Ngày 29/7, Ông Lâm Hành Chỉ, người sáng lập “Hong Kong Economic Journal” (Tạp chí Kinh tế Hồng Kông), được mệnh danh là “cây bút mạnh số 1 ở Hồng Kông”, đã thông báo gác bút trong chuyên mục của mình. Trước đó, ông Vương Vĩnh Bình (Joseph Wong), cựu Cục trưởng Cục Công vụ Hồng Kông, cũng tuyên bố gác bút vào ngày 14/7.

p2981391a74280748
Ông Lâm Hành Chỉ, người sáng lập “Hong Kong Economic Journal” (Tạp chí Kinh tế Hồng Kông), được mệnh danh là “cây bút mạnh số 1 ở Hồng Kông”. (Ảnh: Đài Á Châu Tự Do)

Ông Lâm Hành Chỉ tuyên bố rằng đây là một “sự lựa chọn tự do được thực hiện trong khi vẫn có quyền tự do lựa chọn”. “Bài học từ chuyện rùa cõng bọ cạp qua sông” của ông Lâm Hành Chỉ được đọc nhiều nhất vào những năm 1980. Bài viết nhắc nhở người dân Hồng Kông rằng bản chất của bọ cạp là xấu xa, và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng không ngoại lệ.

Năm 1973, ông Lâm Hành Chỉ thành lập “Tạp chí Kinh tế Hồng Kông” và viết những bài “Bình luận ngắn về kinh tế và chính trị” mỗi ngày. Năm 1997, ông tạo “Chuyên mục Lâm Hành Chỉ” và mở rộng chủ đề của chuyên mục từ bình luận chính trị và kinh tế sang lý luận về kinh tế và thưởng thức cuộc sống.

Tháng 8/2019, ông Lâm Hành Chỉ đã viết bài cho chuyên mục 240 ngày mỗi năm, liên tục suốt 45 năm. Ông được Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới (còn gọi là Kỷ lục Guinness Thế giới) công nhận là “Nhà văn viết chuyên mục báo không ngừng nghỉ lâu nhất trên thế giới”. Về vấn đề này, ông Lâm Hành Chỉ nói: “Đây là giải thưởng chuyên cần, và tôi có thể mỉm cười tiếp nhận mà không phải cảm thấy hổ thẹn.”

Đảng Cộng sản Trung Quốc như loài bò cạp và rắn độc

Bài báo trên tờ “Stand News” chỉ ra rằng trong số hàng chục ngàn bài bình luận của ông Lâm Hành Chỉ, bài viết được lan truyền nhiều nhất có tựa đề “Bài học từ chuyện rùa cõng bọ cạp qua sông” được đăng ngày 13/1/1984. Trong đó có một đoạn viết như thế này:

“Rùa cõng con bọ cạp qua sông. Ban đầu mọi chuyện đều bình yên vô sự, chúng có thể chung sống hòa hợp với nhau. Nhưng một lúc sau, con rùa đột nhiên cảm thấy đau nhói ở đuôi, rồi chóng mặt và mất phương hướng. Nó biết rằng mình đã bị bọ cạp đốt, đã trúng nọc độc cực mạnh và tính mạng đang bị đe dọa.

Nhưng không hiểu sao bọ cạp lại không quan tâm đến sự an toàn của chính bản thân nó. Bởi chúng đang ở nơi lòng sông nước xiết, rùa chết thì bọ cạp cũng vong, không ai là người được lợi ở đây. Rùa muốn biết được sự thực từ chính miệng bò cạp, nếu không có chết, nó cũng chẳng thể nhắm mắt.

Thật không ngờ, câu trả lời của bọ cạp lại nằm ngoài sức tưởng tượng của rùa. Bọ cạp nói: “Anh rùa à anh rùa, lẽ nào tôi lại không biết rằng đốt anh thì chúng ta đều sẽ bỏ mạng nơi đáy sông sao? Nhưng đó là thói quen của loài bò cạp chúng tôi, dẫu có muốn thay đổi cũng không thể.”

Bài báo được đăng vào thời điểm Trung Quốc và Anh đang đàm phán về tương lai của Hồng Kông. Bắc Kinh đã gửi lời trấn an tới Đại hội Nhân dân Hồng Kông rằng: “Người Hồng Kông cai trị Hồng Kông”, “một quốc gia, hai chế độ” “mức độ tự chủ cao.”

Tuy nhiên, trong bài viết của mình, ông Lâm Hành Chỉ lại tỏ ra nghi ngờ. Ông đặt câu hỏi rằng sau khi giành lại chủ quyền của Hồng Kông, liệu Bắc Kinh có tự kiềm chế và không can thiệp vào quyền tự trị của Hồng Kông hay không.

“Tất nhiên, các quan chức ở Bắc Kinh hiện giờ đều nói rằng điều đó chắc chắn sẽ làm được. Nhưng việc luôn lãnh đạo từ trên xuống đã trở thành thói quen truyền thống của ĐCSTQ. Đôi khi, dẫu biết rõ rằng việc đảng này lãnh đạo có thể sẽ mang lại hậu quả xấu, nhưng họ cũng không thể dừng lại. Việc ĐCSTQ can thiệp và lãnh đạo đã trở thành thói quen. Muốn đảng này phá lệ cho Hồng Kông, chúng ta cần có những đảm bảo cụ thể hơn”. Vậy nên, ông đã dẫn lại “Bài học từ việc rùa cõng bọ cạp qua sông” nói trên.

