Lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với việc xuất khẩu các chip trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu sang Trung Quốc đã ngăn chặn sự phát triển trong công tác giám sát AI của chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, để việc nhận diện khuôn mặt không có góc chết, người dân thường bị dụ dỗ “bán khuôn mặt” của mình.

nhận diện khuôn mặt
Để có thể nhận diện khuôn mặt không góc chết, Bắc Kinh đã dụ người dân “bán khuôn mặt của mình”. (Ảnh cắt từ video của France24)

Có thông tin cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang xây dựng một phiên bản nâng cấp của hệ thống giám sát khuôn mặt. Để việc nhận dạng khuôn mặt không có góc chết, họ sẽ dụ mọi người bán khuôn mặt của mình bằng những món quà nhỏ như dầu ăn.

Bắc Kinh thu thập các bức ảnh có khuôn mặt biểu cảm khác nhau, gồm cả khi bị che khuất một phần hoặc đeo kính, nhằm đào tạo các thuật toán phức tạp và trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như thiết lập nhận dạng khuôn mặt một cách chính xác, cho phép cảnh sát xác định, phân loại và theo dõi mọi công dân Trung Quốc một cách thuận lợi.

Ngày 4/9, tờ Sydney Morning Herald đăng một phóng sự điều tra của cô Cate Cadell, phóng viên tờ “Washington Post”. Bài viết nói rằng Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc kiểm duyệt Internet rất nghiêm ngặt. Sau này, thông qua hệ thống tên thật, thẻ SIM điện thoại di động được kết hợp với ID, để loại bỏ vấn đề ẩn danh trực tuyến.

Dữ liệu lớn và AI được sử dụng để theo dõi dư luận và bóp nghẹt những người bất đồng chính kiến. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Internet Trung Quốc đã trở thành phòng thí nghiệm kỹ thuật số độc tài lớn nhất thế giới.

Được thúc đẩy bởi làn sóng công nghệ độc tài, một cuộc bùng nổ nhận dạng khuôn mặt cực kỳ đắt đỏ ở Trung Quốc đã bắt đầu. Các chính sách của Chính phủ với những cái tên khoa học viễn tưởng như SkyNet và Sharp Eyes đã được công bố. Dữ liệu thu thập qua camera được liên kết với hệ thống của cảnh sát.

Làm thế nào mới có thể khiến hệ thống nhận dạng khuôn mặt hoạt động chính xác hơn? Báo cáo lấy ví dụ, huyện Giáp, tỉnh Hà Nam đã thu thập các bức ảnh về những biểu cảm khác nhau trên khuôn mặt của người dân, nhưng người dân lại không biết những dữ liệu khuôn mặt này được sử dụng ở đâu.

Phóng sự mô tả về một studio chụp ảnh ngoại cảnh trông kỳ lạ trong con hẻm. Ba chân máy cao lớn màu đen đang quay mặt vào bức tường trống của một trang trại gần đó. Có dây phía sau mỗi chân máy để dẫn đến một thiết bị máy tính.

Người đàn ông cầm micrô hét lên: “Người tiếp theo!” Một phụ nữ khoảng ngoài 70 tuổi ở đầu hàng đang lo lắng trước giá 3 chân. Bà cầm lấy một cặp kính râm lớn và đeo vào để che đi một nửa khuôn mặt của mình. Quá trình quay phim bắt đầu, và khuôn mặt của bà xuất hiện trên màn hình máy tính.

“Nhìn sang trái!”, người đàn ông hét lên từ phía sau máy tính. Người phụ nữ quay đầu sang một bên. “Chậm lại. Ngay bây giờ, đúng rồi!” Ánh mắt người phụ nữ từ từ quét qua con hẻm bên phải. Bà lặp lại các động tác như hướng dẫn; trái phải, lên xuống và kết thúc bằng chuyển động cổ tròn.

“Được rồi. Người tiếp theo.” Người đàn ông cầm micro cuối cùng cũng lên tiếng.  Người phụ nữ cẩn thận đưa lại chiếc kính râm. Sau đó, bà đã được đưa đến trước một đống giải thưởng và có thể đổi tấm phiếu lấy một chai dầu ăn.

Theo hàng ngàn đơn đặt hàng thu được từ cảnh sát, các đơn đặt hàng này liệt kê yêu cầu đối với hệ thống giám sát. Tài liệu cho thấy, camera không chỉ có thể quét danh tính của những người qua đường, xác định những kẻ đào tẩu, mà còn tạo ra các hệ thống cảnh báo tự động.

Danh sách đen được cung cấp cho chính quyền dựa trên hồ sơ cảnh sát rộng rãi, gồm người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng, những người có tiền án liên quan đến ma túy, những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần và những người biểu tình, cũng như nhận biết đặc điểm của người từ bên ngoài tới, gồm tuổi tác, giới tính, khuôn mặt có bị tóc che khuất, hay có đeo kính không.

Một đơn đặt hàng cho hệ thống 1.500 camera nhận dạng khuôn mặt ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, cũng liệt kê các thông số mà camera phải nhận dạng khi chụp từng người, gồm có đeo khẩu trang, đeo kính hay không, kiểu kính và kiểu cấu trúc khuôn mặt, có để râu hay không, v.v., cũng như số ID, tên, bí danh, tổ chức, giới tính, độ tuổi, dân tộc (gồm người Duy Ngô Nhĩ), ngày sinh và địa chỉ đều phải được liệt kê.

Mỹ cấm xuất khẩu chip AI hàng đầu sang Trung Quốc

Hôm 31/8, Reuters đưa tin, hãng thiết kế chip NVIDIA của Mỹ cho biết, họ đã nhận được lệnh ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc 2 loại chip điện toán hàng đầu, phục vụ cho trí tuệ nhân tạo.

Báo cáo cho biết, tuyên bố này báo trước một sự leo thang lớn trong căng thẳng công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nếu không có chip của Mỹ từ công ty NVIDIA và đối thủ AMD, các tổ chức của Trung Quốc sẽ không thể thực hiện những phép tính nhanh, được sử dụng cho nhiều tác vụ, như nhận dạng hình ảnh, video và giọng nói một cách hiệu quả về chi phí.

Ông Robert D. Atkinson, chủ tịch của Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF), một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, nói với VOA: “Mọi người đều nghĩ rằng chỉ có chính quyền Trump mới áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc, và bây giờ rõ ràng là chính quyền Biden cũng đang đi theo con đường tương tự. Họ cũng tìm cách hạn chế khả năng của Trung Quốc, trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến của Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực hỗ trợ các ứng dụng quân sự của nước này.”

Ông Atkinson nói: “Những con chip này rất quan trọng đối với hiệu suất cao hoặc siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo. Chúng rất quan trọng trong các công nghệ tiên tiến mà Trung Quốc đang cố gắng làm chủ, một số trong số đó sẽ được sử dụng trong quân đội Trung Quốc.”

“Vì vậy, tầm quan trọng của điều này là làm chậm khả năng đạt được sự tiến bộ của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ. Điều đó chắc chắn sẽ có lợi cho an ninh quốc gia (của Mỹ) và có thể làm chậm tốc độ của Trung Quốc trong các lĩnh vực khác mà họ đang cố gắng cạnh tranh với chúng ta.”

Ngày 31/8, trang web chính thức của Tổ chức Nhân quyền Liên Hợp Quốc đưa tin, một báo cáo được chờ đợi từ lâu về nhân quyền ở Tân Cương của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) đã kết luận, rằng có “các hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng” nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo chủ yếu khác ở Tân Cương.

“Các cáo buộc về tra tấn hoặc ngược đãi, bao gồm cả việc bắt buộc điều trị y tế (vi phạm quyền sinh sản) và điều kiện giam giữ tồi tệ, cũng như cáo buộc về các sự kiện bạo lực tình dục cá nhân và bạo lực dựa trên giới tính, (những cáo buộc này) là có thật.”

Theo đơn đăng ký bằng sáng chế cho thấy, phần mềm trí tuệ nhân tạo của SenseTime – một công ty AI nổi tiếng được Trung Quốc tài trợ, có khả năng nhận dạng người Duy Ngô Nhĩ ngay cả khi họ để râu, đeo kính râm và đeo khẩu trang.

Trí tuệ nhân tạo AI được Chính phủ Trung Quốc sử dụng rộng rãi để xâm phạm nhân quyền. Ngày 10/12/2021, SenseTime bị Mỹ liệt vào danh sách đen cấm Mỹ đầu tư vào “công ty phức hợp công nghiệp – quân sự Trung Quốc”, với lý do hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc) đàn áp nhân quyền của các nhóm thiểu số Hồi giáo, như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Bình Minh (t/h)