Ngày 1/12, 32 nước bao gồm các nước thành viên EU, Vương quốc Anh và Canada chính thức hủy bỏ Hệ thống ưu đãi tổng quát (GSP) dành cho Trung Quốc. Động thái này được cho là sẽ ảnh hưởng nặng đến ngoại thương của nước này.

shutterstock 785391073
32 nước đã chính thức hủy bỏ chính sách ưu đãi thuế quan GSP của Trung Quốc (Nguồn: Patrick Foto/ Shutterstock)

Kể từ ngày 1/12, nhiều nước như khối thành viên EU, Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Liechtenstein… không còn dành ưu đãi thuế quan GSP cho Trung Quốc. Các nước còn bảo lưu quy chế GSP cho Trung Quốc là Na Uy, New Zealand và Úc.

Trước đó ngày 27/10, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành “Thông báo về việc không cấp chứng nhận xuất xứ GSP cho hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Liechtenstein” (sau đây gọi là Thông báo). Theo Thông báo, căn cứ vào “Biện pháp quản lý thị thực về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hệ thống ưu đãi tổng quát (GSP)”, Tổng cục Hải quan Trung Quốc quyết định kể từ ngày 1/12/2021, Hải quan Trung Quốc sẽ không cấp chứng nhận xuất xứ GSP cho các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein không còn dành ưu đãi thuế quan GSP cho Trung Quốc.  Tổng cục Hải quan Trung Quốc tuyên bố rằng Hệ thống Ưu đãi Tổng quát không phải là vĩnh cửu. Sau khi trình độ phát triển kinh tế của nước đang phát triển đạt đến một trình độ nhất định thì các nước phát triển sẽ hủy bỏ ưu đãi GSP đối với nước đó.

Truyền thông nhà nước Tân Hoa xã ngày 1/12 đưa tin, các nền kinh tế phát triển có thể dành đối xử thuế quan như hệ thống GPS cho các nước đang phát triển, và nước đang phát triển cũng có thể áp dụng ưu đãi qua lại. Trong cách đối xử này, nước cho ưu đãi có thể tùy theo tình hình phát triển của nước được thụ hưởng để hủy bỏ.

Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Hoa, ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) nhận định, tuyên bố của nhà cầm quyền Trung Quốc là “sự tự lừa dối”. Trước đó, ông nói với Đài VOA Mỹ rằng việc 32 nước bỏ thuế quan GSP đối với Trung Quốc sẽ giáng một đòn mạnh về mặt kinh tế và chính trị vào nước này, Trung Quốc sẽ vấp phải rào cản rất lớn nếu muốn tái gia nhập những thị trường đó một lần nữa.

Trước đó, nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Hồng Kông là Stephen Shiu đã bình luận về vấn đề này trong chương trình trực tuyến của mình. Ông nói vui rằng “cuối cùng Trung Quốc đã nhìn thẳng vào thế giới, họ không còn là một nước đang phát triển nữa”, việc mất thuế quan GPS là “rất, rất lớn” đối với Trung Quốc. Ví dụ, thương mại giữa Trung Quốc và EU vào năm 2020 tăng 4,9%, đạt 649,5 tỷ đô la Mỹ, lần đầu tiên Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU. Sau khi GSP bị bãi bỏ, thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang EU sẽ tăng mạnh, trong khi hàng sản xuất ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Indonesia vẫn được ưu đãi về thuế quan, điều này sẽ khiến việc kinh doanh của các công ty Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, là đòn giáng mạnh vào thương mại của Trung Quốc.

Theo một bài giải thích chính sách do Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành chỉ ra, Hệ thống Ưu đãi Tổng quát (Generalized System of Preferences) là hệ thống ưu đãi thuế quan không tương hỗ được áp dụng cho các sản phẩm thành phẩm và sản phẩm bán thành phẩm xuất khẩu từ các nước và khu vực đang phát triển (nước được hưởng ưu đãi). Điều này dựa trên thuế suất tối huệ quốc (Most Favoured Nation, MFN), tiếp tục cho phép giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu của các nước hưởng ưu đãi.

Kể từ khi thực hiện GPS vào năm 1978, trước sau có 40 nước đã dành ưu đãi thuế quan cho Trung Quốc, hầu hết là các đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc như các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Nga, Canada và Nhật Bản. Trung Quốc cũng tích cực sử dụng GPS để mở rộng thương mại xuất khẩu sang các nước phát triển.

40 nước đã cấp ưu đãi thuế quan GSP cho Trung Quốc là: 27 nước thuộc EU (Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Luxembourg, Bỉ, Đan Mạch, Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Phần Lan, Áo, Ba Lan, Cộng hòa Séc), Slovakia, Hungary, Malta, Slovenia, Litva, Latvia, Estonia, Cyprus, Bulgaria, Romania, Croatia), Vương quốc Anh, 3 nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan), Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Canada, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Nhật Bản, Na Uy, New Zealand, Úc.

Nói với Đài Á châu Tự do (RFA), ông Zeng Zhichao là Phó tổng thư ký Hiệp hội Tài chính và Kinh tế Đài Loan – Trung Quốc cho rằng việc nhiều nước châu Âu hủy bỏ thuế quan ưu đãi đối với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến một số ngành có lợi nhuận gộp thấp và cần nhiều lao động. Những ngành bị ảnh hưởng này có thể đẩy nhanh việc di dời cơ sở sản xuất sang những nơi khác như Việt Nam, châu Phi… Ông nói: “Tác động lớn nhất là những ngành có lợi nhuận gộp rất thấp, như ngành dệt may, hoặc những ngành cần nhiều lao động… Ngày nay với sự thay đổi biểu thuế này, những ngành có lợi nhuận gộp thấp hoặc những ngành công nghệ thấp thâm dụng nhiều người lao động sẽ tăng tốc chuyển dịch đi nơi khác”.

Chính Hâm, Vision Times

Xem thêm: