Người dân Hồng Kông đã hít khói hơi cay cả nửa năm qua, ngay cả lễ Giáng sinh cũng không ngoại lệ. Báo cáo kết quả kiểm nghiệm mới nhất cho thấy, tàn dư của chất CS (2-chlorobenzalmalononitrile) trong lựu đạn hơi cay lưu lại trong thời gian dài, dù có giặt rửa nhiều lần nhưng dư lượng của nó vẫn đủ để khiến cho da bị nhạy cảm, đồng thời kết quả cũng cho thấy chính phủ Hồng Kông trước đó đã nói dối về sự an toàn của lựu đạn hơi cay.

Lựu Đạn hơi cay, Cảnh sát Hồng Kông
Cảnh sát Hồng Kông sử dụng lựu đạn hơi cay trên đường Salisbury tối ngày 24/12 (Ảnh: Epoch Times)

Trong đêm Giáng sinh, nhiều cảnh sát chống bạo động đã xông vào trung tâm mua sắm The Gateway ở Tiêm Sa Chủy và xảy ra xung đột với người dân. Cảnh sát đã điên cuồng ném lựu đạn hơi cay và bắn đạn cao su, đồng thời còn điều động xe phun vòi rồng đến để giải tán đám đông. Có thị dân bị trúng đạn chảy máu, có cảnh sát còn dùng súng đạn thật chĩa về phía người biểu tình.

Nhật báo Apple Hồng Kông đã hợp tác cùng các kỹ sư hóa học ủy thác cho Trung tâm Hóa nghiệm châu Âu kiểm tra nhiều mặt nạ phòng độc và quần áo thu thập được trong cuộc xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát Hồng Kông hồi cuối tháng 8. Kết quả phát hiện trên găng tay của người biểu tình bị khói hơi cay tấn công, hàm lượng chất CS cao đến 148mg, gấp 1.000 lần hàm lượng khiến da bị nhạy cảm (0,1mg). 

Kiểm nghiệm còn phát hiện chất Malononitrile có độc tính cao trên một chiếc găng tay, có định lượng lên đến 36mg, được cho là phân giải từ CS ở nhiệt độ cao trong không gian kín. Bông lọc trong mặt nạ chống độc cũng phát hiện có lượng nhỏ chất CS.

Kiểm nghiệm còn cho thấy, CS lưu lại trên lưới lọc bụi điều hòa sau một tháng, nhất là độ bám dính lớn trên đồ dùng chất liệu vải và sơn tường. 

dem binh an
Đêm Bình An ngày 24/12, người dân Hồng Kông tổ chức hoạt động “Hát cùng bạn, Nguyện bình an quy Hương Cảng” tại nhiều trung tâm thương mại. Hình ảnh cảnh sát xông vào bên trong đám đông để bắt người (Ảnh: Epoch Times)

Nhật báo Apple Hồng Kông đưa tin, ngày 13/11, khi cảnh sát Hồng Kông xua đuổi người biểu tình ở khu vực trung tâm Tiêm Sa Chủy, đã bắn một quả lựu đạn hơi cay vào khu dân cư tầng thấp thuộc Lucky Plaza, khói nồng nặc đã xông vào trong phòng ngủ của vợ chồng ông bà Trịnh. Buổi chiều ngày hôm sau, phóng viên của tờ báo này đã nhờ kỹ sư hóa học đến phòng ngủ này để lấy mẫu đi hóa nghiệm, thì phát hiện lượng chất CS (2-chlorobenzalmalononitrile) là 29mg CS/1kg vỏ gối, trên lưới chắn bụi của máy hút ẩm khi chưa khởi động cũng có 15mg. 

Giáo sư Hứa Thụ Xương thuộc Khoa Nội và Thuốc trị liệu Học viện Y – Đại học Trung văn Hồng Kông trước đó cũng cho biết, mỗi một mét khối không khí có chứa 0,004mg chất CS là đã đủ khiến người bị kích thích mắt, còn 0,1mg đã đủ khiến da bị kích ứng. 

Trước đó, quan chức Hồng Kông từng nhiều lần công khai trên truyền thông và trả lời chất vấn trước Hội đồng lập pháp rằng ảnh hưởng của lựu đạn hơi cay chỉ là tạm thời, “cảnh sát đảm bảo lựu đạn hơi cay an toàn”

Cục Y tế Hồng Kông nói rằng dùng xà phòng có thể rửa sạch CS, đội ngũ hóa nghiệm hợp tác với Apple Daily kiểm nghiệm cũng phát hiện dùng bột giặt để giặt rửa cũng có hiệu quả tương đối tốt, mỗi lần giặt rửa có thể loại bỏ được 60% chất CS. Nếu muốn loại bỏ 99% CS trên vải hoặc vỏ gối, suy đoán cần phải mất 5 lần giặt. Tuy nhiên sau 5 lần giặt vẫn còn sót lại 1% (0,19mg) thì vẫn gấp 3 lần mức có thể khiến cho da bị nhạy cảm (0,1mg). 

dan hoi cay 2
Trong nửa năm qua, cảnh sát Hồng Kông đã sử dụng rất nhiều lựu đạn hơi cay, giống như một cuộc chiến tranh, sử dụng nhiều nhất lần lượt trong sự kiện bao vây Đại học Bách khoa Hồng Kông, cuộc đối đầu tại Đại học Trung văn Hồng Kông và ngày 1/10 (Ảnh từ internet)

Phó Giáo sư Trần Cảnh Minh – Chủ nhiệm bộ môn Khoa học môi trường Đại học Trung văn Hồng Kông, thành viên Hiệp hội chất độc Mỹ đã chia sẻ với Epoch Times, ông cho biết, vấn đề lớn nhất của cảnh sát hiện nay là sử dụng lựu đạn hơi cay không hợp lý, lựu đạn hơi cay sẽ nổ, khi bắn vào người sẽ gây thương tích. Ngoài ra, cảnh sát Hồng Kông bắn lựu đạn hơi cay vào trong khu vực dân cư, do không gian nhà ở của Hồng Kông nhỏ, tàn dư khói hơi cay lưu lại trong phòng tương đối khó loại bỏ. Trẻ nhỏ và người lớn tuổi tương đối nhạy cảm, hệ thống hô hấp và da của họ rất dễ bị kích ứng.

Sau khi bên trong nhà bị ảnh hưởng bởi khói hơi cay, ông kiến nghị cần mở cửa sổ, dùng quạt gió để thổi không khí ra bên ngoài, trên tường cần dùng bàn chải chải chà 2 – 3 lần mới có thể loại bỏ hóa chất, bởi vì chất CS trong lựu đạn hơi cay không dễ bị rửa trôi, rèm vải cửa sổ trong nhà bị ô nhiễm có thể không được tiếp tục dùng nữa. Lưới điều hòa không khí trong nhà cũng cần phải thay thế, bởi vì rất khó rửa sạch được. 

Về việc lựu đạn hơi cay ở khu dân cư, trường học tạo thành ô nhiễm, ông kiến nghị “cần tìm công ty vệ sinh chuyên nghiệp, nhân viên vệ sinh cần phải đeo thiết bị phòng hộ để tiến hành làm sạch. Làm sạch một lần là chưa đủ, cần phải nhiều lần.”

tran canh minh
Phó Giáo sư Trần Cảnh Minh – Chủ nhiệm bộ môn Khoa học môi trường Đại học Trung văn Hồng Kông, thành viên Hiệp hội chất độc Mỹ (Ảnh cắt từ video)

Ông cũng kiến nghị bệnh viện bị ô nhiễm bởi khói lựu đạn hơi cay, “Việc đầu tiên mà bệnh viện cần làm là làm sạch tất cả các điều hòa không khí, bởi vì của họ là hệ thống điều hòa trung tâm, chính là thay thế tất cả hệ thống kính trong nội bộ bao gồm cả lưới lọc bụi. Nếu không thay chất hóa học vẫn bám vào lưới lọc.”

Đối với việc làm sạch bên ngoài tường, ông đề nghị nên dùng vòi nước áp lực cao để rửa. 

Ông cũng nhắc nhở, hiện nay loại nước màu xanh mà xe bắn nước dùng lại càng phiền toái hơn “bởi vì có nhiều hóa chất được bắn trực tiếp vào đám đông”. 

Từ khi phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ tại Hồng Kông bùng nổ đến nay, cảnh sát đã sử dụng rất nhiều lựu đạn hơi cay trong các khu dân cư, gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Tuy nhiên phía chính phủ vẫn không hề công bố thành phần hóa học của lựu đạn hơi cay, nhất là loại lựu đạn hơi cay được Trung Quốc sản xuất lại càng khiến cho người khác nghi ngờ và lo lắng hơn. 

Ngoại giới cho rằng, nếu lựu đạn hơi cay không được sử dụng chính xác, thì sẽ trở thành vũ khí chí mạng. Dù vậy, việc cảnh sát sử dụng lựu đạn hơi cay đã vượt rất xa giới hạn an toàn và nhận thức chung về nhân đạo. 

Tối ngày 6/12, 200.000 người Hồng Kông đã tập trung tại Quảng trường Edinburgh để tổ chức mít tinh, công bố kết quả cuộc khảo sát người dân, trong 72 tiếng đồng hồ đã thu thập được 17.819 đáp án trả lời trên mạng, kết quả phát hiện, sau khi hít phải khói hơi cay, phản ứng xuất hiện nhiều nhất lần lượt là ho, khó thở, da bị ngứa. 

Từ ngày 6/9 đến ngày 9/12, trong phong trào đấu tranh tại Hồng Kông này, phía cảnh sát đã bắn tổng cộng 16.000 quả lựu đạn hơi cay, khoảng 10.000 viên đạn cao su, khoảng 2.000 viên đạn túi vải và khoảng 1.850 viên đạn bọt biển.

Trí Đạt (Theo Epoch Times)

Xem thêm: