Gần cuối tháng 11, nhiều cuộc biểu tình phản đối chính sách zero COVID hà khắc đã xảy ra tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Các nhà kinh tế cho rằng sự bấp bênh dai dẳng về chính sách của chính quyền Trung Quốc đối với dịch bệnh đang gây thêm áp lực lên nền kinh tế.

p3251381a255406153 ss
1000 – 2000 sinh viên Đại học Thanh Hoa biểu tình. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở một số thành phố lớn của Trung Quốc vào khoảng gần cuối tháng 11, từ thủ đô Bắc Kinh đến trung tâm tài chính Thượng Hải, nơi người dân tụ tập để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Tân Cương, phản đối chính sách zero COVID, kêu gọi dân chủ và tự do. Các hoạt động biểu tình hiếm hoi này tiếp tục cho đến đầu giờ sáng thứ Hai (ngày 28/11).

Đầu tháng 11, chính quyền Trung Quốc công bố “20 điều” đã làm dấy lên hy vọng rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách zero COVID. Tuy nhiên, sự gia tăng các ca nhiễm virus corona mới gần đây và việc nối lại các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt ở nhiều nơi đã khiến công chúng bất mãn, lo ngại của các nhà đầu tư về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc lại xuất hiện.

Ông Martin Petch, phó chủ tịch của Moody’s Investors Service dự đoán, các hoạt động biểu tình sẽ không diễn biến thành bạo lực chính trị nghiêm trọng, nhưng lưu ý rằng nếu các cuộc biểu tình kéo dài, chúng có thể dẫn đến các biện pháp mạnh mẽ hơn từ chính quyền, và sẽ là nhân tố tiêu cực ảnh hưởng đến nền kinh tế.

“Mặc dù đây không phải là giả thiết cho tình huống cơ bản của chúng tôi, nhưng nó sẽ dẫn đến sự bấp bênh gia tăng về mức độ rủi ro chính trị ở Trung Quốc. Điều này sẽ làm tổn hại niềm tin, và do đó ảnh hưởng đến tiêu dùng trong một nền kinh tế vốn đã yếu,” ông Martin Petch nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).

Xáo động thị trường tài chính toàn cầu

Các cuộc biểu tình ở Trung Quốc ngay lập tức đã làm náo loạn thị trường tài chính toàn cầu, với việc thị trường định giá rủi ro chính trị, nhà đầu tư xuất hiện tâm lý tránh rủi ro, và tài sản liên quan với Trung Quốc chịu áp lực.

Chỉ số tổng hợp của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đã giảm tới 2,2% sau khi thị trường mở cửa vào ngày 28/11, với cổ phiếu trong hầu hết các lĩnh vực bao gồm tài chính, bất động sản và năng lượng đều đi xuống.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã giảm tới 4,2% khi mở cửa, trong khi Chỉ số Hang Seng China Enterprises, theo dõi hoạt động của các công ty Trung Quốc Đại Lục niêm yết tại Hồng Kông, đóng cửa giảm 1,7%.

Đồng nhân dân tệ giảm so với đồng đô la vào ngày 28/11, với đồng nhân dân tệ trong nước có thời điểm giảm tới 1,1% xuống còn 7,2435 tệ đổi 1 đô la, mức yếu nhất kể từ ngày 10/11. Quyết định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) hôm thứ Sáu (25/11) nhằm hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng để thúc đẩy nền kinh tế, cũng gây thêm áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ.

Trong khi đó, hàng hóa cũng sụt giảm do lo ngại về tình hình ở Trung Quốc. Giá dầu giảm mạnh vào ngày 28/11 khi các nhà đầu tư lo ngại rằng các ca nhiễm virus corona gia tăng và các cuộc biểu tình sẽ làm giảm nhu cầu ở Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.

Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixis, cho biết sự bấp bênh xung quanh chính sách phòng chống COVID-19 của Trung Quốc đang có tác động tiêu cực đến thị trường toàn cầu.

Bà Herrero nói với VOA: “Không còn nghi ngờ gì nữa, việc mở rộng các cuộc biểu tình như vậy và các phản ứng gay gắt của Chính phủ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, vốn đã bị ảnh hưởng bởi chính sách zero COVID.”

Ông Mark Haefele, giám đốc đầu tư của công ty cho vay, thuộc ngân hàng Thụy Sĩ UBS, đồng ý rằng tâm lý nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng. Ông cũng cho biết trong một lưu ý hôm 28/11 rằng các ca nhiễm bệnh gia tăng ở Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến những nhân tố bất lợi trong nước (Trung Quốc) dần lan sang thị trường toàn cầu.

Theo Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, sau 5 tháng liên tiếp nới lỏng (biện pháp phòng dịch), chỉ số này đã tăng nhẹ trong tháng 10, chủ yếu là do thời gian giao hàng ở châu Á tăng lên.

Trong tháng 10, do không hài lòng với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19, công nhân đã bỏ trốn khỏi nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, cơ sở sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Apple. Theo Bloomberg đưa tin hôm 28/11, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, tình trạng hỗn loạn có thể làm giảm sản lượng iPhone Pro của Apple gần 6 triệu chiếc trong năm nay.

Bất mãn xã hội ngày càng tăng

Một số chuyên gia tin rằng các cuộc biểu tình có nghĩa là chính sách zero COVID hiện tại không còn bền vững về mặt chính trị, điều này có thể đóng vai trò là chất xúc tác để Chính phủ Trung Quốc xây dựng một kế hoạch mở cửa rõ ràng hơn.

Ông Allan von Mehren, nhà kinh tế Trung Quốc tại Danske Bank, nói với VOA: “Chi phí xã hội của chính sách này đang tăng lên và đã đạt đến giới hạn, nó không thể tiếp tục, nếu không mọi người sẽ chịu tổn hại nhiều hơn. Do đó đứng từ khía cạnh này mà nói, tôi cho rằng những hoạt động biểu tình này đang ảnh hưởng đến quyết định của Trung Quốc, nói đúng hơn là hiện tại cần thay đổi phương pháp, cần bắt đầu thoát ra khỏi chính sách COVID-19 nghiêm ngặt này.”

Bà Alicia Garcia Herrero nói: “Sẽ là tích cực nếu các cuộc biểu tình giúp đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại, nhưng có những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi sẽ không nhanh chóng xảy ra. Có thể có lý do về phương diện y tế cộng đồng đằng sau.”

Các quan chức Trung Quốc vẫn chưa tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ nới lỏng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát virus corona mới. Khi được hỏi liệu “các cuộc biểu tình” ở một số nơi có khiến Chính phủ xem xét lại chính sách đối phó với dịch bệnh hay không, ông Mễ Phong (Mi Feng), phát ngôn viên của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba (29/11): “Đối với các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát, chúng tôi vẫn luôn nghiên cứu, liên tục điều chỉnh để bảo vệ tối đa lợi ích của người dân, và hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đến sự phát triển kinh tế, xã hội.”

Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng các dấu hiệu cụ thể về việc Trung Quốc bỏ chính sách zero COVID đang dần xuất hiện. Các quan chức Trung Quốc hôm 29/11 đã đưa ra thông báo tăng cường tiêm chủng cho người lớn tuổi nhằm chống lại virus corona mới. Trong một thời gian dài, tỷ lệ bao phủ vắc-xin thấp cho các nhóm dễ bị tổn thương và không đủ nguồn lực y tế là những yếu tố chính hạn chế Trung Quốc mở cửa trở lại, trong tình huống không xuất hiện tỷ lệ tử vong cao.

Thị trường tài chính cũng được thúc đẩy bởi thông báo từ Ủy ban Y tế. Vào hôm 29/11, Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đóng cửa tăng 5,24%, Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 6,20%; Chỉ số tổng hợp của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải tăng 2,31% và Chỉ số thành phần Thâm Quyến (SZSE Component Index) tăng 2,40%.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết, chính quyền trung ương của Trung Quốc có thể sớm phải lựa chọn giữa việc phong tỏa nhiều hơn hay mở cửa. Bởi vì chính quyền địa phương khó có thể đồng thời cân bằng việc kiểm soát lây lan dịch bệnh và thực thi “20 điều” tối ưu hóa việc phòng ngừa và kiểm soát dịch. Ngân hàng này nhìn thấy tỷ lệ mở cửa trở lại vào quý II năm 2023 của Trung Quốc là 30%.

Bà Shan Hui, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Goldman Sachs, đã lưu ý trong một phân tích được công bố ngày 27/11 rằng các dự báo của ngân hàng về việc mở cửa trở lại của Trung Quốc hiện bao gồm “khả năng rút ra [khỏi chính sách zero COVID] một cách cưỡng bức và vô trật tự”.

Việc Trung Quốc có khả năng rút các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh một cách lộn xộn, có thể đồng nghĩa với việc các quan chức Trung Quốc sẽ giảm quy mô các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát, trước khi nước này sẵn sàng đối phó với các ca nhiễm mới. Số ca nhiễm tăng đột biến sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất và dịch vụ, gây áp lực lên các dịch vụ y tế cộng đồng. Tiêu dùng dân cư sẽ vẫn bị kìm hãm trong thời gian ngắn do lo ngại về lây nhiễm virus corona mới.

Goldman Sachs cho rằng sự gián đoạn này sẽ gây ra rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng quý IV của Trung Quốc. Ngân hàng dự kiến ​​tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng 3% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5,5% mà chính quyền dự kiến.

Cũng có một số nhà phân tích cho rằng khó có khả năng giới lãnh đạo Trung Quốc thay đổi hướng đi và chấm dứt chính sách mới zero COVID vì các cuộc biểu tình, bởi điều này sẽ tạo tiền lệ và khiến hệ thống y tế bị quá tải.

“Họ không có những lựa chọn tốt trong ngắn hạn để giải quyết các yêu cầu của người biểu tình: Nới lỏng chính sách kiểm soát chặt chẽ COVID-19 chắc chắn sẽ dẫn đến số người tử vong tăng mạnh, điều này sẽ phá vỡ tuyên bố của tầng lãnh đạo ĐCSTQ liên quan đến việc ứng phó có hiệu quả với đại dịch,” ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Capital Economics, viết trong một bài phân tích hôm 28/11.

Nghiên cứu từ Capital Economics cho thấy, hoạt động kinh tế ở Trung Quốc vẫn không khởi sắc như khi Thượng Hải bị phong tỏa vào đầu năm nay. Dù chính quyền có quyết định thắt chặt hay nới lỏng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tiếp theo hay không, thì nền kinh tế Trung Quốc vẫn phải đối mặt với một viễn cảnh tồi tệ.

Ông Williams đã viết: “Nếu tầng lãnh đạo quyết định bắt đầu quá trình chuyển đổi của Trung Quốc để cùng tồn tại với virus corona mới, thì điều này sẽ đòi hỏi phải áp đặt nhiều hạn chế di chuyển hơn trong thời gian ngắn so với hiện tại để làm phẳng đường cong mở cửa. Nếu kiên trì yêu cầu zero COVID, thì sẽ cần phải phong tỏa nghiêm ngặt địa phương bùng phát dịch bệnh, hiện tại, những địa phương này đang tạo ra gần 2/3 GDP của Trung Quốc.”

Theo Jie Xi / VOA