“Cậu bé 8 tuổi tại Phúc Châu không khỏe và qua đời sau khi giơ tay 7 lần [trong lớp học]” đã trở thành chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo ở Trung Quốc Đại Lục hôm 24/2, thu hút rất nhiều sự chú ý và thảo luận của cư dân mạng.

p3292651a807599525
Bé trai 8 tuổi tử vong sau khi giơ tay 7 lần, video giám sát lớp học do phụ huynh cung cấp. (Ảnh chụp màn hình video)

Mặc dù sự việc “Cậu bé 8 tuổi ở Phúc Châu qua đời sau khi giơ tay 7 lần vì cảm thấy không khỏe” xảy ra cách đây đã 3 năm nhưng vẫn thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc Đại Lục. Ba năm đã trôi qua kể từ thảm kịch, nhưng đến nay vụ án vẫn chưa có hồi kết. Cha mẹ của cậu bé xấu số này cảm thấy đau buồn và bất lực, không còn cách nào khác đành phải tâm sự với cộng đồng mạng về tình cảnh của mình.

Cô Lục (Lu), mẹ của cậu bé, đăng thông tin nói rằng con trai cô là bé Duoduo (hóa danh) ban đầu đang học tại trường tiểu học Hồ Tân, thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Tháng 11/2020, Duoduo cảm thấy sức khỏe không tốt trong lớp học ở trường tiểu học ở quận Cổ Lâu (thành phố Phúc Châu), em đã giơ tay 7 lần trong 10 phút nhưng giáo viên không đưa cậu bé ra khỏi lớp. Hết giờ học, Duoduo bị ngã ở góc cầu thang và tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện.

Cô Lục đặt nghi vấn nhà trường và giáo viên không kịp thời có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn bi kịch, phải chịu trách nhiệm về cái chết của cậu bé, nên đã kiện nhà trường và giáo viên ra tòa.

Theo lời kể của cô, sau khi Duoduo qua đời, cả gia đình vô cùng đau buồn, đặc biệt ông nội của cậu bé cũng qua đời trong uất hận không lâu sau khi biết tin dữ. Sự ra đi liên tiếp của hai người thân đã gây ra tổn thương nặng nề cho người mẹ này, dù sau này chuyện này đã trở thành vấn đề pháp lý nhưng kết quả của phiên tòa sơ thẩm khiến cả gia đình không thể chấp nhận được.

(Nội dung tweet: Trẻ em Trung Quốc quá phục tùng! [Cậu bé không khỏe và đã qua đời sau khi giơ tay 7 lần. Phòng giáo dục địa phương: đã bước vào trình tự pháp lý])

Theo phóng viên tờ Tân Hoàng Hà tại Trung Quốc Đại Lục, hiện tại phán quyết sơ thẩm vụ án này là nhà trường hiện chịu 20% trách nhiệm, nhưng phụ huynh không hài lòng với phán quyết và đã kháng cáo, vụ án hiện đang bước vào giai đoạn phúc thẩm.

Cô Lục nói với phóng viên rằng kể từ khi cô đăng thông tin lên Internet, gần đây cô đã nhận được một số nghi ngờ từ cư dân mạng. “Có người nói con cô mắc bệnh nền, có người nói tôi đang cố moi tiền, có người tung tin nói tôi sắp ly hôn… Nếu vợ chồng chúng tôi thực sự muốn moi tiền thì có cần đợi đến bây giờ mới lên tiếng?”

Cô Lục tin rằng sẽ có một phán quyết công bằng trong phiên phúc thẩm, trả lại công bằng cho Duoduo.

Theo cảnh quay từ camera giám sát lớp học do phụ huynh cung cấp, ngày 5/11/2020, từ 10:21 đến 10:31, trong khoảng 10 phút, nam sinh mặc áo xanh giơ tay 7 lần nhưng giáo viên không đưa cậu bé ra khỏi lớp. Sau khi giơ tay lần thứ 7, giáo viên nói vài lời với cậu bé, và cậu bé nằm xuống bàn. Vị phụ huynh này cho biết cô đã tìm hiểu được từ các bạn cùng lớp rằng cô giáo đã yêu cầu cậu bé chịu đựng và nằm xuống bàn trước.

Đoạn video giám sát sau đó cho thấy giáo viên tiếp tục dạy trong khi cậu bé nằm trên bàn trong 20 phút cho đến khi ra khỏi lớp lúc 10:53 phút. Lúc 10:56, đoạn phim giám sát ở cầu thang cho thấy các em đang xếp hàng rời trường, cậu bé mặc áo xanh bước xuống cầu thang một cách khó khăn và được cô giáo đỡ.

Phụ huynh cho biết, theo tìm hiểu, lúc 10:57 phút, cậu bé bị ngã ở góc cầu thang. Lúc 11:02 phút, bố của cậu bé được giáo viên dạy toán đưa đến hiện trường vụ việc, và gọi cấp cứu 120 để đưa con đến bệnh viện.

Phụ huynh cho rằng khi sự việc xảy ra, thái độ và cách xử lý của giáo viên còn thờ ơ, không đủ quan tâm đến cháu, không kịp thời có biện pháp hữu hiệu để tránh xảy ra bi kịch.

Mẹ của cậu bé cho biết có camera giám sát ở góc cầu thang nơi cậu bé bị ngã nhưng họ không xem được đoạn video ghi lại cảnh đó. Về việc này, nhà trường đã giải thích với phụ huynh rằng vị trí cháu bé bị ngã nằm trong góc chết khó quan sát, nhưng phụ huynh không đồng ý với nhận định này.

Cư dân mạng bình luận

Cái chết thương tâm của Duoduo cũng trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận sôi nổi về việc liệu nhà trường và giáo viên có phải chịu trách nhiệm gì hay không và họ phải chịu trách nhiệm đến mức nào.

Một cư dân mạng từ Trung Quốc Đại Lục viết rằng theo đoạn video hiện được đăng tải trên mạng, dù cậu bé đã giơ tay 7 lần nhưng giáo viên dường như không nhìn thấy cậu, thậm chí còn tỏ thái độ thiếu kiên nhẫn. Cuối cùng, cô giáo thậm chí còn yêu cầu cậu học sinh này chịu đựng. Từ những cảnh quay được chia sẻ, có thể thấy học sinh lúc đó đã rất khó chịu, đi lại loạng choạng và khóc ầm ĩ trên hành lang vì cảm giác khó chịu quá mạnh. Vị giáo viên họ Bào đã phớt lờ trong suốt quá trình, còn bắt học sinh xuống cầu thang, thậm chí còn trách móc học sinh không được khóc. Do quá yếu, nên cậu bé sơ ý ngã ở góc tường tầng 2, đập vào gáy và hôn mê ngay tại chỗ.

Dù được bố mẹ đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng thời gian cấp cứu tốt nhất đã bị lỡ mất, và cậu bé không may đã qua đời. Hơn nữa, theo tiết lộ của phụ huynh, khi đó ông không thấy bóng dáng bác sĩ của trường, đến bệnh viện kiểm tra thì phát hiện là xuất huyết nội sọ, cái chết đột ngột của cậu bé chắc chắn khiến gia đình vô cùng đau đớn.

Theo bình luận của cư dân mạng Đại Lục, có nhiều ý kiến khác nhau về vụ việc này:

Có người cho rằng: “Hơi nực cười khi chỉ có nhà trường chịu trách nhiệm 20%… Tôi thấy giáo viên phải chịu 70% trách nhiệm, nhà trường 20%, 10% còn lại phụ thuộc vào việc trẻ có bất kỳ lịch sử bệnh nào không“.

Một cư dân mạng khác nói: “Học cao để làm thầy, và ngay thẳng để làm mẫu. Là một giáo viên tiểu học, bạn không chỉ giảng và dạy mà còn phải chịu trách nhiệm về sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Một đứa trẻ 8 tuổi thường sợ giáo viên của mình một cách tự nhiên, vì vậy nó sẽ không giơ tay giơ tay 7 lần trừ khi đó là trường hợp khẩn cấp. Thứ hai, nhà trường và giáo viên nên hiểu học sinh có bệnh nền hay không. Đứa trẻ sau khi ngất đi nhưng lại không được đưa đến bệnh viện trước mà đợi phụ huynh đến trường gọi điện thoại cho bệnh viện thì mới được trực tiếp đưa đến bệnh viện, khoảng thời gian này đã lãng phí biết bao nhiêu thời gian. Tôi nghĩ giáo viên và nhà trường phải chịu trách nhiệm chính về cái chết của cháu bé”.

Một người khác nói: “Tôi chỉ muốn hỏi: (1) Cơ sở nào cho trách nhiệm pháp lý 20%? (2). Hoặc là hỏi thế này: Trẻ phải giơ tay bao nhiêu lần thì nhà trường mới chịu 50% trách nhiệm? (3). Ngay cả khi tranh chấp trách nhiệm không rõ ràng, tại sao lại làm nhục mẹ của đứa trẻ trước? Có phải tất cả họ đều nghĩ rằng họ thuộc tầng lớp đặc biệt, rằng con cái và gia đình họ sẽ không bao giờ gặp tai họa như vậy trong tương lai, và họ sẽ luôn là người nhặt dưa và ăn dưa ở nhà? (4). Đứa trẻ đã giơ tay 7 lần, cho dù về sau không có bi kịch xảy ra, cô giáo không có nghĩa vụ phải đáp lại và quan tâm đến cháu sao? Hay bạn có kế hoạch lớn lên và trở thành Hồ Hâm Vũ trong tương lai?” (Hồ Hâm Vũ 15 tuổi ở Giang Tây bị mất tích tại trường, nghi bị giết lấy nội tạng).