Sau cuộc họp giữa Trưởng đặc khu Hồng Kông và 43 nghị sĩ, đại biểu Hồng Kông tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc lúc 4 giờ chiều hôm nay, bà Carrie Lam chính thức tuyên bố rút Dự luật dẫn độ, đáp ứng một trong số năm yêu cầu của người biểu tình.

rut luat dan do
Bà Carrie Lam chính thức tuyên bố rút dự luật dẫn độ, đáp ứng một trong số năm yêu cầu của người biểu tình. (Ảnh chụp màn hình video)

Trong bối cảnh Dự luật dẫn độ không ngừng gây tranh cãi, trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam bất ngờ kêu gọi các thành viên của Hội đồng điều hành Nhậm Chí Cương, Hiệp Lưu Thục Nghi, Lý Quốc Chương; Chủ tịch Hội đồng lập pháp Lương Quân Ngạn; ủy viên Hội đồng Lập pháp Lương Mỹ Phân; Ủy viên thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị toàn quốc Trần Phùng Phú Trân; Phó Chủ tịch Ủy ban Pháp luật cơ bản Đàm Huệ Châu cùng nhiều quan chức đầu ngành khác đến tham dự hội nghị tại Tòa nhà chính phủ Hồng Kông vào lúc 3:30 chiều.

Vào khoảng 5:47 chiều, bà Carrie Lam đã có bài phát biểu trước người dân Hồng Kông và chính thức tuyên bố rút Luật dẫn độ. Bà cũng nói rằng người đứng đầu cơ quan an ninh sẽ thực hiện quyết định này theo Quy tắc Tố tụng khi Hội đồng Lập pháp làm việc trở lại.

Đồng thời, bà Carrie Lam cũng đề xuất bốn hành động lớn, trong đó có việc bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Giáo dục Dư Lê Thanh Bình, cựu Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Lâm Định Quốc tham gia Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC).

Bà Lam còn đề nghị bắt đầu từ tháng này, bà và các quan chức đầu ngành sẽ tiếp cận đối thoại với công chúng, để người dân từ các giai tầng, bối cảnh và lập trường khác nhau có thể trực tiếp bày tỏ sự bất mãn của họ, từ đó hai bên cùng tìm ra biện pháp giải quyết. Bà cũng sẽ mời các lãnh đạo cộng đồng, chuyên gia và học giả độc lập cùng đánh giá, xem xét các vấn đề xã hội và tư vấn cho chính quyền thành phố tìm ra giải pháp.

Về yêu cầu hủy cáo buộc và không truy tố những người biểu tình, bạo loạn, bà Lam nói rằng điều này trái với quy định của pháp luật và không được chấp nhận. Bà nhấn mạnh điều đó đi ngược lại Luật Cơ bản, trong đó quy định các vụ truy tố hình sự phải được cơ quan tư pháp xử lý mà không có bất kỳ sự can thiệp nào.

Còn về vấn đề thực hiện quyền bầu cử phổ thông ở Hồng Kông, bà Lam nói đây cũng là mục đích cuối cùng của Luật Cơ bản, các cuộc thảo luận phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý và trong hoàn cảnh tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, không làm xã hội phân cực hơn nữa.

Như vậy, với năm yêu cầu của người biểu tình, chính phủ Hồng Kông mới chỉ đáp ứng việc rút Dự luật dẫn độ. Trước tuyên bố của bà Carrie Lam, nhiều người biểu tình tỏ ra không hài lòng, cho rằng nhà chức trách phải thực hiện tất cả các yêu cầu của họ, trong đó có yêu cầu bà Lam phải từ chức.

Minh Ngọc

Xem thêm: