Mới đây, hãng thông tấn AP và Viện Internet Oxford thuộc Đại học Oxford đã có báo cáo điều tra kéo dài 7 tháng, chỉ ra thực trạng gia tăng tài khoản của Trung Quốc trên Twitter được thúc đẩy bởi một đội quân hùng hậu tài khoản giả mạo. Những tài khoản đó tập trung truyền tải những thông điệp tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Động thái này cũng được coi là một mặt trận mới được Trung Quốc mở ra nhằm tạo đường định hướng dư luận toàn cầu.

Lưu Hiểu Minh
Ông Lưu Hiểu Minh (Ảnh chụp màn hình video BBC)

Báo cáo lấy trường hợp ông Lưu Hiểu Minh, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Anh làm ví dụ. Quan chức này hiện là Đại diện Đặc biệt của ĐCSTQ về vấn đề bán đảo Triều Tiên, năm ngoái ông từng bị phanh phui một vụ bê bối liên quan đến “chuyện phòng the”. Từ tháng 10/2019 khi tham gia Twitter, ông Lưu Hiểu Minh đã đẩy mạnh việc tạo dựng hình ảnh “sói chiến ngoại giao” của ĐCSTQ và thu hút được hơn 1,19 triệu người theo dõi, đưa bản thân mình thành hình mẫu của “ngoại giao sói chiến”. Từ tháng 6/2020 đến tháng 2/2021, số lần chia sẻ của số lượng lớn bài viết chế nhạo phương Tây đăng trên Twitter của ông Lưu Hiểu Minh đã lên đến hơn 43.000 lần.

Nhưng báo cáo điều tra chỉ ra, dù ông Lưu Hiểu Minh và một số nhà ngoại giao khác của ĐCSTQ có được số lượng lớn người theo dõi trên Twitter, tuy vậy không ít trong số đó là tài khoản giả. Điều tra phát hiện từ tháng Sáu năm ngoái đến tháng Một năm nay, trong số tài khoản Twitter thường xuyên chia sẻ các thông điệp của ông Lưu Hiểu Minh, có hơn một nửa số tài khoản đã bị đình chỉ hoạt động vì vi phạm nguyên tắc của Twitter. Ngoài ra, cũng khoảng thời gian đó, trong số tài khoản Twitter luôn chia sẻ thông điệp của 189 nhà ngoại giao ĐCSTQ, có gần 1/10 số tài khoản bị Twitter khóa hoạt động trước ngày 1/3.

Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến việc lan truyền tin tức về Trung Quốc. Sau khi hàng loạt tài khoản Twitter giả mạo bị vô hiệu hóa và xóa thì lại xuất hiện làn sóng tài khoản khác thậm chí giả danh công dân Anh và tiếp tục quảng bá các thông điệp của ĐCSTQ. Trước khi bị Twitter đình chỉ vĩnh viễn vào tháng trước, những tài khoản đó đã không ngừng tạo ra hơn 16.000 lượt chia sẻ.

Theo báo cáo, hãng tin AP và Viện Nghiên cứu Internet Oxford đã xác nhận 26.879 tài khoản đã bị khóa, trước khi bị khóa thì những tài khoản đó đã chia sẻ thành công gần 200.000 lượt thông điệp của các nhà ngoại giao hoặc phương tiện truyền thông ĐCSTQ. Trong số tài khoản Twitter chia sẻ thông điệp của một số lượng lớn tài khoản của giới ngoại giao ĐCSTQ, các tài khoản này chiếm một tỷ lệ đáng kể, có khi chiếm đến hơn một nửa số tài khoản Twitter.

Mặc dù trước đó Twitter và các nền tảng xã hội khác đã từng phát hiện ra những trường hợp tương tự nêu trên, nhưng báo cáo khảo sát của AP và Viện Internet Oxford là lần đầu tiên cho thấy hoạt động thúc đẩy quy mô lớn việc quảng bá và phổ biến thông điệp của ĐCSTQ. Hơn nữa, điều đó chứng tỏ mong muốn dẫn dắt dư luận của Bắc Kinh đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia và thể hiện các lợi ích chiến lược cốt lõi của nước này, chẳng hạn như các vấn đề liên quan Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương.

Hãng tin AP chỉ ra thực trạng giả mạo như vậy cũng giúp nâng cao thanh thế của ĐCSTQ, tạo ra ảo tưởng có rất nhiều người ủng hộ ĐCSTQ. Ngoài ra, chúng cũng có thể làm sai lệch thuật toán của nền tảng Twitter, khiến có thêm nhiều người dùng thật thấy được tuyên truyền của ĐCSTQ: “Mặc dù bản thân ảnh hưởng của một tài khoản giả là không lớn, nhưng theo thời gian và quy mô ngày càng mở rộng, loại mạng lưới có thể xuyên tạc thông tin đó đã thúc đẩy mạnh mẽ khả năng tiếp xúc và niềm tin vào những thông điệp của ĐCSTQ.”

Tuy nhiên, báo cáo cho biết không thể chắc chắn liệu các tài khoản đó có phải do ĐCSTQ hậu thuẫn hay không.

Twitter cũng trả lời AP rằng nhiều tài khoản đã bị khóa do hoạt động bất hợp pháp, nhưng từ chối cung cấp chi tiết về thực trạng vi phạm. Twitter cũng cho biết sẽ tiếp tục điều tra và xử lý các tài khoản vi phạm quy định hoạt động và tìm hiểu liệu các hoạt động đó có phải là hoạt động thông tin liên quan đến quốc gia hay không.

Văn Lệ, Vision Times

Xem thêm: