Chuyên gia về an ninh cho biết nếu Trung Quốc đụng độ trên biển Đông với các nước có cùng yêu sách như Việt Nam, Malaysia hoặc Philippines, Mỹ sẽ có lý do để can thiệp vào, và điều đó có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ.

hai quan my bien dong
Quốc kỳ Mỹ trên một tàu chiến ở Biển Đông (Ảnh: Facebook)

Ông Chen Xiangmiao, một nhà nghiên cứu liên kết với Viện quốc gia nghiên cứu Biển Đông ở đảo Hải Nam nhận định Bắc Kinh cần phải đánh giá lại các chiến lược của mình tại Biển Đông khi mối quan hệ với Washington đang rơi tự do và tuyến đường biển tranh chấp có thể trở thành mồi lửa cho xung đột quốc tế, theo SCMP.

Theo ông Chen, mặc dù viễn cảnh về một cuộc đấu tranh kéo dài trong khu vực giữa hai siêu cường hiện đang được xem xét, thì Bắc Kinh vẫn coi việc giải quyết căng thẳng với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á là nhiệm vụ thiết yếu.

“Nếu có một cuộc đụng độ trên biển với các nước có cùng yêu sách như Việt Nam, Malaysia hoặc Philippines, Mỹ sẽ có lý do để can thiệp vào, và điều đó có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ,” ông Chen nói.

“Nhưng nếu các nước có cùng yêu sách có thể kiềm chế và không đứng về phía Trung Quốc hoặc Mỹ, tôi nghĩ rằng rủi ro về xung đột có thể nằm trong tầm kiểm soát.” 

Đánh giá của ông Chen đưa ra khi lập trường của Washington về Biển Đông đã trở nên cứng rắn, làm dấy lên mối lo ngại về khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa Bắc Kinh và Washington, vốn đã bất đồng sâu sắc về các vấn đề từ thương mại đến nhân quyền và Hồng Kông.

Hôm 13/7 Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ chính thức bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển cũng như quyền đối với các nguồn tài nguyên dưới đáy biển trong phạm vi đường chín đoạn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Một số nhà quan sát Trung Quốc xem động thái này là việc Washington từ bỏ vai trò trung lập trước đây của họ đối với các tranh chấp lãnh thổ tại tuyến đường biển này.

“Chúng tôi từng nói rằng vấn đề Biển Đông có thể ảnh hưởng chung đến quan hệ Trung-Mỹ. Nhưng hiện giờ vấn đề Biển Đông đã trở thành một phần trong chiến lược toàn diện của Washington nhằm ngăn chặn Trung Quốc,” ông Chen nói. 

Ông tiếp tục: “Vấn đề Biển Đông có thể trở thành điểm bùng phát dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự.”

Theo ông Chen, Bắc Kinh cần phải chuẩn bị cho tình huống Mỹ có các cách tiếp cận cứng rắn hơn, bao gồm tăng cường sức mạnh quân sự của họ tại tuyến đường biển chiến lược này và thúc đẩy các đối tác trong khu vực và các đồng minh của họ có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại Trung Quốc.

Một tình huống có thể xảy ra là Mỹ có thể phái các tàu bảo vệ bờ biển của họ đến để đối phó với các hoạt động trong “vùng biển xám” của các tàu bảo vệ bờ biển và tàu dân quân hàng hải của Trung Quốc mà Bắc Kinh bị cáo buộc là sử dụng chúng để mở rộng sự hiện diện tại Biển Đông.

Ông Chen cho biết Bắc Kinh có thể sử dụng các biện pháp trả đũa bao gồm thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng biển đang tranh chấp, nhưng những hành động của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào mối đe dọa từ Hoa Kỳ.

Mỹ-Trung đấu cứng ở Biển Đông, ĐNA vẫn sẽ thận trọng quan sát?

Ông Zhang Mingliang, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á của Đại học Tế Nam tại Quảng Châu, nói rằng Bắc Kinh cần phải cải thiện quan hệ với các quốc gia láng giềng và điều đó có thể bao gồm việc cung cấp các dịch vụ công.

“Khả năng cung cấp các dịch vụ công của Trung Quốc cho khu vực đã tăng lên đáng kể khi nước này đã đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh chóng tại Biển Đông,” ông Zhang cho biết.

“Trung Quốc có thể cần phải làm một việc gì đó ngay bây giờ, ví dụ, mở các cơ sở để phục vụ lợi ích chung trong khu vực. Điều đó có thể giúp giảm đi sự nghi ngờ của các nước có cùng yêu sách – đặc biệt khi bằng chứng lý thuyết của Trung Quốc dùng cho các yêu sách lãnh thổ của mình tại Biển Đông thực sự không thuyết phục được bất kỳ ai.”

Trung Quốc đang đàm phán với Philippines về tranh chấp lãnh thổ và đang thúc giục Malaysia thiết lập “một cơ chế tham vấn song phương riêng” về các tranh chấp – điều mà các nhà phê bình gọi là chiến thuật “chia để trị” của Bắc Kinh.

Cũng có dấu hiệu cho thấy Việt Nam – một trong những nước lên tiếng chỉ trích nhiều nhất về thái độ quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông – có thể thực hiện động thái tương tự như Philippines, nước đã đưa vụ kiện ra tòa án quốc tế đặt tại The Hague vào năm 2016. Phán quyết của Tòa án ủng hộ Philippines, gọi yêu sách của Trung Quốc là bất hợp pháp, nhưng Bắc kinh đã bác bỏ quyết định này.

Ông Chen nói rằng Bắc Kinh có thể cần phải tăng cường nỗ lực trong các đàm phán song phương “để đảm bảo không có sự tính toán sai lầm nào dẫn đến leo thang căng thẳng, đặc biệt khi cuộc cạnh tranh giữa Trung quốc và Hoa Kỳ đang trở nên gay cấn”.

Trung Quốc đang thúc đẩy xây dựng một bộ quy tắc ứng xử với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên (Asean), được xem là một cách để xử lý các tranh chấp mà không cần sự can thiệp của Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Bắc Kinh muốn việc đàm phán kết thúc vào năm 2021, nhưng các cuộc đàm phán đã bị hoãn lại do đại dịch virus corona.

Các nhà quan sát nói rằng tuyên bố của ông Pompeo có thể khiến các thành viên Asean kết thúc các cuộc đàm phán về bộ quy tắc này càng nhanh càng tốt. “Động thái mới nhất của Hoa Kỳ ít nhất có thể làm cho một số đối tác Asean cảm thấy mạnh mẽ hơn để thúc đẩy các chương trình nghị sự của họ về Biển Đông trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh,” ông Collin Koh, giảng viên nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc phòng và chiến lược thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, cho biết.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: