Tại Hà Bắc (Trung Quốc), nơi dịch bệnh đang diễn ra nghiêm trọng, do tỷ lệ các ca bệnh nặng cao nên mọi mắt xích của hệ thống y tế đang trên bờ vực sụp đổ. Một bác sĩ tuyến đầu cho biết, đợt dịch này không giống như Omicron, “cảm giác giống như Vũ Hán (thời đầu)” cách đây 3 năm, “thậm chí tệ hơn”.

Embed from Getty Images

Ảnh ngày 30/12/2022, một bệnh viện ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc (Nguồn: Getty)

Bà Trần (Chen) là bác sĩ phẫu thuật tại một bệnh viện cấp 3A ở Hà Bắc. Gần đây, bà cho Epoch Times biết bệnh viện yêu cầu tất cả các khoa cần phải tiếp nhận bệnh nhân nhiễm COVID-19 vì quá nhiều người nhiễm trong khi bác sĩ và tài nguyên y tế có hạn, nên về cơ bản hệ thống đang trên bờ vực sụp đổ.

Bà Trần nói: “Nhiều bác sĩ cũng đã bị dương tính, và nhiều người trong thời gian dài khó mà khỏe lên được. Tại một số khoa, các bác sĩ về cơ bản đã hoàn toàn thất thủ, chỉ còn 1 hoặc 2 bác sĩ đã từng dương tính chèo chống ở đó. Tuy nhiên bệnh nhân lại rất nhiều. Tình hình thật là sốt ruột!” 

“Các phòng khám ngoại trú, khoa cấp cứu đều đông người như chợ rau, y tá chạy mỏi chân, bác sĩ quá mệt mỏi vì phải làm việc liên tục. Tình trạng là như vậy. Ngoài nhận điều trị người nhiễm dịch ra, còn có bệnh nhân cần phẫu thuật, nhiều bác sĩ bị sốt lâu rồi nhưng vẫn phải đi làm phẫu thuật.”

Tình hình “tồi tệ hơn Vũ Hán” trước đây, hệ thống y tế đang sụp đổ

Trong số những bệnh nhân mà bác sĩ Trần tiếp xúc, tỷ lệ các ca bệnh nặng là rất cao. “Nhiều người đã chết trước khi họ có thể đến kịp bệnh viện, vì hiện họ không thể nhập viện do bệnh viện không còn giường bệnh.”

Để có giường bệnh trống, những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đã được gấp rút đưa ra khỏi bệnh viện. Tuy nhiên, những bệnh nhân nặng với phổi trắng xóa cũng không cách nào được tiếp nhận và điều trị, không có máy thở, trong khi bệnh nhân nặng phải vào ICU hoặc khoa hô hấp tích cực.

Bác sĩ Trần cho biết, toàn bộ hệ thống y tế đang trong tình trạng hỗn loạn. Cơ sở vật chất y tế vốn có chỉ có thể phục vụ được số người hạn chế, nhưng hiện tại số lượng bệnh nhân đã lên gấp 10 lần hoặc nhiều hơn. Trong tình huống không có sự chuẩn bị, toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ bất kể đó là mắt xích nào.

“Không máy thở, không giường, không gối, không chăn (người bệnh phải tự mang theo), không đủ bác sĩ, không đủ y tá, không đủ chỗ… Mọi mắt xích đều không đáp ứng được nhiều người bệnh như thế này đến khám bệnh. Cứ để các bác sĩ dưới tình trạng ngủ không đủ kiên trì ở đây, không có thuốc, cái gì cũng thiếu thốn mà chỉ dùng sức người chống đỡ thì không có tác dụng gì lớn. Mỗi mắt xích đều thiếu thốn.”

Bà Trần nói, “Giống như cảm giác ở Vũ Hán thời kỳ đầu bùng phát dịch, thậm chí còn tồi tệ hơn Vũ Hán hồi đó.”

Bác sĩ Trần cho biết thuốc cũng thường xuyên hết. “Ví dụ, Azvudine rất đắt, 270 nhân dân tệ (RMB) một hộp, nhưng loại thuốc này đang khan hiếm và rất hạn chế. Hơn 1.000 viên đã được bán hết trong một giờ và không còn nữa, cung không đủ cầu. Loại thuốc này ban đầu được sử dụng để điều trị bệnh AIDS.”

“Thuốc của Pfizer quá đắt, người dân bình thường một tháng phải kiếm bao nhiêu tiền mới mua được, căn bản mua không nổi, hơn nữa thuốc đó là thuốc cung cấp đặc biệt, cho nên người dân bình thường căn bản mua không được. Bao gồm cả Azivudine, một số bác sĩ muốn có cũng khó, vì nó cần phòng khoa đặc biệt để cung cấp cho nhóm người cụ thể và một số cán bộ cấp cao. Nếu dân thường có thể nhận được một hộp thì cũng phải cảm ơn trời đất vì quá khó để có được.”

Tỷ lệ dương tính đạt 85%, và toàn bộ dân số đã bị nhiễm bệnh?

