Một số kênh truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đã đưa tin thổi phồng vụ xung đột ở Hoa Kỳ, nói rằng những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã tràn vào phá hoại bên trong tòa nhà quốc hội. Truyền thông TQ nhân cơ hội này tuyên truyền mạnh để dành sự ủng hộ của người dân trong nước đối với chế độ. Giới phân tích chỉ ra rằng hệ thống xã hội của Trung Quốc không thể so sánh với hệ thống xã hội của Hoa Kỳ. Hơn nữa nếu cuộc mít-tinh này của Hoa Kỳ diễn ra ở Trung Quốc, thì hiển nhiên sẽ bị quân đội ĐCSTQ với xe tăng, súng ống dập tắt toàn diện.

Biểu tình Washington 6 1G 1
(Ảnh: Chụp màn hình video)

Sau buổi mít-tinh “Cứu nước Cộng Hòa” được tổ chức tại Washington DC vào ngày 6/1, hàng ngàn người đã tuần hành đến Điện Capitol của Hoa Kỳ với khẩu hiệu “Ngừng đánh cắp bầu cử“, kêu gọi các nghị sĩ tham dự cuộc họp ngày hôm đó ngăn chặn việc chứng nhận phiếu đại cử tri tại 6 bang dao động. Vào buổi chiều, xung đột đã nổ ra giữa cảnh sát và dân thường, cảnh sát quốc hội bắn chết một phụ nữ. Cùng thời điểm, Tổng thống Trump kêu gọi những người có mặt tại buổi mít-tinh “giữ hòa bình và trở về nhà bình yên” do đó sự việc nhanh chóng lắng dịu xuống.

Tuy nhiên, sự việc đã thu hút các báo cáo phóng đại từ các kênh truyền thông ĐCSTQ: Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo, Đài truyền hình trung ương CCTV và Thời báo Hoàn cầu, và thậm chí cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra mặt ‘giễu cợt’.

Tân Hoa Xã đưa tin, cộng đồng quốc tế cũng cảm thấy bất an trước sự việc Quốc hội Hoa Kỳ bị tấn công bạo lực. Tờ Nhân dân Nhật báo còn thêm mắm thêm muối miêu tả rằng, “Biểu tình kháng nghị, tiếng súng nổ lên từ mọi phía, xung đột đổ máu… Cảnh tượng chiến trường trên Đồi Capitol đã gây chấn động thế giới. Phong cách dân chủ Mỹ vốn đã bị phá hoại nặng nề nay lại thêm sự việc này làm mất hết thể diện.” CCTV cũng chẳng chút e dè nói rằng, “Đám đông đập phá Đồi Capitol, đập tan nát nền dân chủ Mỹ.”

Ngày 7/1, Thời báo Hoàn cầu đã đăng tải một số hình ảnh về cuộc xung đột tại tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ trên Twitter, và so sánh với hình ảnh những người biểu tình Hồng Kông chiếm giữ tòa nhà Hội đồng Lập pháp vào tháng 7/2019, nhằm châm biếm liệu chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi liệu còn có thể sử dụng thuật ngữ “cảnh tượng xinh đẹp” dùng miêu tả Hồng Kông lúc ấy để mô tả tình hình ở Hoa Kỳ vào ngày 6/1 hay không.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc cũng tranh thủ cơ hội, đăng một loạt ảnh về cuộc xung đột tại tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ trên Weibo chính thức của mình, kèm lời chế giễu “Quốc hội Hoa Kỳ, cảnh tượng chân thực đẹp đẽ nhất”, đồng thời cũng châm biếm phát biểu của bà Pelosi ủng hộ cuộc đấu tranh ở Hồng Kông vào năm 2019.

Vào ngày 7/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ trích các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và giới truyền thông, trước các sự kiện kháng nghị đối với Hoa Kỳ và đối với các cơ quan lập pháp của Hồng Kông. Đội quân ‘tiểu phấn hồng’ Đại Lục cũng nhân cơ hội này để quảng bá tính ưu việt của “chế độ xã hội Trung Quốc” theo cách thức tương tự, là cường điệu và bôi nhọ về nền dân chủ Hoa Kỳ.

Đối với các phát biểu trên của truyền thông ĐCSTQ, Đài Á Châu Tự Do đã chỉ ra rằng, truyền thông ĐCSTQ thổi phồng “bối cảnh xung đột” ở Hoa Kỳ thực ra là nhằm “để chính quyền nhận được sự ủng hộ từ công chúng.”

Báo cáo cũng dẫn lời học giả độc lập Bắc Kinh Tra Kiến Quốc (Zha Jianguo):  “Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai hệ thống chính trị hoàn toàn khác biệt. Vấn đề là liệu có dân chủ ở Trung Quốc hay không, tức là người dân Trung Quốc có quyền biểu tình hay không? Ở Trung Quốc là không có quyền này!” Trong khi đó, Hoa Kỳ là đã có dân chủ, quan trọng là làm thế nào để làm tốt hơn thôi. Hai bên về cơ bản là không thể so sánh.

Giáo sư Lý Hướng Quần (Li Xiangqun) ở Bắc Kinh cũng chỉ ra rằng, hệ thống của Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ nắm quyền là kém xa Hoa Kỳ. Nếu sự kiện này xảy ra ở Trung Quốc Đại Lục thì hậu quả hẳn sẽ rất nghiêm trọng, bởi vì “ở trong nước là quyền lực nhà nước tập trung”, “Nếu thực sự đánh vào những cơ quan quan trọng này, chắc chắn sẽ bị bắn chết ”.

Học giả độc lập Hà Bắc, Trung Quốc Đinh Kiệt (Ding Jie) tin rằng hệ thống chính trị Mỹ có khả năng khắc phục mạnh mẽ, chính vì vậy, trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, mặc dù xã hội Mỹ đã có những ý kiến ​​khác nhau, nhưng “dù là Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa thì họ cũng không phá vỡ cấu trúc tam quyền phân lập ở Hoa Kỳ, tư pháp vẫn độc lập, dân chủ vẫn hiệu quả và quyền lực của tổng thống vẫn được kiểm soát.” Vì vậy, người dân Hoa Kỳ tin tưởng rằng thông qua các phong trào xã hội của họ, “những vấn đề (khiếm khuyết) này sẽ sớm bị phơi bày, và được giải quyết thông qua tham vấn dân chủ.”

Tuy nhiên, một số quốc gia có “quyền lực nhà nước tập trung” thì không có khả năng tự khắc phục như vậy. Ông Đinh Kiệt nói, “Họ nằm dưới áp lực thống nhất từ trên cao đè xuống, cái áp lực nội bộ to lớn đó đã bị che đậy. Ví dụ, chế độ Ceausescu (Romani), Liên Xô cũ và chế độ Gaddafi (Lybia), tất cả đều sụp đổ chỉ sau một đêm.“

Lê Tiểu Quỳ, Vision Times tiếng Trung

Xem thêm: