Số cử tri đi bầu cử đã đạt mức kỷ lục so với các cuộc bỏ phiếu cấp quận 4 năm trước. Cuộc bầu cử này được xem là thước đo sự ủng hộ đối với Trưởng Đặc khu Carrie Lam. Trong khi đó, các nhóm biểu tình hy vọng cuộc bầu cử sẽ gửi một thông điệp tới chính quyền Trung Quốc sau hơn 5 tháng biểu tình chống chính phủ. 

Embed from Getty Images

Người dân Hồng Kông xếp hàng dài tham gia cuộc bầu cử cấp quận từ sáng 24/11.

Theo BBC, tính đến giờ trưa ngày Chủ Nhật (24/11), số lượng cử tri đi bầu cử đã vượt qua tổng số lượng người tham gia các cuộc bầu cử năm 2015.

Truyền thông quốc tế ghi nhận ngay từ sáng sớm 24/11 đã có hàng dài người dân Hồng Kông xếp hàng dài tham gia bầu cử. Trước đó, giới chức đã cảnh báo rằng họ sẽ dừng bầu cử nếu bạo động xảy ra.

Khoảng thời gian sắp tới cuộc bầu cử này, các nhóm biểu tình ủng hộ dân chủ đã kêu gọi người dân không gây gián đoạn bầu cử. Tính cho đến đầu giờ chiều ngày 24/11, chưa có báo cáo nào về tình trạng bạo động tại các điểm bầu cử.

Được biết, số lượng cử tri đăng ký tham gia bầu cử cấp quận tại Hồng Kông năm nay đạt con số kỷ lục với 4,1 triệu người, chiếm hơn một nửa dân số Hồng Kông (7,4 triệu người).

Cuộc bầu cử này sẽ chọn ra hơn 400 thành viên hội đồng của hội đồng cấp quận tại Hồng Kông.

Các nhà vận động ủng hộ dân chủ hy vọng họ sẽ có thể tăng đại diện trong hội đồng địa phương. Hội đồng này truyền thống có ảnh hưởng tới việc lựa chọn Trưởng Đặc khu.

Các ứng cử viên thân Bắc Kinh đang kêu gọi cử tri ủng hộ họ để bày tỏ sự thất vọng trước những biến động gây ra bởi các cuộc đụng độ liên tục giữa người biểu tình và cảnh sát.

Cuộc bầu cử đang diễn ra thế nào?

Các hòm phiếu bắt đầu mở vào 7:30 sáng Chủ Nhật 24/11 (giờ Hồng Kông). Cho tới 14:30 cùng ngày, có hơn 1,7 triệu người đã đi bầu (chiếm 42,26% tổng số cử tri đăng ký). Cùng thời điểm này của cuộc bầu cử năm 2015, số cử tri đi bầu là 654.657 người (chiếm 20,97% tổng số cử tri đăng ký).

Trong cuộc bầu cử cấp quận năm 2015, tổng số cử tri đi bầu là 1,467 triệu. Khi đó số người đăng ký tham gia bầu cử là 3,1 triệu người.

Cuộc bầu cử năm nay, hơn 1000 ứng cử viên đang cạnh tranh cho 452 ghế của hội đồng cấp quận. Đây là lần đầu tiên tất cả vị trí trong hội đồng quận đều bầu lại. Hơn 27 ghế khác được phân bổ cho đại diện của các huyện nông thôn.

Hội đồng quận hiện tại đang do các đảng thân Bắc Kinh chiếm đa số ghế. Báo giới phản ánh rằng họ thấy cảnh sát đứng bên ngoài một số địa điểm bỏ phiếu và trên các đường phố, nhưng với mật độ ít.

Sau khi tham gia bỏ phiếu vào sáng nay, Trưởng Đặc khu Carrie Lam phát biểu rằng: “Đối mặt với tình hình cực kỳ thách thức này, tôi vui mừng thông báo rằng… chúng ta đã có môi trường yên bình, ôn hòa tương đối cho cuộc bầu cử hôm nay.

Công việc kiểm phiếu sẽ bắt đầu ngay sau khi các cuộc bỏ phiếu khép lại vào 22:30 hôm nay (24/11). Kết quả sơ bộ có thể được công bố sớm nhất vào khoảng giữa đêm nay.

Tại sao cuộc bầu cử này quan trọng?

Các hội đồng cấp quận tại Hồng Kông thường có rất ít quyền lực, do đó thông thường các cuộc bầu cử này diễn ra ở cấp độ rất cục bộ, không nhận được nhiều quan tâm. Nhưng cuộc bầu cử năm nay có một vị thế hoàn toàn khác.

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát từ giữa tháng Sáu, do đó cuộc bầu cử này sẽ được xem như một bài thử rõ ràng, phản ánh bao nhiêu người vẫn đang ủng hộ chính phủ của bà Carrie Lam.

Trao đổi với Reuters, phó giáo sư Kenneth Chan của Đại học Baptist Hồng Kông cho biết: “Người dân tại Hồng Kông đã bắt đầu xem cuộc bầu cử này như là một cách bổ sung để nói rõ và biểu đạt quan điểm của họ đối với thực trạng của Hồng Kông nói chung và với chính quyền của bà Carrie Lam nói riêng.”

Sau đó, mọi thứ sẽ hướng về ghế trưởng đặc khu Hồng Kông. Theo hệ thống luật bầu cử hiện nay của hòn đảo bán tự trị này, 117 thành viên hội đồng cấp quận cũng sẽ có ghế trong ủy ban 1.200 thành viên có quyền bầu ra trưởng đặc khu Hồng Kông.

Do đó, một chiến thắng ở cuộc bầu cử cấp quận này của phe ủng hộ dân chủ có thể thực sự sẽ giúp họ có tiếng nói lớn hơn trong việc chỉ định ai sẽ trở thành trưởng đặc khu nhiệm kỳ tiếp theo.

Trước cuộc bầu cử này, nhà hoạt động động dân chủ Hoàng Chi Phong là ứng viên duy nhất bị cấm tham gia tranh cử. Hoàng Chi Phong vận động tranh cử cho ứng viên Kelvin Lam. “Điều đầu tiên cần làm hôm nay: Hãy đi bỏ phiếu!,” Hoàng Chi Phong đăng tweet vào sáng sớm 24/11 để vận động người dân tham gia bầu cử.

Xuân Thành

Xem thêm: