Trong chuyến thăm ngày 25/4 tới một trong những trường đại học danh tiếng nhất của Trung Quốc, Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, để xây dựng một trường đại học đẳng cấp thế giới với những nét đặc sắc của Trung Quốc, “chúng ta không thể đi theo bước chân của người khác”. Ngay sau đó, ngày 6/5, Đại học Nhân dân thông báo sẽ không tiếp tục cung cấp dữ liệu cho các tổ chức quốc tế liên quan để tham gia vào bảng xếp hạng đại học trên thế giới.

Embed from Getty Images

Sinh viên Đại học Nhân dân Trung Quốc tuyên thệ trong lễ tốt nghiệp tại khuôn viên của trường vào ngày 30/6/2020 ở Bắc Kinh (Ảnh minh họa: Getty Images)

Trước đó, Đại học Nam Kinh của Trung Quốc và Đại học Lan Châu, cũng được coi là những trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc, đã tuyên bố rút khỏi hệ thống xếp hạng đại học quốc tế. Các nhà phân tích nhìn nhận, đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc ngày càng tách rời khỏi phương Tây dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Mặc dù nổi tiếng là một trường đại học khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu ở Trung Quốc, nhưng Đại học Nhân dân vẫn kém xa so với nhiều trường đại học Trung Quốc khác trong bảng xếp hạng quốc tế. Theo Bảng Xếp hạng Đại học Thế giới hàng năm Quacquarelli Symonds (QS) có trụ sở tại Vương quốc Anh, năm 2022 Đại học Nhân dân được xếp hạng 601 trên toàn cầu, Đại học Nam Kinh xếp hạng 131 và Đại học Lan Châu xếp hạng 751. Cả ba trường này đều được ĐCSTQ xếp hạng “Đại học Song nhất lưu” (đại học hàng đầu thế giới và ngành học hàng đầu thế giới).

Dự án “Đại học song nhất lưu” do ĐCSTQ khởi xướng vào năm 2015, nhằm mục đích phát triển toàn diện các trường đại học ưu tú của Trung Quốc thành các tổ chức đẳng cấp thế giới vào cuối năm 2050.

Ông Xia, một cựu giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, nói với Đài Á Châu Tự do rằng các thông báo của ba trường đại học đã phản ánh ý tưởng của ông Tập Cận Bình về tách biệt hơn nữa khỏi phương Tây.

Theo giáo sư Xia, ông Tập nhấn mạnh, các trường đại học Trung Quốc nên “kế thừa gen đỏ” ​​và “đi theo đảng” trong bài diễn văn của mình tại Đại học Nhân dân.

“Điều đó có nghĩa là, cho dù những nhân tài được trường đại học đào tạo tốt đến đâu, nếu họ không phụng sự ĐCSTQ và giúp ĐCSTQ đạt được mục tiêu của mình, thì những tài năng đó đều vô nghĩa,” ông Xia cho hay.

Ông Frank Xie, giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, trao đổi với kênh truyền thông NTD rằng, ông đánh giá kế hoạch của ĐCSTQ là một phần trong mục tiêu lớn hơn của họ là “tách Trung Quốc khỏi phần còn lại của thế giới”.

Ông Xie nhận định, các thông báo rút lui này hoàn toàn là làm theo lệnh của giới chức ĐCSTQ, bởi bản thân các tổ chức này ở Trung Quốc không có quyền tự chủ như vậy. Ông dự đoán, sẽ còn có nhiều trường đại học khác ở Trung Quốc rút khỏi bảng xếp hạng quốc tế và cuối cùng, có thể chỉ còn lại một số trường đại học hàng đầu của Trung Quốc trong hệ thống xếp hạng toàn cầu.

Nhà bình luận về vấn đề thời sự Qin Peng lưu ý với NTD, Đại học Nhân dân đặc biệt ở chỗ đây chính là trường đại học chính quy đầu tiên do ĐCSTQ thành lập. “Đó là một trường đảng của ĐCSTQ dành riêng cho giới trí thức trẻ. Chủ nghĩa Marx-Lenin là một trong những môn học chính được giảng dạy tại Đại học Nhân dân,” ông khẳng định.

Đại học Nhân dân mang ý nghĩa là “trường đại học của nhân dân”. Trường này bắt nguồn từ Trường Công lập Thiểm Bắc, được ĐCSTQ thành lập vào năm 1937 nhằm “giáo dục hàng trăm nghìn đồng chí cách mạng”.

Sau khi ĐCSTQ giành được chính quyền, một số học viện đã được hợp nhất để tạo thành Đại học Nhân dân Trung Quốc vào năm 1950.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)