Theo chỉ số tìm kiếm của Google, đợt dịch này bùng phát sớm nhất vào giữa tháng 11. Số người nhiễm bệnh ở Bắc Kinh và Hà Bắc vẫn ở mức cao. “Nhóm dữ liệu đô thị” đã đưa ra một bài báo phân tích “27 ngày của 1 tỷ người“, được tính toán dựa trên chỉ số tìm kiếm “phát sốt”. Sau 10 ngày đầu tiên của tháng 11, các chỉ số liên quan của Bảo Định, Thạch Gia Trang, Bắc Kinh, Hà Bắc đã vượt quá giá trị điểm chuẩn 3 lần, 4 lần, thậm chí gấp 5 lần và hoàn toàn không có dấu hiệu dừng lại. Điều này cho tình hình dịch bệnh tại các địa phương bùng phát với quy mô lớn.

Vào ngày 25/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng công bố thông tin về dịch bệnh hàng ngày. Gần đây, CDC các nơi như Hải Nam, Chiết Giang, Tứ Xuyên, đã khảo sát dữ liệu về tình trạng nhiễm COVID-19 tại địa phương thông qua bảng câu hỏi. Kết quả tỷ lệ dương tính ở một số nơi là hơn 60%. Tuy nhiên, dư luận không tin vào số liệu này và cho rằng “bên cạnh mình đã 99% nhiễm rồi”, “Hiện vẫn là cao điểm lây nhiễm, sau đó là cao điểm bệnh nặng”.

Bác sĩ Trần cho rằng đây là tình trạng toàn dân nhiễm dịch. “Những người quen biết xung quanh tôi gần như không có bao nhiêu người âm tính. Có thể nhiều người đã dương tính trước đó, nhưng đến một giai đoạn nào đó (chẳng hạn như trong thời gian phong tỏa thành phố), chúng ta không nhận thấy điều đó. Tôi cảm thấy rằng ít nhất 85% mọi người đã dương tính, và một số người thậm chí còn rất nghiêm trọng, một số người đã qua đời, và sự phát triển rất nhanh.”

Bà nói rằng những người trẻ tuổi có triệu chứng nhẹ, không mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao, và những người mắc các bệnh khác thì đỡ hơn, nhưng những người sức khỏe kém thì khó khăn. Bà cho biết mỗi khi nhìn thấy sinh mệnh qua đời, trong lòng bà có cảm giác bất lực.

“Tôi không biết đó có thực sự là Omicron không. Nhưng nếu nhìn vào các triệu chứng của Omicron, tôi cảm thấy không giống lắm. Thành thật mà nói, (chủng virus) này quá mạnh.”

Bà nói: “Một hoặc hai ngày sau khi mở cửa, tất cả những người trong bộ phận của chúng tôi đều dương tính. Tốc độ lây truyền này nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Nó hoàn toàn không đơn giản như chỉ đeo khẩu trang, và nó chắc chắn không đơn giản lây truyền qua đường hô hấp. Nó khiến tất cả mọi người đều dương tính trong chốc lát.”

Bác sĩ tại Đại Lục nghi ngờ về tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong

Ông Dư Hướng Đông (Yu Xiangdong) là phó trưởng khoa Huyết học và Thấp khớp của Bệnh viện Trung ương Hoàng Thạch. Trong những ngày đầu của dịch bệnh, ông đã bị cách chức phó chủ tịch vào tháng 4/2020 vì bày tỏ không hài lòng với các chính sách phòng chống dịch bệnh của chính quyền, và có nhận xét tiêu cực về y học cổ truyền Trung Quốc.

Ba năm sau, dịch bệnh lại bùng phát. Ông Dư Hướng Đông đã chia sẻ bệnh án của mình trên Weibo: “Từ ngày 15/12 tôi bị sốt, ho khan, chóng mặt, hôm sau tôi đi trị liệu giấc ngủ, đến ngày thứ 3 thì hạ sốt”. Nhưng đến ngày thứ 13, ông vẫn bị ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi: “Bệnh này thực ra không phải cảm, rất phiền phức”.

Vào ngày 18/12, cả gia đình ông Dư Hướng Đông dương tính, vợ ông (là y tá) có triệu chứng nhẹ và “liên tiếp nhận hai ca trực đêm ở tuyến đầu”. Vào ngày 23/12, người bố 79 tuổi của ông Dư đã qua đời, từ lúc phát bệnh đến khi qua đời chỉ vỏn vẹn 3 ngày.

Ông Dư đặt câu hỏi: “Tỷ lệ nhiễm bệnh không có triệu chứng, tỷ lệ viêm phổi, tỷ lệ ca nặng, tỷ lệ tử vong liên quan, hiệu quả của vắc-xin và thuốc, dữ liệu cực kỳ quan trọng nào hiện được báo cáo là đúng và đáng tin cậy?”

Phóng viên Epoch Times đã liên lạc với ông Dư Hướng Đông vài ngày trước về vấn đề trên, nhưng ông từ chối trả lời phỏng vấn.

Cơ sở y tế Airfinity của Anh dự đoán có khoảng 9.000 ca tử vong mỗi ngày ở Trung Quốc, và từ ngày 13/1 số ca nhiễm mỗi ngày có thể tăng đến 3,7 triệu ca.

Airfinity dự kiến số ca tử vong sẽ đạt đỉnh vào ngày 23/1 với khoảng 25.000 ca mỗi ngày, số ca tử vong cộng dồn sẽ lên tới 584.000 ca, tính từ tháng 12.