Gần đây, dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) bùng phát chưa từng thấy ở Trung Quốc, khiến hệ thống bệnh viện ở những nơi trọng điểm như Thượng Hải bị quá tải, tuy nhiên dữ liệu công khai về dịch bệnh của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến cộng đồng quốc tế khó hiểu. Ngày 22/12, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã gọi điện cho người đồng cấp Vương Nghị đề nghị chia sẻ thông tin sự thật về dịch bệnh.

Thuong Hai
Bệnh viện ở Thượng Hải đang vật lộn khi dịch bệnh tái bùng phát. (Ảnh chụp màn hình video)

Theo Reuters, đêm 23/12 Bệnh viện Đức Tế ở Thượng Hải đã ban hành lệnh huy động bi thảm trên tài khoản xã hội WeChat, nói rằng trước cuối năm nay một nửa trong số 25 triệu dân Thượng Hải (tức 12,5 triệu người) sẽ bị nhiễm COVID-19, và ước tính có khoảng 5,43 triệu người ở Thượng Hải đang dương tính với COVID-19. Bài đăng trên WeChat có tiêu đề “Cuộc chiến phòng chống dịch bệnh đỉnh điểm bi thảm: Hồi chuông chiến dịch Xuân – Thánh – Nguyên” (chỉ dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch cùng kỳ Lễ hội mùa xuân), cảnh báo các nhân viên y tế chuẩn bị cho dịch bệnh “nghiêm trọng và tàn khốc”.

Bệnh viện tư nhân có khoảng 400 nhân viên y tế này cho biết: “Đêm Giáng sinh, Tết Dương lịch và Lễ hội mùa xuân được định sẵn là không an toàn… Đối mặt với tình hình nghiêm trọng và tàn khốc, Đại Thượng Hải sẽ thất thủ; toàn bộ nhân viên y tế các bệnh viện cùng người bệnh nằm viện và người thân đều sẽ bị nhiễm bệnh. Nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác, chúng ta phải đồng lòng ứng phó, chúng ta không thể thoát khỏi”.

Trước lo ngại tình hình COVID-19 ở Trung Quốc có thể gây biến thể lây lan ra thế giới, hôm thứ Năm (22/12) Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ thông tin về đợt bùng phát COVID-19. Ông nói với người đồng cấp Vương Nghị rằng điều quan trọng là phải minh bạch về đợt bùng phát đang gia tăng, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghi ngờ rằng nhà chức trách cố tình giả mạo số liệu người chết.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã đưa ra một tuyên bố tại Washington vào tối thứ Năm, nói rằng trong cuộc điện đàm với ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Blinken đã “thảo luận về tình hình COVID-19 hiện nay tại Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch đối với cộng đồng quốc tế”.

Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc điện đàm không đề cập đến dịch bệnh, mà chỉ nói rằng hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan đến Ukraine và Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ lo ngại vào đầu tuần này rằng đợt bùng phát ngoài tầm kiểm soát ở Trung Quốc có thể tạo ra các biến thể mới của COVID-19, làm lây lan dịch bệnh ra khắp thế giới. Ông nói: “Điều hết sức quan trọng đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, chính là tập trung vào tiêm vắc-xin, cung cấp dịch vụ xét nghiệm và điều trị, đồng thời chia sẻ thông tin với thế giới về những gì họ đang trải qua”. “Điều đó có ý nghĩa không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với toàn thế giới. Vì vậy, chúng tôi hy vọng điều đó [chia sẻ thông tin] sẽ xảy ra,” ông nói thêm.

Ông Blinken cũng nói rằng bất cứ khi nào COVID-19 lây lan đều có khả năng gây ra biến thể mới và chúng sẽ di chuyển xa tấn công các quốc gia khác trên thế giới. Việc Trung Quốc phong tỏa do COVID cũng đã có tác động rõ ràng đến nền kinh tế toàn cầu.

Quan hệ Mỹ-Trung vẫn căng thẳng mặc dù Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý khởi động lại đối thoại đa phương tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11. Gần đây, chính quyền Biden tiếp tục gia tăng sức ép lên Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ, áp đặt các hạn chế đối trong xuất khẩu thiết bị sản xuất chip và chất bán dẫn tiên tiến, tiếp tục bao vây ĐCSTQ.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh đang hoành hành ở Trung Quốc, Mỹ đã nhiều lần chìa cành ô liu cho Bắc Kinh. Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng Mỹ đã sẵn sàng giúp Trung Quốc đối phó với sự bùng phát nhanh chóng bằng vắc-xin, nhưng lưu ý rằng cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa yêu cầu hỗ trợ. Ông nói: “Chúng tôi muốn thấy Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh. Nhà Trắng đã hai lần công khai bày tỏ sẵn sàng cung cấp viện trợ miễn phí, nhưng đều bị ĐCSTQ từ chối”.

Phát ngôn viên Lưu Bằng Vũ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết trong một tuyên bố rằng kho dự trữ vắc-xin của Trung Quốc “về cơ bản đáp ứng nhu cầu” và các mũi tiêm nhắc lại đang được triển khai, đồng thời các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm xử lý ổ dịch sẽ duy trì liên lạc với các đối tác Mỹ.

Hôm thứ Sáu (23/12), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Sản xuất vật tư y tế trong nước của Trung Quốc đang mở rộng và nhìn chung đã đủ dùng rồi.

Bà Mao Ning trong một cuộc họp báo thường kỳ cho biết tình hình phòng chống dịch bệnh ở Trung Quốc nhìn chung đã trong tầm có thể dự đoán và kiểm soát được. Bà đã nhận xét như vậy khi có câu hỏi về vấn đề Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng Trung Quốc không yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp vắc-xin.

Bà Mao Ninh cho biết: “Hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc đang tăng lên, cũng như khả năng điều trị của vắc-xin đối với con người cũng tăng theo.”

Tái diễn kịch bản COVID-19 3 năm trước ở Vũ Hán? WHO yêu cầu dữ liệu thực

Kể từ ngày 7/12 khi chính quyền ĐCSTQ đột ngột bãi bỏ chính sách ‘Zero COVID’ đến nay, nhà chức trách ĐCSTQ công bố chỉ có 8 trường hợp tử vong vì COVID-19. Nhưng dữ liệu của công ty nghiên cứu Airfinity Ltd. có trụ sở tại London cho hay thực tế trường hợp tử vong vì COVID-19 Trung Quốc có thể đến hơn 5.000 người mỗi ngày. Minh chứng từ cộng đồng mạng cũng cho thấy qua các video về các bệnh viện quá tải ở mọi quy mô, các túi thi thể chất đống trong nhà xác bệnh viện, bệnh nhân và xác chết chen chúc nhau trong hành lang bệnh viện…

Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) chỉ ra một biên bản cuộc họp của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm thứ Tư cho thấy, chỉ riêng trong ngày 20/12 Trung Quốc đã có gần 37 triệu ca COVID-19, chiếm 17,56% tổng dân số Trung Quốc Đại Lục.

Tuy nhiên, kể từ khi ĐCSTQ bỏ phong tỏa ‘Zero COVID’ họ đã không gửi bất kỳ dữ liệu nhập viện mới nào cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Một lần nữa ngày 21/12, người đứng đầu bộ phận quản lý khẩn cấp của WHO là ông Ryan cũng đã kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ thông tin về nguồn gốc của COVID-19.

Chỉ trong vòng 2 tuần, các bệnh viện tại các thành phố lớn nhỏ ở Trung Quốc lại một lần nữa hứng chịu thảm cảnh tương tự như dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán 3 năm trước, WHO bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về điều này. Ngày 21/12, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom kêu gọi các cơ quan chức năng Trung Quốc đẩy nhanh việc tiêm phòng cho người già và người ốm yếu, WHO cũng yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về dịch bệnh. Ông Tedros Adhanom nhấn mạnh WHO cần thông tin chi tiết hơn về mức độ nghiêm trọng của bệnh, số người nhập viện và nhu cầu trường hợp chăm sóc đặc biệt để đánh giá rủi ro toàn diện.

Điều này gợi nhớ đến tình huống vào đầu năm 2020 khi WHO ngay lập tức yêu cầu chính quyền Bắc Kinh cung cấp thông tin chi tiết về dịch bệnh, nhưng không thể có được thông tin xác thực. Sau đó tình hình nghiêm trọng diễn ra tại các bệnh viện lớn ở Vũ Hán khiến ĐCSTQ không thể che giấu dịch bệnh được nữa, buộc phải thừa nhận có xảy ra “lây truyền từ người sang người”. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã từ chối hợp tác với WHO để điều tra quy mô và nguồn gốc của dịch bệnh. Phải mất hơn một năm, ĐCSTQ mới cho phép đại diện của WHO đến Trung Quốc để tiến hành điều tra (do ĐCSTQ sắp xếp trước), nhưng vấn đề WHO đã thu được bao nhiêu thông tin đáng tin cậy ở Trung Quốc và biết được bao nhiêu về nguồn gốc của COVID-19 vẫn còn là bí ẩn, cũng không thể biết số người Trung Quốc đã chết vì COVID-19.

Nhiều chuyên gia y tế công cộng lo ngại về sự kém hiệu quả của vắc-xin nội địa Trung Quốc. Ông Ryan cho biết: “Mặc dù chúng tôi không tham gia vào việc này, nhưng chúng tôi tin rằng đã có các cuộc thảo luận giữa chính quyền Trung Quốc và ít nhất một nhà sản xuất vắc-xin [bên ngoài] để ủy quyền cho vắc-xin của họ được sản xuất tại Trung Quốc. Vắc-xin do các công ty Moderna và Pfizer của Mỹ sản xuất đã cho thấy tác dụng đáng kể trong việc giảm bệnh nặng và tử vong”.

Mộc Vệ (t/h)