Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc với 26 triệu dân, đã bắt đầu kế hoạch chia đôi thành phố để tiến hành phong tỏa trong 2 giai đoạn. Nửa phía Đông phong tỏa từ thứ 2 đến thứ 6, sau đó đến nửa phía Tây. Trong khi một nửa sẽ đi vào xét nghiệm COVID hàng loạt, nửa kia được hoạt động tương đối “bình thường”.

Hiện tại, chính quyền Thượng Hải lấy sông Hoàng Phố để phân định ranh giới Đông, Tây trong quá trình áp lệnh phong tỏa. Công an sẽ đóng cửa các cây cầu, hầm đường bộ qua sông và các trạm thu phí đường cao tốc phía đông thành phố.

Công ty xe điện Tesla sẽ phải tạm ngừng sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải trong 4 ngày. Disneyland Thượng Hải đã tạm thời đóng cửa vào thứ Hai tuần trước.

Trước đó giới chức Thượng Hải đã kiểm soát các đợt bùng phát virus Vũ Hán nhỏ hơn với việc phong tỏa cục bộ các khu nhà ở và nơi làm việc. Đợt phong tỏa mới sẽ có quy mô lớn nhất Trung Quốc từ trước đến nay.

Virus gây bệnh COVID-19 (virus SARS-CoV-2, virus CCP) được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Chính quyền Vũ Hán đã phong tỏa, giam giữ 11 triệu người dân thành phố ở trong nhà của họ, trong suốt 76 ngày đầu năm 2020, dẫn đến nhiều bi kịch.

Việc phong tỏa Thượng Hải hiện tại, được chính quyền thông báo vào tối Chủ Nhật, đã làm dấy lên sự hoảng loạn mua sắm và tích trữ thực phẩm. Cảnh sát quận Tĩnh An đã bắt hai người đàn ông sau khi ẩu đả tại một khu chợ hôm thứ Hai.

Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, loạt các kệ hàng tại siêu thị trống trơn. Người dân ùn ùn xô đẩy, thậm chí tranh cướp, ẩu đả trong khi chờ thanh toán. Một số người còn khoe trên mạng xã hội về lượng lớn rau củ, thực phẩm đã tích trữ được trong nhà.

“Người chưa bị phong tỏa thì đánh nhau để giành thực phẩm, người khác thì thức canh cả đêm để đặt đồ ăn qua ứng dụng”, một cư dân Thượng Hải viết trên Weibo.

Zoe Luo, một nhân viên kế toán sống ở khu Sanlin của Phố Đông Thượng Hải, cho biết khu dân cư của cô đã bị khóa từ hôm thứ Tư vì được coi là khu vực “có nguy cơ cao”.

“Tôi đã dự trữ khoảng năm ngày thực phẩm và nghĩ rằng như vậy là đủ, nhưng tôi bắt đầu lo lắng khi các quy định hạn chế vẫn được áp dụng [vào Chủ nhật]. Tôi đã thử đặt đồ ăn trực tuyến trên ba ứng dụng nhưng tất cả đều đã được đặt hết ”, Luo, sống với con gái tuổi teen và mẹ chồng 69 tuổi, cho biết.

Việc phong tỏa Thượng Hải tuân theo mô hình tương tự như ở Thâm Quyến, Quảng Đông. Các biện pháp Zero-COVID cực đoan khắc nghiệt tại Thâm Quyến trước đó đã dẫn đến một cuộc biểu tình lớn ngày 21/3. Người dân hò hét và đập phá các trạm kiểm soát chống dịch, đồng thời tố cáo cơ quan chức năng giấu nhẹm tình huống bi đát có người chết thối rữa trong khu phong tỏa.

Trong bối cảnh cả thế giới đang dần trở lại bình thường, chọn “sống chung” với dịch bệnh, chế độ ĐCSTQ vẫn “kiên trì” theo đuổi chính sách Zero-Covid. Hàng chục triệu người dân Trung Quốc đang phải sống dưới áp lực nhiều tầng lớp: xét nghiệm liên tục, tiêm vắc xin [nội địa] tăng cường, khử trùng, phong tỏa, bị bỏ đói trong khu phong tỏa, quét mã QR y tế xác nhận mã màu xanh, mất việc làm, tổn thương tinh thần, và sống trong các trại cách ly với chi phí đắt đỏ…

Tuy vậy, giới chức Trung Quốc tin rằng “lợi ích” mà Zero-Covid mang lại “nhiều hơn là cái giá phải trả”. Dưới tuyên truyền của chính phủ, dường như với nhiều người Trung Quốc, COVID vẫn là thứ gì đó cực kỳ đáng sợ.

South China Morning Post dẫn lời cô Andreea, một giáo viên mầm non người Anh xa xứ, nói rằng:

“Khi tôi kể với những người [Trung Quốc] xung quanh rằng hầu hết tất cả bạn bè của tôi ở châu Âu đều đã nhiễm virus [Vũ Hán], tôi thấy rõ sự kinh hoàng trên khuôn mặt của họ”, giáo viên đã sống tại Thượng Hải 8 năm cho biết.

Thượng Hải báo cáo 3.500 trường hợp lây nhiễm mới tại địa phương trong ngày thứ Hai, hầu hết đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Phong Vân (t/h)