Kỳ họp lần thứ 6, Ban Chấp Hành Trung ương đảng khóa 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa quyết định danh xưng mới của ông Tập Cận Bình là “lãnh đạo hạch tâm”, có thể hiểu theo tiếng Việt là lãnh đạo hạt nhân.

Đây là danh xưng do ông Đặng Tiểu Bình nghĩ ra và từ trước đến nay mới chỉ có ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân được gọi như vậy.

tap-can-binh

Danh xưng này có ý nghĩa tối thượng trong hệ thống chính trị của ĐCSTQ. Một người có thể là lãnh đạo mà không cần là “hạt nhân”, nhưng đã là hạt nhân thì theo lý thuyết có quyền uy ‘thượng hoàng’, không phải trả lời trước bất kỳ ai.

Điều đáng lưu ý là quyết định này xảy ra trong bối cảnh mà thiết nghĩ, ông Tập không cần phải làm gì thêm để khẳng định vị thế của mình. Ông ta nắm tất cả các vị trí cực phẩm nhất: Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch quân ủy, quân đội,… phe cánh đối thủ đã bị ông “đả hổ” gần hết. Việc ông quyết định “lên chức” có khả năng là để dùng quyền lực mới này hạ bệ cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân.

>> ‘Đấu trường sinh tử’ giữa Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình: Con át chủ bài

Xét trong bối cảnh có nhiều vụ khủng hoảng mà ĐCS TQ phải đối mặt gần đây, ông Tập cũng có thể dùng quyền lực mới này để làm đòn bẩy kéo dài quyền lực sau nhiệm kỳ, thậm chí yêu cầu sửa đổi hiến pháp đến mức có thể thay đổi chế độ chính trị Trung Quốc.

Ý nghĩa của “hạt nhân”

Danh xưng “hạch tâm” hay hạt nhân được ông Đặng Tiểu Bình sử dụng lần đầu tiên. Ông Đặng dùng từ này để gọi cố lãnh tụ Mao Trạch Đông quyền như “trời biển” lúc bấy giờ. Sau đó danh hiệu này lại được chuyển cho người kế nhiệm của Đặng là ông Giang Trạch Dân.

Ông Giang chưa bao giờ chuyển danh xưng này cho ông Hồ Cẩm Đào, mà gọi ông Hồ là “lãnh đạo tập thể” – một thuật ngữ ám chỉ ông Giang mới là người giật dây thực sự.

Hiện nay, ông Tập Cận Bình đã thu vén đủ quyền lực để tự bước lên ngai vàng. Các dấu hiệu thâu tóm quyền lực hiện rõ từ hồi tháng Giêng, nhưng gần đây mới được chính thức công bố. Bàn tay của ông sẽ tiếp tục vươn ra trong năm tới, đến khi nắm giữ tất cả các vị trí lãnh đạo, và thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ bị buộc từ chức.

Từ khi nắm quyền, ông Tập đã nói bóng gió rằng chính sách đàn áp Pháp Luân Công của ông Giang Trạch Dân đã không còn phù hợp, và “văn hoá tham nhũng” sản sinh dưới thời ông Giang sẽ sớm chấm dứt.

Việc ông Tập bước lên một nấc thang quyền lực mới cho thấy viễn cảnh ảm đạm của ông Giang Trạch Dân và tay chân thân tín của ông này giống như những con chim bị nhốt trong lồng đang chờ bị làm thịt. Cơ quan chống tham nhũng của ông Tập phải dùng xe tải để chở tài sản tịch thu được từ cơ ngơi của những quan chức bị điều tra có liên quan đến ông Giang.

Theo các nhà phân tích, với quyền lực mới trong tay, ông Tập Cận Bình đã có đủ khả năng cũng như tính chính danh để đánh một đòn cuối cùng: đem ông Giang Trạch Dân ra xử tội.

Nước cờ tàn cuộc

(ảnh: Greg Bowker/Getty Images)
(ảnh: Greg Bowker/Getty Images)

Mặc dù vậy, việc tập trung quyền lực chỉ để bắt giữ một cựu lãnh đạo ‘gần đất xa trời’ có vẻ không phải là nước cờ cuối cùng của ông Tập. Bên cạnh đó, khi mang danh hiệu này, ông có nguy cơ bị đổ lỗi cho các vấn đề yếu kém của Trung Quốc, trong đó có nền kinh tế đang chững lại và vô vàn các vấn đề xã hội không dễ giải quyết được.

Nhưng nếu muốn thay đổi hệ thống chính trị Trung Quốc thì quyền lực tối cao mà ông Tập vừa đạt được chính là điều kiện đầu tiên.

Các dấu hiệu cho thấy ông Tập muốn làm như vậy đã xuất hiện trong năm nay:

Hồi tháng 8, ông tuyên bố tái tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng Sản, một tổ chức có cấu trúc tương tự ĐCSTQ. Các nhà nghiên cứu Đảng đã trả lời phỏng vấn báo chí hải ngoại về việc chính phủ đang xem xét hình mẫu hành chính của Singapore. Cựu thành viên trong một nhóm nghiên cứu của cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào đã từng công khai nói về chủ đề cấm kỵ – sự cải cách dân chủ Mikhail Gorbachev của Liên Xô – trên tạp chí tài chính Trung Quốc.

Và cũng có dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình sẵn sàng bỏ qua danh tiếng của ĐCSTQ để đạt được mục đích. Kênh truyền hình Trung Ương Trung Quốc gần đây phát sóng một loạt lời hối lỗi – thú tội của các quan chức cấp cao có cuộc sống xa hoa và tham nhũng.

>> Nhóm “đại lão hổ” lên màn ảnh, tín hiệu mới của ông Tập Cận Bình

Ngoài ra, việc ông Tập hoàn toàn không tiết lộ về người kế vị làm nhiều người cho rằng là dấu hiệu cho thấy ông đang chuẩn bị cho một sự thay đổi Hiến Pháp trong đó lấy ông làm trung tâm.

Nhà bình luận chính trị độc lập Li Tianxiao nhận định: “Tập Cận Bình đang chuẩn bị đâm một nhát dao vào chế độ … và chơi một ván cờ lớn”.

Nếu đến thời gian này năm sau ông Tập Cận Bình vẫn không chỉ định người kế nhiệm, đó sẽ là dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy tham vọng chính trị của ông này vượt qua giới hạn 5 năm theo Hiến Pháp Trung Quốc. Lúc đó, đối mặt với một Đảng không còn được tín nhiệm và công chúng phẫn nộ, ông Tập sẽ thấy rằng sự lựa chọn tốt nhất của mình nằm ở việc cải tổ Hiến Pháp; và thế giới có lẽ sẽ được chứng kiến Tập Cận Bình bước lên như tổng thống đầu tiên của Trung Quốc trong một nền chính trị đa nguyên hoàn toàn mới.

>> Phân tích: Liệu Tập Cận Bình có chuyển sang chế độ tổng thống hay không?

>> “Đấu trường sinh tử” giữa Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình: Con át chủ bài

Trọng Đức