Truyền thông Hồng Kông tiết lộ, cuối tháng 8 năm nay, ông John Thornton, cựu Chủ tịch Tập đoàn Goldman Sachs, đã có chuyến thăm thân thiết tới Bắc Kinh và gặp gỡ ông Hàn Chính. Ông Thornton là người đóng vai trò truyền tải thông tin và lập trường chính sách, giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Nhờ sự xoay chuyển của ông trùm Phố Wall này, vài tuần sau đó, bà Mạnh Vãn Châu mới được trả tự do.

Mạnh vãn châu
Bà Mạnh Vãn Châu của Tập đoàn Huawei bị cáo buộc tội lừa đảo. Hai người Canada bị Trung Quốc cáo buộc là gián điệp và bị bỏ tù. Tất cả đều được thả tự do và trở về nước. (Ảnh chụp màn hình video bà Mạnh phát biểu sau khi được thả tại Canada)

Ông trùm Phố Wall bí mật đến Trung Quốc gặp Hàn Chính

Một báo cáo độc quyền trên tờ “Nam Hoa Tảo Báo” của Hồng Kông ngày 27/9, đã được nhiều kênh truyền thông đăng lại. Báo cáo dẫn các nguồn tin cho biết, cuối tháng 8 năm nay, ông John Thornton, cựu Chủ tịch Tập đoàn Goldman Sachs, đã đến thăm Bắc Kinh. Ông trở thành khách mời danh dự tại Trung Nam Hải, đóng vai trò truyền tải thông tin và lập trường chính sách giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ông trùm Phố Wall này đã gặp gỡ ông Hàn Chính, Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kiêm Phó Thủ tướng. Cuộc hội đàm giữa hai bên không chỉ đề cập đến việc của bà Mạnh Vãn Châu, mà còn thảo luận về các vấn đề chính như biến đổi khí hậu, Tân Cương và việc nối lại các cuộc đàm phán song phương.

Trong cuộc gặp giữa ông Thornton và ông Hàn Chính, khi thảo luận về vụ Mạnh Vãn Châu, Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ rút lại yêu cầu dẫn độ. Tuy nhiên, điều bất ngờ là, công tố viên Mỹ đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận hoãn truy tố với Mạnh Vãn Châu, và cho phép bà về nước suôn sẻ.

Theo Nam Hoa Tảo Báo (SCMP), sau khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, hầu hết người nước ngoài đều bị Trung Quốc từ chối nhập cảnh. Trong khi đó lại được phá cách cấp đặc quyền nhập cảnh cho ông Thornton. Ông Thornton là một trong số rất ít người nước ngoài có thể gặp gỡ các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh trong thời gian này.

Theo báo cáo, với tư cách là một ông trùm Phố Wall, chuyến thăm của ông Thornton được so sánh với chuyến thăm bí mật của ông Henry Kissinger tới Trung Quốc năm 1971. Các báo cáo trước đây đều liên hệ ông Thornton với ông Vương Kỳ Sơn và ông Lưu Hạc.

Nam Hoa Tảo Báo cũng tiết lộ rằng, sau khi ông Biden nhậm chức, cuối tháng Một năm nay, ông Thornton đã tới Trung Quốc. Trong thời gian này, ông đã gặp ông Vương Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch Trung Quốc, người có mối quan hệ mật thiết với Phố Wall, nhằm chuẩn bị cho cục diện thương mại mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông Thornton cũng đã gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, gồm ông Lưu Hạc – Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì – Giám đốc Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương ĐCSTQ.

Nam Hoa Tảo Báo đưa tin, ông Thornton đã bị mắc kẹt tại Thượng Hải trong 3 tuần. Theo tin tức từ các cơ quan ban ngành liên quan của Trung Quốc, ngày 23/8, ông Hoàng Nhuận Thu, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc, đã có cuộc gặp tại Bắc Kinh với ông John Thornton – Chủ tịch danh dự Viện Brookings của Hoa Kỳ.

Sáng ngày 24/8, ông Khâu Dũng, Chủ tịch Đại học Thanh Hoa, cũng có cuộc gặp với đoàn của ông John Thornton. Ngày 28/8, ông Thornton lại gặp ông Trịnh Tất Kiên, Chủ tịch Viện Chiến lược Phát triển và Đổi mới Quốc gia, người từng được mệnh danh là “Người thầy quốc dân” tại Bắc Kinh.

Ông Hàn Chính phụ trách các vấn đề của Hoa Kỳ?

Tờ “Ming Pao” (Minh Báo) của Hồng Kông đã phân tích điều này và chỉ ra rằng báo cáo của SCMP có 2 điểm đáng chú ý.

Đầu tiên là ông Hàn Chính dường như là quan chức ĐCSTQ phụ trách các vấn đề Trung-Mỹ.

Ming Pao tin rằng ông Thornton và ông Hàn Chính đã thảo luận không chỉ các vấn đề khí hậu, mà còn có nhiều vấn đề như Tân Cương và các mối quan hệ Trung-Mỹ khác. Điều này cho thấy, dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Hàn Chính dường như là quan chức cao nhất của chính quyền trung ương, phụ trách các vấn đề đối ngoại với Hoa Kỳ. Ông John Kerry, Đặc phái viên Khí hậu của ông Biden, đã đến thăm Trung Quốc 2 lần. Trong video gặp mặt, nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc có mặt cũng chính là ông Hàn Chính. Sự xuất hiện này dường như xác nhận suy luận trên.

Ngoài ra, điểm thứ hai trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Thornton đáng được chú ý là, ông Thornton đã nói với ông Hàn Chính, ông ấy tin rằng ông Kerry không chỉ là nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Mỹ, mà còn là nhân vật chủ chốt trong toàn bộ mối quan hệ Mỹ – Trung.

Ming Pao tin rằng nếu đúng như vậy, thì điều này có nghĩa là chính quyền Biden sẽ bỏ qua Ngoại trưởng Antony Blinken và ông Kurt Campbell – Giám đốc các vấn đề châu Á. Đồng thời, ông Kerry sẽ có quyền tiếp cận trực tiếp với Bắc Kinh.

Một số nhà phân tích cho rằng nếu phân tích của Ming Pao được xác nhận, điều này dường như cho thấy phạm vi quyền lực của ông Hàn Chính đã được mở rộng. Hơn nữa, ông Hàn Chính cũng đã tích lũy được những thành tựu chính trị cho mình trước “Đại hội toàn quốc lần thứ 20”.

Trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, ông Lý Khắc Cường sẽ từ chức Thủ tướng. Trước đó có tin đồn chưa được xác thực, Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đã đề xuất rằng họ có thể ủng hộ việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử. Tuy nhiên, một trong những điều kiện là Phó Thủ tướng Hàn Chính, người được xếp hạng nhất, sẽ được thăng chức Thủ tướng Quốc vụ viện.

Ngoài ra, Dwnews.com, một công ty tuyên truyền đối ngoại lớn, có nền tảng phe Giang, đã phân tích rằng từ những năm 1980 đến nay, các thủ tướng kế nhiệm của Trung Quốc đã được thay thế bởi các phó thủ tướng. Do đó, trong số các phó thủ tướng đương nhiệm, ông Hàn Chính và ông Hồ Xuân Hoa trẻ hơn, sẽ là những người có khả năng kế nhiệm cao hơn.

Hàn Chính thị sát Huawei Thâm Quyến, Nhậm Chính Phi xuất hiện tháp tùng

Theo Tân Hoa xã của ĐCSTQ, ngày 18/9, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đã đến Thâm Quyến, Quảng Đông thị sát và điều tra. Đi cùng có ông Lý Hi – Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông và ông Hạ Bảo Long – Giám đốc Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macao của Quốc vụ viện.

Ngày 20/9, ông Hàn Chính đã thị sát Công ty Công nghệ Huawei Thâm Quyến. Ông Hàn Chính bày tỏ ủng hộ đối với sự đổi mới và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân. Ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei, đã tháp tùng và giới thiệu tình hình liên quan.

Nhìn lại chặng đường 2 năm qua của Huawei, có thể thấy chặng đường này đầy thăng trầm. Ông Nhậm Chính Phi nói rằng trong 2 năm qua, khi Huawei bị Mỹ đàn áp, chính sách nhân sự của công ty chưa bao giờ thay đổi, việc trả lương và thưởng vẫn diễn ra bình thường. Huawei đã ứng phó được trước sự hỗn loạn và khủng hoảng từ 2 năm trước, và hình thành nên thế trận ngày nay.

Miêu Vi / Vision Times

Xem thêm: