Gần hai triệu người Hồng Kông, phần lớn trong trang phục màu đen, đã tràn xuống đường phố trung tâm tài chính Châu Á vào chiều 16/6, kêu gọi chính quyền phải rút hoàn toàn dự luật dẫn độ gây tranh cãi và Trưởng Đặc khu Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) phải từ chức. Khoảng sáu giờ từ sau khi cuộc biểu tình bắt đầu, chính quyền Đặc khu đã phát thông báo xin lỗi người dân của bà Carrie Lam, nhưng lãnh đạo thân Bắc Kinh vẫn quyết không từ chức và không hủy bỏ luật dẫn độ.

Embed from Getty Images

Theo những người tổ chức cuộc biểu tình, có khoảng gần 2 triệu người đã xuống đường vào chiều và tối 16/6, biến đây trở thành cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử Hồng Kông. Tuy nhiên, cảnh sát nói rằng cuộc biểu tình có khoảng 338.000 người tham gia vào lúc cao điểm nhất. Cảnh sát chỉ đếm những người biểu tình tuần hành trên các tuyến phố đã được giới chức đồng ý từ trước. Cuộc biểu tình bắt đầu từ 15h00 và kết thúc vào khoảng 23h00 ngày 16/6.

Trưởng Đặc khu xin lỗi, không từ chức

Vào cuối ngày 16/6, khoảng 6 giờ sau khi cuộc biểu tình bắt đầu, chính quyền Đặc khu đã phát đi thông báo xin lỗi người dân của bà Carrie Lam. Đây là lần đầu tiên chính quyền Hồng Kông xin lỗi công chúng liên quan tới luật dẫn độ gây tranh cãi.

Tuyên bố của chính quyền viết: “Trưởng Đặc khu xác nhận rằng đối đầu và xung đột quy mô lớn đã diễn ra tại xã hội Hồng Kông vì sự yếu kém trong công việc của chính quyền, khiến cho nhiều người dân buồn và thất vọng. Trưởng Đặc khu xin lỗi công chúng và hứa rằng bà sẽ chấp nhận chỉ trích một cách chân thành và khiêm tốn nhất.”

Tuy nhiên, những người phản đối dự luật đã không thỏa mãn với lời xin lỗi này.

Nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Au Nok-hin nói với Hong Kong Free Press: “Mọi người sẽ không chấp nhận nó trừ khi có một sự hủy bỏ dự luật rõ ràng.”

Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF), một trong các đơn vị tổ chức biểu tình, đăng lên Facebook của nhóm này bác bỏ lời xin lỗi của bà Lam, nói rằng lời hứa của bà ta về việc tiếp tục phục vụ nhân dân Hồng Kông là “một sự xúc phạm nặng nề” và là nỗ lực để “lừa gạt người dân đã xuống phố.”

CHRF cũng thông báo về một cuộc tập trung “ba đình chỉ” khác vào ngày 17/6, khuyến khích mọi người dừng làm việc, học tập và kinh doanh để yêu cầu hủy bỏ dự luật dẫn độ hoàn toàn.

Ngoài ra, CHRF cũng kêu gọi chính quyền thả tự do cho những người biểu tình bị bắt giữ và đề nghị bà Lam, cùng cảnh sát phải rút lại việc họ đã gọi những người biểu tình hôm 12/6 là “những kẻ bạo động”, và bà Lam phải từ chức.

Trong tuyên bố của mình, CHRF nhấn mạnh: “Nếu chính quyền từ chối yêu cầu, nhiều người Hồng Kông hơn nữa sẽ đình công vào ngày mai. 2 triệu + 1 công dân sẽ xuống phố cho tới khi tiếng nói của họ được lắng nghe”.

Kêu gọi bà Carrie Lam từ chức

Embed from Getty Images

Hàng triệu người Hồng Kông đã tuần hành từ Công viên Victoria tới trụ sở chính quyền Đặc khu, khoảng 1,9 dặm, bắt đầu từ 15h00 và chính thức kết thúc vào khoảng 23h00 ngày 16/6.

