Hồi tháng 8, Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát đi thông báo chuẩn bị thông qua ứng dụng di động “Học tập cường quốc”, để tiến hành thử nghiệm mức độ trung thành của tất cả các nhà báo trên toàn Trung Quốc. 

Học tập cường quốc
Chính quyền ĐCSTQ sẽ sử dụng ứng dụng “Học tập cường quốc” để kiểm tra độ trung thành của phóng viên trên toàn quốc. (Ảnh từ internet)

Tờ Nam Hoa Tảo báo (SCMP) hôm 19/9 trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, chính quyền Trung Quốc yêu cầu, khoảng 10.000 phóng viên và biên tập viên của 14 kênh truyền thông trực tuyến tại Bắc Kinh sẽ dẫn đầu sử dụng ứng dụng “Học tập cường quốc” để tiến hành “thi thí điểm” vào đầu tháng 10. Kỳ thi trên toàn quốc sau đó sẽ được tiến hành, thời gian thi chưa được xác định.

Có nguồn tin cho biết, trước ngày 15/9, các kênh tin tức cần phải hoàn thành việc tạo và chứng nhận việc tổ chức học tập lấy tin tức và biên tập trên nền tảng “Học tập cường quốc”, nếu không họ sẽ không thể hoàn thành kỳ kiểm tra và đăng ký phiên bản mới của thẻ nhà báo.

Thành tích của lần thi này cũng trực tiếp liên quan đến thẻ nhà báo, chỉ có người vượt qua kỳ thi mới có thể nhận được phiên bản mới của thẻ nhà báo. Những ai chưa vượt qua, chỉ có cơ hội thi lại 1 lần.

Nội dung thi có 5 phần, trong đó nội dung 3 phần có liên quan đến phát biểu của ông Tập Cận Bình và nội dung chính của “Tư tưởng Tập Cận Bình”, quan điểm về báo chí của chủ nghĩa Mác. Hai phần khác là lý luận, chính sách pháp luật về báo chí và nghiệp vụ lấy tin, biên tập tin tức.

Nhiều kênh truyền thông như Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) và Nam Hoa Tảo báo, v.v, đều gọi cuộc thi này là việc chính quyền kiểm tra mức độ trung thành của người làm tin tức.

Bản tin chỉ ra, giống như nhiều doanh nghiệp quốc hữu cỡ lớn, phóng viên của nhiều kênh truyền thông chính thức tại Trung Quốc cũng không cách nào né tránh được quy tắc, nếu muốn thăng cấp, thì cần phải nhớ kỹ những lời của Chủ tịch nước.

Ứng dụng “Học tập cường quốc” này là do Tập đoàn Alibaba phát triển, được đưa lên mạng trực tuyến vào tháng 1 năm nay. Chính quyền Bắc Kinh từng có thời điểm yêu cầu tất cả các đảng viên phải tải “Học tập cường quốc” về điện thoại thông minh, và trong ứng dụng cũng có hệ thống tích điểm học tập. Được biết, những người cài đặt phần mềm này, cần phải nhập đến 19 thông tin liên quan đến quyền riêng tư như họ tên thật, vị trí, v.v. Chính quyền có thể giám sát tiến trình “học tập” của người sử dụng phần mềm, ứng dụng này biến điện thoại trở thành một thiết bị giám sát di động.

Mặc dù dưới áp lực dư luận, từ tháng 3 năm nay, chính quyền Trung Quốc bắt đầu huỷ bỏ việc cưỡng chế tải phần mềm này về và chuyển sang khuyến khích tải về, nhưng nhiều đơn vị liên quan đều yêu cầu nhân viên phải sử dụng “Học tập cường quốc” để tiến hành “giám sát công việc”. Để giữ công việc và vị trí hiện tại, không ít nhân viên đã đã buộc phải sử dụng phần mềm này.

Theo Tạp chí Bitter Winter – một tạp chí chuyên về nhân quyền Trung Quốc đưa tin, tháng 4 năm nay, một đảng viên gần 60 tuổi ở tỉnh Sơn Đông, khi sử dụng ứng dụng này để trả lời các câu hỏi thì đột nhiên té xỉu và không may tử vong, bên cạnh di thể có 2 chiếc điện thoại thông minh mà ông dùng để trả lời đáp án của mình cùng vài tờ giấy ghi chép. Có người nắm được tình hình tiết lộ, ông lão này không những trả lời đáp án của mình, mà còn trả lời thay cho một đảng viên khác không biết sử dụng điện thoại thông minh, “mỗi ngày đều lần lượt sử dụng 2 chiếc điện thoại để trả lời đáp án trên ứng dụng, cường độ học tập lớn nên cơ thể chịu không nổi”.

Một giáo viên tại tỉnh Sơn Đông nói thẳng, những ai không bị cưỡng ép sử dụng ứng dụng này thì không thể hiểu được nỗi khổ trong đó, “Thực sự hối hận vì năm xưa gia nhập vào ĐCSTQ, giờ muốn rút ra cũng không được, ai thoái khỏi đảng, thì người đó sẽ bị ghi nhớ, đây là đường dây chính trị áp lực cao độ, không ai dám chạm vào nó, chỉ có thể bị ép phải chấp nhận.”

Trí Đạt

Xem thêm: