chết quá nhiều,” Zhao Yongsheng nhân viên cửa hàng đồ tang lễ gần bệnh viện địa phương cho biết. “Họ làm ngày làm đêm nhưng không thể đốt hết.”

Tại một lò hỏa táng ở Gaobeidian, cách Trác Châu khoảng 20 km về phía Nam, thi thể của một cụ bà 82 tuổi đã được đưa từ Bắc Kinh, cách đó hai giờ lái xe, vì các nhà tang lễ ở thủ đô của Trung Quốc đã chật kín người, theo cháu trai họ là Liang của người phụ nữ đó cho biết.

“Họ nói rằng chúng tôi phải đợi trong 10 ngày,” anh Liang nói, chỉ cho biết họ chứ không nói tên của mình vì vấn đề này đang nhạy cảm.

Anh Liang cho biết thêm, bà của Liang đã không được tiêm phòng khi bà xuất hiện các triệu chứng của virus Vũ Hán và đã trải qua những ngày cuối đời gắn liền với mặt nạ phòng độc trong ICU Bắc Kinh.

Hơn hai giờ tại nhà hỏa táng Gaobeidian hôm thứ Năm, các nhà báo của AP đã quan sát thấy ba xe cứu thương và hai xe van dỡ các thi thể. Khoảng một trăm người túm tụm thành từng nhóm, một số mặc trang phục tang màu trắng để tang theo truyền thống Trung Quốc. Họ đốt giấy tang và đốt pháo hoa.

“Có rất nhiều!”, một công nhân cho biết khi được hỏi về số người chết vì virus Vũ Hán, trước khi giám đốc tang lễ Ma Xiaowei bước vào và đưa các nhà báo đến gặp một quan chức chính quyền địa phương.

Khi quan chức này lắng nghe, ông Ma xác nhận có nhiều vụ hỏa táng hơn, nhưng nói rằng ông không biết liệu có liên quan đến virus viêm phổi Vũ Hán hay không. Ông ta đổ lỗi nguyên nhân người chết nhiều lên là vì cái lạnh của mùa Đông.

“Mỗi năm vào mùa này, có nhiều [người qua đời] hơn,” ông Ma nói. “Đại dịch chưa thực sự xuất hiện” theo con số thống kê người chết, khi viên chức lắng nghe và gật đầu.

Bất chấp khi bằng chứng và biểu hiện đặc trưng chỉ ra rằng một lượng lớn người dân đang bị nhiễm bệnh và tử vong, một số quan chức Hà Bắc vẫn phủ nhận đó là do tác động của virus viêm phổi Vũ Hán này.

“Không có cái gọi là bùng nổ về số ca bệnh, tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát,” Wang Ping, giám đốc hành chính của Bệnh viện Gaobeidian, phát biểu trước cổng chính của bệnh viện. “Số lượng bệnh nhân có giảm nhẹ.”

Ông Wang cho biết chỉ 1/6 trong số 600 giường bệnh của bệnh viện có người ở, nhưng từ chối và không cho phóng viên AP vào. Hai xe cứu thương đã đến bệnh viện trong quãng thời gian nửa giờ tiếp đó lúc các nhà báo AP có mặt, và một người thân của bệnh nhân nói với AP rằng họ không được vào khu cấp cứu của Gaobeidian vì nó đã đầy.

Cách thị trấn Baigou 30 km về phía Nam, bác sĩ khoa cấp cứu Sun Yana đã thẳng thắn, ngay cả khi các quan chức địa phương lắng nghe.

“Có nhiều người bị sốt hơn, số lượng bệnh nhân thực sự đã tăng lên,” cô Sun nói. Cô ngập ngừng, rồi nói thêm, “Tôi không thể nói rằng tôi có trở nên bận rộn hơn hay không. Khu cấp cứu của chúng tôi luôn bận rộn.”

Bệnh viện Hàng không Vũ trụ Khu vực Mới Baigou yên tĩnh và trật tự, với những chiếc giường trống và những hàng dài ngắn khi các y tá phun thuốc khử trùng. Nhân viên cho biết bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán được cách ly với những người khác để tránh lây nhiễm chéo. Nhưng họ nói thêm rằng các trường hợp nghiêm trọng đang được chuyển đến các bệnh viện ở các thành phố lớn hơn, vì thiết bị y tế hạn chế.

Việc thiếu năng lực ICU ở Baigou, nơi có khoảng 60.000 cư dân, cũng là phản ánh một vấn đề trên toàn quốc. Các chuyên gia cho biết nguồn lực y tế ở các làng và thị trấn của Trung Quốc, nơi sinh sống của khoảng 500 triệu người trong tổng số 1,4 tỷ người của Trung Quốc, kém xa so với các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Một số quận thiếu ICU có giường đơn.

Do đó, những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch buộc phải đến các thành phố lớn hơn để điều trị. Tại Bazhou, một thành phố cách Baigou 40 km về phía đông, hơn một trăm người đã chật kín khu cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân số 4 Lang Phường vào tối Thứ Năm.

Các lính canh đã làm việc để ngăn chặn đám đông khi mọi người chen lấn vào các vị trí. Khu chăm sóc không còn chỗ, bệnh nhân tràn ra hành lang và lối đi. Những người bệnh nằm dài trên mềm trải trên sàn khi nhân viên liên tục đẩy xe đẩy và máy thở qua lại. Trong một hành lang, nửa tá bệnh nhân thở khò khè trên những chiếc ghế kim loại khi các bình dưỡng khí bơm không khí vào mũi họ.

Bên ngoài phòng chụp CT, một người phụ nữ ngồi trên băng ghế thở thành tiếng khi nước mũi chảy ra từ lỗ mũi thành những mảnh khăn giấy nhàu nát. Một người đàn ông nằm dài trên cáng bên ngoài khu cấp cứu khi các nhân viên y tế dán điện cực vào ngực anh ta. Cạnh quầy làm thủ tục, một người phụ nữ ngồi trên ghế đẩu thở hổn hển khi một chàng trai nắm tay cô.

“Mọi người trong gia đình tôi đều mắc virus corona mới, thì chúng tôi có thể lấy thuốc gì,” một người đàn ông tại quầy hỏi, trong khi bốn người khác đằng sau anh ta đang cố gây chú ý đến nhân viên sau quầy.

Trong hành lang, một người đàn ông vừa đi vừa hét vào điện thoại di động.

“Số người bùng nổ rồi!”, anh ấy nói. “Không có cách nào, không thể đến đây điều trị đâu, đã có quá nhiều rồi.”

Không rõ có bao nhiêu bệnh nhân nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán.

Một số người chỉ có các triệu chứng nhẹ. Điều này nói lên một vấn đề khác. Như các chuyên gia cho biết: Người dân Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào bệnh viện hơn các nước khác. Ngụ ý rằng nguồn lực y tế khẩn cấp dễ bị quá tải hơn.

Trong hơn hai giờ, các nhà báo của AP đã chứng kiến ​​nửa tá xe cứu thương trở lên kéo đến ICU của bệnh viện và chở những bệnh nhân nguy kịch chạy nhanh đến các bệnh viện khác, cũng có những chiếc xe van mang theo hàng chục bệnh nhân mới.

Một chiếc xe van màu be tấp vào ICU và bấm còi tới tấp về phía xe cứu thương đang đợi. “Đi đi!”, người lái xe hét lên.

“Đi thôi đi thôi!”, một giọng nói hoảng sợ kêu lên. Năm người khiêng một người đàn ông quấn trong chăn ra khỏi thùng xe và vội vã đưa anh ta vào bệnh viện. Các nhân viên bảo vệ hét lên trong khu vực đông đúc: “Tránh đường, nhường đường!”

Người bảo vệ yêu cầu một bệnh nhân di chuyển sang chỗ khác, nhưng đã lùi trở ra khi bị một người họ hàng của bệnh nhân tỏ vẻ khó chịu với anh ta. Thế là người bệnh đang quấn trong chăn được đặt trên sàn, giữa các bác sĩ chạy tới chạy lui.

“Ông nội!”, một người phụ nữ khóc, cúi xuống bệnh nhân.

Các nhân viên y tế chạy vội tới cùng với máy thở. “Ai đó mở miệng ông cụ ra đi?”, có tiếng nói lớn.

Khi chiếc ống nhựa màu trắng được gắn lên mặt, người đàn ông bắt đầu thở dễ dàng hơn.

Những người khác thì không phải ai cũng may mắn như vậy. Những người thân xung quanh một chiếc giường khác bắt đầu rơi nước mắt khi sức sống của một người phụ nữ cao tuổi vuột qua rồi. Một người đàn ông kéo tấm vải để che mặt người phụ nữ, và những thân nhân khác đứng im lặng trước khi thi thể của bà bị đưa đi.

Không đầy vài phút, một bệnh nhân khác đã thế chỗ của bà.

Gần 250 triệu ca nhiễm COVID, chuyên gia: Tốc độ lây ở TQ kỷ lục chưa từng thấy

Nguồn tin từ Financial Times (FT) của Anh vào thứ Sáu (23/12) xác thực cuộc họp nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo đó có văn bản cho biết trong 20 ngày qua Trung Quốc có tới gần 250 triệu ca nhiễm COVID-19.

Thông tin trích dẫn hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói rằng phó giám đốc Sun Yang của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc đã tiết lộ con số ước tính nêu trên trong buổi họp vắn sức khỏe vào thứ Tư (21/12), và rằng chỉ riêng ngày thứ Ba (20/12) đã có 37 triệu người bị COVID-19, chiếm 2,6% tổng dân số Trung Quốc.

Bloomberg cho biết theo ước tính này của cơ quan y tế hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc, nếu đúng chỉ trong một ngày vào ngày 20/12 có gần 37 triệu người đã bị nhiễm COVID-19, thì cho đến nay Trung Quốc đang chịu thảm họa COVID-19 lớn nhất thế giới. Tỷ lệ lây nhiễm này lấn át kỷ lục khoảng 4 triệu ca trong một ngày được thiết lập vào tháng 1/2022. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, trong đợt nhiễm Omicron ban đầu xuất hiện ở Nam Phi, vào ngày 19/1/2022 số ca COVID-19 toàn cầu đạt mức cao nhất là 4 triệu ca.

Ngoài ra các quan chức ĐCSTQ vẫn đang che giấu dữ liệu. So với thống kê chính thức ngày 20/12 Trung Quốc chỉ có 3049 trường hợp COVID-19 thì thống kê nói trong buổi họp nội bộ là 37 triệu người, cao gấp nhiều lần so với con số công khai, thậm chí gấp nhiều lần so với kỷ lục thế giới hồi tháng 1.

“Quy mô và tốc độ lây lan của COVID-19 là chưa từng có”, chuyên gia Yanzhong Huang – thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại tổ chức tư vấn của Mỹ là Hội đồng Quan hệ Đối ngoại – đã tweet về đợt bùng phát COVID-19 mới nhất ở Trung Quốc.

Cựu Ủy viên FDA, Tiến sĩ Scott Gottlieb đã tweet: “Tất cả các dấu hiệu cho thấy tình hình thực tế ở Trung Quốc tồi tệ hơn nhiều so với các báo cáo chính thức của ĐCSTQ”.

Giáo sư và bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Johns Hopkins ở Mỹ là Marty Makar đã tweet rằng ông vừa nói chuyện với một bác sĩ ở Trung Quốc: “Họ hiện đang trải qua một đại nạn dịch bệnh mà không được kiểm soát gây quá tải các bệnh viện và dẫn đến số người chết không ngừng tăng cao (nhiều người trong số họ không được báo cáo)”. Ông cảnh báo, “Vấn đề đang lo ngại là các biến thể COVID-19 mới có thể xuất hiện do quy mô dân số cao và số lượng lớn các trường hợp nhiễm của Trung Quốc”.

Do vấn đề minh bạch thông tin dữ liệu về làn sóng bùng phát COVID-19 này của ĐCSTQ, Chính phủ Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công khai kêu gọi nhà chức trách Trung Quốc cần minh bạch hơn về mức độ nghiêm trọng của tình hình liên quan số ca bệnh, số ca nhập viện và các số liệu thống kê y tế khác đã được phổ biến rộng rãi ở các nước khác.

Thiên Đức (t/h)