Bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung Quốc – Úc căng thẳng khiến Trung Quốc thúc đẩy trả đũa thương mại đối với Úc trên nhiều mặt hàng, nhưng đáng chú ý là việc ngừng nhập khẩu than của Úc dường như đã khiến Trung Quốc bị thiếu than nghiêm trọng làm ảnh hưởng nguồn cung điện. Tại Chiết Giang, Hồ Nam và Giang Tây, nhiều nơi đã phải hạn chế đèn đường và giảm thời gian làm việc trong các nhà máy, nhân viên cũng bị hạn chế dùng thang máy; tại Quảng Đông ngày 21/12 bị mất điện trên diện rộng mà không báo trước…

shutterstock 1075372349
(Ảnh: Aritra Deb/ Shutterstock)

Theo Thời báo Tự do (Liberty Times) Đài Loan, do thời gian gần đây thực trạng dùng điện quá tải của Trung Quốc liên tục lên cao khiến nhiều tỉnh đã liên tiếp phải thực hiện biện pháp hạn chế dùng điện. Nửa đêm 21/12 đã xảy ra sự cố mất điện đột ngột tại một số khu vực của tỉnh Quảng Đông như Quảng Châu, Đông Quan, Thâm Quyến, Trung Sơn, Phật Sơn, Huệ Châu và Chu Hải; thậm chí có lúc bị gián đoạn nguồn cung nước sinh hoạt và mạng Internet khiến đông đảo cư dân mạng Weibo thể hiện tâm trạng bức xúc. Phản hồi tình trạng này, bộ phận cung cấp điện Quảng Châu cho rằng nguyên nhân chính của sự cố mất điện là do thiết bị, nhưng đã được sửa chữa. Ngoài ra, ngày 22/12 cũng đã có thông báo cúp điện ở Thượng Hải, nhưng giới chức nhấn mạnh là do sửa chữa chứ không phải thiếu điện.

Vốn dĩ vài tuần gần đây, nhiều tỉnh thành Trung Quốc liên tiếp xảy ra tình trạng “thiếu điện”, đã gây xôn xao dư luận vì mức nghiêm trọng được cho là chưa từng thấy trong 10 năm qua. Hiển nhiên việc cắt giảm điện này đã làm hạn chế năng lực sản xuất của các nhà máy ở nhiều nơi, thậm chí còn làm giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Dư luận phần lớn cho rằng, đợt thiếu điện lần này có thể liên quan đến việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu than của Úc.

Trong bối cảnh xung đột Trung – Úc, từ tháng 8 năm nay giới chức Trung Quốc giảm dần nhập khẩu than từ Úc và đến tháng 10 ra lệnh ngừng nhập khẩu than nhiệt và than cốc từ Úc. Nguyên nhân của căng thẳng này bắt đầu từ tháng 5/2020, khi Thủ tướng Úc Morrison kêu gọi điều tra về nguồn gốc của bệnh viêm phổi Vũ Hán, khiến mâu thuẫn hai nước thêm sâu sắc. Ngoài ra, Úc cũng làm Bắc Kinh tức giận khi lên án Trung Quốc về các vấn đề như Tân Cương và Hồng Kông.  Hệ quả sau đó, chính quyền Trung Quốc lần lượt ra các lệnh cấm và trừng phạt thuế quan áp dụng đối với các mặt hàng của Úc như lúa mạch, rượu vang đỏ, gỗ, tôm hùm và than đá.

Hạn chế điện quy mô lớn tại nhiều tỉnh

Gần đây, các tỉnh của Trung Quốc như Chiết Giang, Giang Tây và Hồ Nam đã thực hiện hạn chế điện. Ở Trường Sa tỉnh Hồ Nam, hệ thống đèn đường và các địa danh thành phố đều phải tắt đèn sớm, điều hòa nhiệt độ sưởi ấm trong thành phố chỉ được cho phép mở 20°C trở xuống, hệ thống thang máy các nơi cũng bị hạn chế khiến nhiều nhân viên văn phòng làm việc tại các tòa nhà cao tầng phải leo thang bộ. Ngày 19/12, Tập đoàn lưới điện Trung Quốc trụ sở chính tại Bắc Kinh cũng thông báo hệ thống điện lực Hồ Nam (State Grid Hunan Electric Power) hoàn toàn “vào trạng thái thời chiến”.

Tại Giang Tây, cơ quan chức năng cũng ra kế hoạch “sử dụng điện có trật tự”, thực hiện ngắt luân phiên trong thời gian cao điểm buổi sáng và buổi tối để tránh quá tải; kế hoạch giảm tiêu thụ điện đối với một số doanh nghiệp để đảm bảo cân bằng cung cầu điện và nhu cầu điện dân dụng. Ở Chiết Giang đã xảy ra tình trạng ngừng sản xuất tại các nhà máy gia công, quy định cơ quan chính quyền không được bật điều hòa khi nhiệt độ ngoài trời từ 3 độ C trở lên, tình trạng thiếu điện ở những nơi này được cho là sẽ kéo dài ít nhất cho đến thời điểm trước sau dịp vui chơi lễ hội xuân sang năm (2021).