Nhà công nghiệp Hồng Kông Viên Cung Di cũng sử dụng một phép ẩn dụ tương tự để mô tả ĐCSTQ. Ông tin rằng ĐCSTQ tự nó đã mang gen tà ác. Đảng này hành ác như một phản xạ tự nhiên, và không thể thay đổi thói quen. Ông Viên Cung Di nói rằng ngay từ đầu, ĐCSTQ đã muốn chinh phục và thống trị thế giới.  Điều này đã trở thành phản xạ của họ.

“Tất cả chúng ta đều không thể cùng tồn tại cùng với Đảng Cộng sản.” Nếu ĐCSTQ là một con rắn, thì người dân là con rùa. “Rắn thuyết phục rùa qua sông. Rùa lo bị rắn cắn mình. Rắn nói: ‘Nếu tôi giết anh, tôi cũng sẽ chết đuối.’ Nào ngờ đến giữa dòng, rắn lại cắn rùa. Rùa hỏi, rắn nói: ‘Tôi không thể kiểm soát được bản thân mình.”

Ông Viên Cung Di kết luận rằng bản thân con rắn có bản chất hung ác và nó phải cắn người nếu muốn tồn tại. “ĐCSTQ, thứ ‘Chủ nghĩa xã hội đen’ này chính là một con rắn. Chỉ đơn giản vậy thôi!”

Gác bút vì trung thành với chính mình

Là một văn nhân, ông Lâm Hành Chỉ đã dùng các bài báo để quất vào những kẻ cầm quyền. Nhưng trong quá trình khởi xướng phong trào Chiếm Trung tâm năm 2013, dưới áp lực dư luận trên đe dưới búa của phe kiến chế thân cộng, ông cũng đã nghĩ đến việc gác bút.

Ông than thở trong bài viết rằng nếu giới văn nhân muốn trung thành với chính phủ chứ không phải trung thành với chính bản thân mình, thì ông ấy sẽ không thể thích ứng với sự thay đổi đó. Gác bút có lẽ là sự lựa chọn duy nhất vào lúc này.

Năm 2019, Hồng Kông bùng nổ phong trào chống Dự luật Dẫn độ. Ông Lâm Hành Chỉ đã nhiều lần viết bài bình luận về việc này. Sau cuộc diễu hành của 1,03 triệu người diễn ra vào ngày 9/6/2019, ông đã đăng một bài viết có tiêu đề “Miễn là ông nội (Trung ương ĐCSTQ) ủng hộ tôi thi hành Luật Dẫn độ, hà tất tôi phải sợ hàng triệu thảo dân ​​xuống đường”. Ông chỉ trích bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Trưởng đặc khu Hồng Kông, đã phớt lờ dư luận. Sau khi xuống đường, hàng triệu người dân Hồng Kông vẫn kiên trì đòi sửa đổi “Sắc lệnh về tội phạm đào tẩu”.

Trong bài viết, ông Lâm Hành Chỉ nghiêm khắc nói: “Luật dẫn độ về Trung Quốc trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng. Trưởng đặc khu Lâm Trịnh đã bê nguyên lời của Tổng Bí thư và thái độ ngạo mạn không coi ai ra gì của ông ta, khiến Hồng Kông không còn bình yên nữa … Để bà Lâm Trịnh tiếp tục làm Trưởng đặc khu của Hồng Kông, dẫu là với ai, kể cả bản thân bà ấy, cũng đều không có ích lợi gì.”

Ngày 29/7, ông đã nói về nền kinh tế trong bài viết cuối cùng thuộc chuyên mục của mình. Ông nói thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và Hồng Kông vẫn có thể “nỗ lực đi lên” sau một số cuộc khủng hoảng tài chính.

Nền kinh tế tự do là lý do chính đằng sau đó. Nói cách khác, dưới bàn tay vô hình của thị trường và sự tuân thủ các quy định của pháp luật, mỗi người đều có sở trường riêng và có thể phát huy hết sức mạnh kỳ diệu của mình.

Tuy nhiên, thị trường Hồng Kông hiện đang bị kiểm soát bởi bàn tay hữu hình của chính trị. Thị trường tự do của Hồng Kông đã bị “ngắt kết nối” với thể chế phương Tây. Một số độc giả nhận xét, rằng không chỉ thị trường tự do ở Hồng Kông mất liên lạc với phương Tây, mà toàn bộ xã hội Hồng Kông cũng đã bị xói mòn nghiêm trọng.

Ngoài ông Lâm Hành Chỉ, ông Vương Vĩnh Bình – cựu giám đốc Cục Công vụ Hồng Kông, cũng quyết đinh gác bút trong tháng 7. Ông tuyên bố gác bút vào ngày 14/7 vì cảm thấy càng ngày càng khó viết. Những bài văn ông viết cũng không thấy có tác dụng tích cực gì đối với tình hình hiện tại. “Lời đến miệng mà chẳng thể nói, chi bằng buông bỏ cho tự tại.”

Ông Vương Vĩnh Bình hy vọng rằng người Hồng Kông có thể giữ vững lương tri và lòng tốt bẩm sinh của họ. Trong dòng chảy lớn của nền an ninh chính trị quốc gia, một số người nhìn thấy cơ hội. Trong khi nhiều người hơn lại đang cảm thấy bối rối, bất lực và bất an.

Chỉ cần tuyệt đại đa số người dân Hồng Kông vẫn giữ được lương tri và lòng tốt, Hồng Kông cuối cùng ắt sẽ có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn này và một lần nữa trở thành viên ngọc toả sáng trên thế giới.

Lý Hoài Quất, Vision Times

Xem thêm: