Gần đây, bài phát biểu của một học sinh trung học phổ thông từ Trung Quốc Đại Lục có tựa đề “Nếu sống đến 2.000 năm tuổi, tổ quốc của tôi là ai?” chỉ ra rằng người Trung Quốc có 3 giấc mơ mới: “Giấc mơ tự do, giấc mơ nhân quyền, và giấc mơ chính quyền hợp hiến”, là biểu hiện của sự thức tỉnh lớn lao của toàn dân, và điều đó nhất định sẽ đến.

shutterstock 1168344790
Học sinh Giang Tây, Trung Quốc. (Nguồn: humphery/ Shutetrstock)

Xã hội không thiếu những bộ óc đầy tri thức, chỉ thiếu những người có đầu óc tỉnh táo

Ngày 25/3, tài khoản Twitter “Zouxikou (Tẩu Tây Khẩu) asobi” tweet rằng: “Một cô gái 17 tuổi đã có bài phát biểu gây sốc: ‘Nếu sống đến 2.000 năm tuổi, tổ quốc của tôi là ai?’ Một trường cấp 3 tổ chức buổi diễn giảng với chủ đề ‘Tình yêu tổ quốc’. Đây là bài phát biểu được viết bởi một cô gái trẻ có hiểu biết và sự tỉnh táo vượt xa hầu hết người lớn chúng ta. Thế hệ sau của Trung Quốc đã có hy vọng! Trung Quốc đã có hy vọng!”

Nội dung bài phát biểu nói rằng tác giả là Vương Kha Nhi, học sinh lớp 10. Nội dung bài viết không có giọng điệu khẳng khái hay nhiệt tình trào dâng, mà là suy ngẫm của bản thân về hai từ “tổ quốc”, và rằng xã hội không thiếu những bộ óc đầy tri thức, mà chỉ thiếu những con người có đầu óc tỉnh táo, và thầm nghĩ “Nếu sống đến 2.000 năm tuổi, tổ quốc của tôi là ai?”

“Vào thời nhà Hán, tổ quốc của tôi là Đại Hán. Những kẻ xâm phạm người Hán sẽ bị trừng phạt dù họ ở nơi xa xôi. Vào thời nhà Đường, tổ quốc của tôi là Đại Đường. Vào thời nhà Tống, tổ quốc của tôi là Đại Tống, khi ấy công nghệ dẫn đầu, kinh tế thịnh vượng.”

“Vào thời nhà Nguyên, móng guốc sắt của Mông Cổ đã chà đạp chúng ta thành những công dân hạng tư, thì tổ quốc của tôi có phải là Đại Nguyên không? Tôi có nên yêu tổ quốc ấy hay không?”

Bài viết cho biết, vào thời nhà Thanh, người Mãn Châu từ ngoài biên ải tiến vào, khi đó Thảm sát Dương Châu đã làm lu mờ Thảm sát Nam Kinh, “Tổ quốc của tôi có phải là Đại Thanh không? Tôi nên yêu tổ quốc ấy như thế nào?”

Thời gian trôi đi, mọi người cũng dần chấp nhận điều này. “Ai chiếm đoạt mẹ của bạn, bạn sẽ nhận hắn là cha mình, vậy có hèn hạ không?” Nếu ban đầu Nhật chiếm Trung Quốc, “chúng ta sẽ tung hô ‘Thiên Hoàng vạn tuế’ ư? Nếu sống đến 2.000 năm tuổi, tổ quốc của tôi thực sự là ai, thực khiến tôi vô cùng bối rối.”

Người Trung Quốc có 3 giấc mơ cổ xưa và 3 giấc mơ mới: Giấc mơ tự do, giấc mơ nhân quyền và giấc mơ chủ nghĩa hợp hiến

“Tôi có một tổ quốc trong trái tim mình, đó là nơi công bằng, chính trực và không có sự bất bình.” Bài viết tiếp tục, đó là nơi “cho phép bạn thắng, thắng một cách đường hoàng, và cho phép bạn thua, thua một cách tâm phục khẩu phục, luôn dang rộng đôi cánh che chở cho bạn, là nơi thắp lên niềm hy vọng trong tim bạn dù cuộc sống gian nan đến mức nào.”

“Tôi sẽ có một phiên bản nâng cấp của tổ quốc trong tay những người trẻ tuổi”, để mọi người yêu tổ quốc một cách sâu sắc. “Tổ quốc ấy khiến Hoa Kỳ ngưỡng mộ nền dân chủ của chúng ta, Đức ngưỡng mộ công nghệ của chúng ta, Nhật Bản ngưỡng mộ sự giàu có của chúng ta, Singapore ngưỡng mộ sự liêm khiết của chúng ta.”

Bài viết cũng nói rằng người Trung Quốc có 3 giấc mơ cổ xưa: Minh quân mộng, Thanh quan mộng và Hiệp khách mộng.

Minh quân mộng là có một vị hoàng đế tốt, và tất cả những điều tốt đẹp sẽ được người cai trị ban cho. Thanh quan mộng là một vị thanh quan hai ống tay áo chứa đầy thanh phong (gió mát), dám thẳng thắn can gián, dám kinh động tới cả vạn tuế gia. Hiệp khách mộng là ngay cả khi không thể trông chờ vào những thanh quan, thì hy vọng vẫn còn một vị hiệp khách tới báo mối thâm thù huyết hận này.

Người Trung Quốc cũng có 3 giấc mơ mới: Giấc mơ tự do, giấc mơ nhân quyền và giấc mơ chính quyền hợp hiến.

Giấc mơ tự do là “thoát khỏi áp lực thống nhất, không còn bị áp bức bởi chế độ độc tài và cường quyền”. Giấc mơ nhân quyền là “mọi người đều được hưởng quyền bình đẳng, không còn bất cứ đặc quyền nào hơn người bình thường, khiến người dân căm ghét và bất lực”.

Giấc mơ chính quyền hợp hiến là “hiến pháp của toàn dân, tất cả người dân cùng nhau xây dựng luật cơ bản dựa trên cơ sở bình đẳng của tất cả mọi người, và mọi thứ đều thượng tôn pháp luật.”

Cuối bài viết nói rằng 3 giấc mơ cổ xưa của người dân Trung Quốc là “giấc mơ vọng tưởng của những thần dân tiêu cực, bị động”, là “cơn ác mộng ngàn năm do chính sách ngu dân mang lại”, khiến người dân chỉ có thể trở thành con dê tế Thần, mặc “những người thống trị tự tung tự tác, tàn sát và cai trị vĩnh viễn”.

Ba giấc mơ mới là “sự công nhận giác ngộ xã hội”, “biểu hiện của sự thức tỉnh vĩ đại của toàn dân”, “kết quả của cuộc đấu tranh đẫm máu của những chí sĩ hiền nhân, và những giấc mơ ấy nhất định sẽ đến.”

Cư dân mạng: Trung Quốc không thiếu người có trí tuệ, nhưng thiếu quyền được lên tiếng

Theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), một số nhà phân tích cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nằm ngoài hiến pháp. Việc Trung Quốc có hiến pháp không có nghĩa là có chính phủ hợp hiến. Ở Trung Quốc, hiến pháp chỉ là tấm màn che mắt.

Nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc Trường Bình hiện đang sống ở Đức, cho biết khi nói đến hiến pháp Trung Quốc, thậm chí cả hệ thống luật pháp và chính trị của Trung Quốc, thì phương Tây luôn là một tài liệu tham khảo rất quan trọng, thậm chí còn là một trong những nội dung cốt lõi quan trọng về việc duy trì sự cai trị của ĐCSTQ.

Bởi hơn ai hết, ĐCSTQ biết rõ rằng nền dân chủ hợp hiến và chế độ độc tài độc đảng về cơ bản là mâu thuẫn với nhau. Nhưng họ vẫn muốn làm như vậy bởi vì ĐCSTQ có thứ mà họ gọi là “lý trí độc tài”.

Bài phát biểu trên được lan truyền rộng rãi, khiến cư dân mạng bình luận:

“Đã thấy hy vọng rồi, những người trẻ tuổi vẫn rất giỏi giang.”

“Bài viết hay! Nếu là sự thật, e rằng hiệu trưởng sẽ gặp xui xẻo.”

“Hy vọng đất nước bức tường có nhiều thanh niên đầu óc thanh tỉnh hơn.”

“Đây mới là hy vọng thực sự của đất nước và dân tộc này.”

“Trong dân gian Trung Quốc chưa bao giờ thiếu những người tỉnh táo.”

“Christopher Miao” nói: “Ở Trung Quốc không thiếu người có trí tuệ, cái thiếu là quyền được lên tiếng! Bọn côn đồ muốn dùng vũ lực ngăn cản toàn dân xây dựng một đất nước dân chủ, tự do, thịnh vượng và vững mạnh. Bởi vì nếu như vậy thì giấc mơ chinh phục và ngồi lên giang sơn của họ sẽ trở thành bọt biển!”