Tại Nghĩa Ô tỉnh Chiết Giang, ngoài thực hiện tắt đèn đường trên diện rộng, còn yêu cầu giảm 80% thời gian làm việc đối với một số doanh nghiệp, biện pháp này sẽ thực hiện cho đến cuối năm. Nghĩa Ô tỉnh Chiết Giang là khu có chợ đầu mối hàng hóa nhỏ lẻ lớn nhất thế giới, thời điểm cận kề năm mới khiến khu vực này cũng bùng nổ số lượng đơn đặt hàng và các nhà máy phải gấp rút mua máy phát điện chạy dầu để cố gắng đảm bảo nguồn cung cấp hàng…

Cơn sốt than của Trung Quốc

Công luận phổ biến cho rằng thực ra tình trạng thiếu điện ở miền nam Trung Quốc liên quan đến vấn đề ngồn cung than. Vấn đề thiếu than đã bắt đầu nổi lên từ đầu tháng 12, hôm 4/12 mỏ than động Điêu Thủy ở quận Vĩnh Xuyên thành phố Trùng Khánh đã xảy ra một vụ tai nạn liên quan đến quá tải khí carbon monoxide làm 23 người chết thảm, sau đó chính quyền Bắc Kinh bắt đầu thực hiện kiểm tra an toàn nghiêm ngặt. Ngoài ra, tình trạng cũng phần nào liên quan đến chính sách về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất than tại nhiều khu vực cung cấp than chính như ở Sơn Tây và Hà Bắc.

Nhìn chung, tình trạng thiếu than của Trung Quốc hiện nay, là hệ quả của nhiều yếu tố cộng lại: các ngành như thép, vật liệu xây dựng, hóa chất, xi măng không ngừng đẩy mạnh thu mua than do nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Mùa đông năm nay lạnh hơn những năm trước khiến nhu cầu sử dụng than của người dân tăng cao. Những năm gần đây, nguồn than nội địa của Trung Quốc không ngừng bị hạn chế, cơ quan chức năng đóng cửa các khu vực khai thác quá lạc hậu khiến ngành than Trung Quốc suy thoái, nhiều mỏ than đã bị đình chỉ trong thời gian dài nên không thể kịp khởi động lại…

Tờ Yicai (Tài chính số 1) của Trung Quốc đưa tin, với nhu cầu than tăng vọt khiến những người mua tranh nhau, họ thường lái xe tải lớn xếp hàng trước cổng các bãi than ở Hà Nam để chờ có được than, khiến lượng than chất như núi được mua hết sạch. Hiện tại, người mua phải đặt cọc mua trước và tùy mối quan hệ với ông chủ than mà có được hoặc 40% hoặc 80% nhu cầu, thậm chí một số mỏ đã thông báo rằng “tạm thời không báo giá trước vì còn dựa vào số lượng hiện có”.

Nhưng trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc lại cấm nhập khẩu than từ Úc, khiến tình trạng thiếu than ở các vùng ven biển càng trở nên tồi tệ hơn. Theo Financial Times (Thời báo Tài chính Anh), Tập đoàn Công nghiệp và Năng lượng Trung Quốc cũng cho rằng một phần nguyên nhân của việc thiếu điện là do căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc gây ra lệnh cấm vận than của Úc; có giám đốc của doanh nghiệp phát điện nhà nước Điện Hoa Trung Quốc (China Huadian) chỉ ra rằng, lệnh cấm than đủ để thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp, nhiều vùng của Trung Quốc dựa vào hiệu suất cao của than Úc, rất khó tìm được sản phẩm thay thế.

Lệnh cấm vận than của Úc đã ảnh hưởng đến các nhà máy điện của Trung Quốc. Theo số liệu, khoảng 3% lượng than nhiệt tại các nhà máy điện Trung Quốc được nhập khẩu từ Úc năm 2019. Có quan chức của Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) cho biết, trên thực tế các tỉnh càng phát triển càng phụ thuộc nhiều hơn vào than chất lượng cao của Úc, dự kiến mức phụ thuộc này vào năm 2020 có thể vượt quá 10%, do đó từ quan điểm kinh tế cho thấy lệnh cấm là không hợp lý.

Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng vấn đề thiếu điện của Trung Quốc không liên quan gì đến cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Úc, việc thực hiện hạn chế điện ở các vùng của Trung Quốc chủ yếu dựa trên tinh thần “kiểm soát kép”“giảm than”. Cái gọi là “kiểm soát kép” là chỉ việc kiểm soát mức độ và tổng mức tiêu thụ năng lượng, còn vấn đề giảm lượng than là giảm tổng lượng than tiêu thụ.

Giá than của Trung Quốc đã tăng 67% kể từ tháng Năm

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nhìn chung từ đầu tháng 12, giá than trên khắp Trung Quốc đã tăng cao, so với thời gian nửa cuối tháng 11. Than trộn có giá trị nhiệt từ 4.500 đến 5.800 kcal đã tăng lần lượt 2,2% cho đến 3,4%. Dữ liệu từ công ty tư vấn SunSirs của Trung Quốc cho thấy, tồn kho than nhiệt tại cảng nhập khẩu đảo Tần Hoàng của Trung Quốc đã gần chạm mức thấp nhất trong 2 năm qua, nhưng nay giá đã tăng gần 67% so với thời điểm trước tháng 5 năm nay.

Tình hình trên đã khiến nhiều nhà máy điện buộc phải giảm sản lượng cung điện. Các nhà cung cấp điện cho rằng vấn đề sẽ không sớm được giải quyết. Trong tình hình quan hệ Trung Quốc và Úc vẫn đang ở thế bế tắc, một lãnh đạo Tập đoàn Điện Hoa (Huadian) nói rằng, những vấn đề này là ‘chuyện nhỏ’, sẽ không khiến chính quyền Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát nhập khẩu, bởi vì ở Trung Quốc “chính trị luôn là trên hết”.

Vương Quân, Vision Times tiếng Trung

Xem thêm: