Chính phủ Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã cáo buộc Bắc Kinh bỏ tù hơn 10.000 người vào năm 2022 trong một chiến dịch mở rộng đàn áp đối với tín ngưỡng tôn giáo nhằm đặt mọi hoạt động này dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Báo cáo 2021: 14.290 người tập Pháp Luân Công bị bức hại, 101 tử vong
Bà Chu Ái Lâm, một người tập Pháp Luân Công tại Vũ Hán đang bị đưa tới “trung tâm tẩy não” vào ngày 29/9/2021. (Ảnh: Minghui.org)

Con số ước tính về những người bị cầm tù ở quốc gia này là “từ thấp hàng nghìn đến hơn 10.000” là một trong nhiều cáo buộc có trong Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao, được xuất bản hàng năm kể từ năm 1999 và bao gồm gần 200 quốc gia.

Phần báo cáo về Trung Quốc dựa trên các báo cáo của các nhóm vận động nhân quyền bao gồm Freedom House và các nhóm tôn giáo như Hội thánh Đức Chúa Trời Toàn Năng (CAG), cũng như thông tin công khai từ chính phủ Trung Quốc.

Ví dụ, báo cáo trích dẫn khẳng định của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm ngoái tại đại hội đảng lần thứ 20 rằng “tôn giáo ở Trung Quốc phải mang định hướng của Trung Quốc” như một dấu hiệu cho thấy điều mà Bộ Ngoại giao gọi là “chiến dịch chống lại các nhóm tôn giáo mà họ gọi là ‘giáo phái’, bao gồm CAG và Pháp Luân Công”.

Trích dẫn các nhóm vận động nhân quyền, báo cáo cho biết chính phủ Trung Quốc ngày càng xếp các nhóm trên vào danh sách thù địch với chế độ, và các tòa án ngày càng áp dụng các hình phạt chống lại các nhóm không có trong danh sách chính thức.

“Các nhà chức trách tiếp tục bắt và giam giữ các nhà lãnh đạo và thành viên của các nhóm tôn giáo, thường là những người có liên hệ với các nhóm không đăng ký với các hiệp hội tôn giáo được nhà nước phê chuẩn,” báo cáo cho biết thêm.

“Các nhà chức trách được cho là đã sử dụng những cáo buộc mơ hồ hoặc không có căn cứ, đôi khi liên quan đến hoạt động tôn giáo, để kết án và đã kết án các nhà lãnh đạo và thành viên của các nhóm tôn giáo nhiều năm tù.”

Được xuất bản theo yêu cầu của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998, phần 49 trang về Trung Quốc của báo cáo nêu bật một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong mối quan hệ song phương Mỹ – Trung.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã coi việc Bắc Kinh đối xử với các nhóm thiểu số tôn giáo của đất nước bao gồm cả người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ là ưu tiên hàng đầu, dẫn đến các luật gần đây như Đạo luật Ngăn ngừa Lao động Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ và các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chính phủ Trung Quốc.

Hồng Kông cũng bị giám sát chặt chẽ vì vụ bắt giữ đối với nhà lãnh đạo Công giáo đã nghỉ hưu Joseph Zen Ze-kiun và năm nhà hoạt động khác.

Cả sáu người đang bị điều tra theo luật an ninh quốc gia của Hồng Kông vì cáo buộc thông đồng với các lực lượng nước ngoài để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với thành phố.

Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, gọi những lời buộc tội trong báo cáo là “trái ngược với sự thật cơ bản và bắt nguồn sâu xa từ thành kiến ý thức hệ”.

Lê Vy