Một số người đã mang theo hoa trắng và cầm các tấm bảng ghi: “Đừng bắn, chúng tôi là người Hồng Kông”, phản kháng lại việc cảnh sát đã bắn đạn cao su và khí ga vào người biểu tình hôm 12/6, khiến ít nhất 80 người bị thương.

Những người biểu tình đã tạo thành biển người mặc đồ đen dọc theo các tuyến đường, lối đi và nhà ga xe lửa khắp trung tâm tài chính Hồng Kông, để trút sự bực bội và tức giận của họ vào bà Carrie Lam.

“Tôi cực kỳ tức giận vì bà Carrie Lam đã không lắng nghe chúng tôi, một triệu người Hồng Kông,” một người biểu tình xưng tên Yau nói với tờ The Epoch Times Hồng Kông.

Yau tham gia biểu tình cùng chồng và hai con trai sinh đôi mới 6 tuổi, nói rằng bà tham gia biểu tình một phần vì những đứa trẻ.

“Tôi không muốn con tôi không có tự do tại Hồng Kông. Là một người Hồng Kông, tôi cảm thấy rất đau khổ [vì những gì đang diễn ra].”

Một người biểu tình khác xưng tên Mak, tham gia tuần hành cùng với vợ và con gái 14 tuổi và con trai 20 tuổi, nói: “Hồng Kông là quê hương chúng tôi, và chúng tôi chăm sóc ngôi nhà của mình. Luật dẫn độ sẽ ảnh hưởng tới tự do ngôn luận của chúng tôi. Không có tự do ngôn luận, chúng tôi sẽ mất quyền giám sát [giới chức], và Hồng Kông sẽ tiếp tục thụt lùi.”

“Tại Trung Quốc Đại lục, mọi người không được bảo vệ vì không có pháp trị. Những nỗ lực của sinh viên trong các cuộc biểu tình không chỉ cho bản thân họ, mà còn cho tất cả người Hồng Kông,” vợ của ông Mak nói thêm.

Những tiếng reo hò vang lên khi các nhà hoạt động phát loa kêu gọi bà Lam từ chức và các tiếng hét “từ chức” vang vọng khắp các tuyến phố.

Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 15/6, bà Carrie Lam đã né tránh các câu hỏi về việc liệu bà sẽ rút lui.

Khi một phóng viên hỏi thẳng bà Lam rằng tại sao bà không từ chức sau khi có biểu tình quy mô lớn và bạo lực cảnh sát, bà trả lời: “Tôi đã làm công chức gần 40 năm. Tôi coi đó là niềm tự hào của mình và tôi vẫn có nhiều việc làm cho Hồng Kông mà tôi hy vọng sẽ làm được.”

Phản ứng của quốc tế

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 16/6 đã nói rằng Tổng thống Donald Trump sẽ dấy lên vấn đề nhân quyền Hồng Kông tại cuộc họp dự kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản vào cuối tháng này.

Trả lời phỏng vấn “Fox News Sunday”, ông Pompeo nói rằng ông chắc chắn cuộc biểu tình Hồng Kông sẽ là một trong những vấn đề mà ông Trump và ông Tập sẽ thảo luận.

“Chúng tôi đang quan sát người dân Hồng Kông nói lên những điều họ coi trọng, và chúng tôi sẽ xem quyết định của bà Lam là gì trong những ngày và những tuần tới,” ông Pompeo nói.

Tuần trước, các nhà lập pháp Mỹ đã tái giới thiệu một dự luật ra Quốc hội, trong đó yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải đánh giá hàng năm xem liệu Hồng Kông có tiếp tục được nhận đặc quyền thương mại theo Đạo luật Chính sách Mỹ – Hồng Kông 1992 hay không.

Trong ngày 16/6, tại Đài Loan, cũng có khoảng 5000 người tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội tại Đài Bắc mang theo các băng-rôn ghi: “Nói Không với luật dẫn độ sang Trung Quốc” và “Đài Loan ủng hộ Hồng Kông”.

Xuân Thành (Theo Reuters, The Epoch Times, SCMP)

Xem thêm: