Công ty nghiên cứu Counterpoint Research công bố một báo cáo hôm thứ Tư (26/1) rằng thị phần của Apple Inc tại Trung Quốc đạt mức cao nhất lịch sử trong quý IV, trở thành nhà cung cấp điện thoại di động bán chạy nhất Trung Quốc 6 năm qua.

shutterstock 1854364705
Một cửa hàng Apple ở Thương Hải. (Nguồn: Robert Way/ Shutterstock)

Cột mốc này diễn ra chưa đầy nửa năm sau khi iPhone 13 ra mắt. Trong bối cảnh nhu cầu điện thoại di động đình trệ, và sự sụt giảm mạnh thị phần từ đối thủ chính là Huawei, Apple đã một lần nữa giành lại vị trí dẫn đầu về doanh số bán điện thoại thông minh tại Trung Quốc.

Theo Counterpoint, thị phần điện thoại thông minh của Apple đạt 23%, mức cao nhất từ ​​trước đến nay của thương hiệu này. Các lô hàng điện thoại thông minh của hãng tại Trung Quốc tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 50 triệu chiếc, trong khi doanh số bán hàng của Huawei giảm 73% so với cùng kỳ; tổng doanh số bán điện thoại thông minh tại Trung Quốc giảm 9%.

Trương Minh Minh, một nhà phân tích tại Counterpoint, tin rằng giá khởi điểm thấp của Apple ở Trung Quốc và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei vì lo ngại an ninh quốc gia, là một trong những yếu tố đằng sau vị thế dẫn đầu của Apple trong thị trường cao cấp.

Nhà phân tích Ivan Lam của Counterpoint chỉ ra rằng năm ngoái các thương hiệu Trung Quốc khác như Xiaomi, Oppo và Vivo đã kém thành công hơn trong việc thâm nhập thị trường cao cấp.

Theo thống kê của Counterpoint, thị phần điện thoại Apple tại Trung Quốc trong tháng 10/2021 đạt 22%. Trong khi đó, thị phần của Vivo, Oppo, Huawei (gồm cả Honor) lần lượt là 20%, 18% và 8%.

Tờ “Financial Times” báo cáo rằng doanh số bán hàng trong quý 4 của Apple tăng trưởng đến từ sự ra mắt của iPhone 13 với giá cả phải chăng hơn. Nhìn chung vào năm 2021, Apple chiếm 16% thị phần tại Trung Quốc.

Theo dữ liệu của Reuters, lần cuối cùng Apple trở thành thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất Trung Quốc là vào cuối năm 2015, ngay sau khi công ty ra mắt iPhone 6, sản phẩm này đã thu hút người tiêu dùng Trung Quốc nhờ màn hình lớn.

Do người tiêu dùng trì hoãn việc mua thiết bị mới, nên chu kỳ nâng cấp kéo dài đã tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc đang tìm cách duy trì tốc độ tăng trưởng trên sân nhà.

Trong khi đó, sự thiếu hụt chip và linh kiện trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp điện tử, ảnh hưởng đến giá cả và biên lợi nhuận của tất cả các nhà sản xuất phần cứng.

Canalys phân tích nguyên nhân cuối cùng giúp Apple có quý khả quan trong bối cảnh khó khăn về chuỗi cung ứng và thiếu hụt chip toàn cầu chính là hãng ít bị ảnh hưởng nhất bởi chuỗi cung ứng toàn cầu do chủ động về nguồn cung từ trước.

Đối tác lớn nhất của Apple chuyên lắp ráp iPhone là Foxconn mới đây tuyên bố thưởng cho lao động trở lại làm việc số tiền 1.470 USD, bên cạnh lương cơ bản hàng tháng là 1.080 USD. Đây là động thái để duy trì và tăng sản lượng iPhone đáp ứng các đơn đặt hàng của Apple. Khu phức hợp tại Trịnh Châu với hơn 250.000 nhân công đóng vai trò quan trọng với chuỗi cung ứng của Apple.

Nhà phân tích cấp cao Varun Mishra cho biết thêm: “Nhìn chung, thị trường Trung Quốc đã chậm lại trong suốt cả năm và sự tăng trưởng của Apple là một dấu hiệu tích cực. Nó chỉ ra rằng người dùng điện thoại thông minh Trung Quốc đang bắt đầu tập trung nhiều hơn đến các thiết bị cao cấp, và đây là cơ hội tốt cho các thương hiệu.”

Bình Minh (t/h)

Xem thêm: