Các ngân hàng địa phương nhỏ ở Trung Quốc gặp khó khăn trong việc vay vốn và đang phải gánh các khoản nợ khó đòi. Các ngân hàng này cùng nhau nắm giữ số tài sản trị giá hơn 100.000 tỷ nhân dân tệ (14.500 tỷ USD). Gần đây, một số ngân hàng nhỏ còn tránh sử dụng quyền mua lại trái phiếu của họ.

shutterstock 361580618
(Nguồn: Frame China/ Shutterstock)

Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách phục hồi tăng trưởng kinh tế sau nhiều năm bị hạn chế bởi COVID-19, nên có thể sẽ ưu tiên cho sự ổn định, và phê duyệt các gói cứu trợ hay mua lại, để ngăn chặn các ngân hàng phá sản.

Tuy nhiên, mối lo ngại đã tăng trở lại sau khi Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sụp đổ. Các vụ phá sản liên tiếp của Ngân hàng Baoshang (Bao Thương) Nội Mông, Ngân hàng Thương mại Nông thôn tỉnh Liêu Dương và Ngân hàng Nông thôn Thái Tử Hà tỉnh Liêu Ninh vẫn làm dấy lên lo ngại, rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể áp dụng thái độ diều hâu cứng rắn đối với việc cứu trợ các tổ chức tài chính cấp cơ sở.

Ngân hàng Nông thôn tỉnh Hà Nam đình chỉ việc rút tiền mặt vào tháng 4/2022. Đầu tháng này, những người gửi tiền bị thiệt hại đã thả bóng bay và biểu ngữ phản đối ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh. Kể từ khi biểu tình vào năm 2022 đến nay, họ vẫn không thể lấy được tài sản bị phong tỏa trong ngân hàng.

Theo báo cáo, các ngân hàng địa phương của Trung Quốc có điểm yếu cả về tài sản và nợ phải trả. Họ cho các công ty địa phương kém cạnh tranh và các dự án được chính phủ ưu ái vay rất nhiều tiền, dẫn đến các khoản nợ khó đòi.

Về các khoản nợ phải trả, họ ít có khả năng thu hút nguồn tiền gửi ổn định, và phụ thuộc nhiều hơn vào việc vay mượn từ các thị trường vốn biến động.

Đại dịch đã làm trầm trọng thêm tình hình của họ. Các ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc càng dễ bị ảnh hưởng bởi các khoản nợ của chính quyền địa phương và các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ.

Các khoản vay này bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi thị trường nhà ở sụp đổ và nền kinh tế suy yếu do zero-COVID. Họ cũng gặp khó khăn về tài chính khi lãi suất thấp làm giảm biên lãi ròng.

Bloomberg cho biết, trong thời kỳ suy thoái kinh tế từ năm 2012 – 2016, các ngân hàng nhỏ trong đã cố gắng đảo nợ các khoản nợ xấu (huy động vốn vay mới để trả trước một phần hoặc toàn bộ khoản nợ cũ) để tồn tại, khiến rủi ro dần tăng lên.

Bà Trần Xu Cẩn (Shujin Chen), nhà phân tích tại Jefferies Group LLC, cho biết mô hình tương tự đang diễn ra khi tình hình của các ngân hàng nhỏ ngày càng xấu đi sau suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra.

Bà cho biết: “Một lượng đáng kể các công ty đã sa sút về tài chính, họ có thể sẽ không trả được các khoản vay của mình. Vì vậy các ngân hàng khu vực nhỏ hơn trở nên dễ bị tổn thương hơn”.

Kể từ tháng 3, ít nhất 4 ngân hàng khu vực ở Trung Quốc đã đưa ra thông báo cho biết, họ đã chọn không mua lại trái phiếu vốn cấp 2, gây ra suy đoán rằng họ không có đủ tiền. Các ngân hàng này gồm Ngân hàng Thương mại Nông thôn Yên Đài, Ngân hàng Thương mại Nông thôn Thái Hòa tỉnh An Huy, Ngân hàng Doanh Khẩu, và Ngân hàng Thương mại Nông thôn Kinh Môn tỉnh Hồ Bắc.

Một số phân tích chỉ ra, nếu ngân hàng không thực hiện quyền mua lại, hiệu quả bổ sung vốn của trái phiếu vốn cấp 2 sẽ giảm dần qua từng năm. Do đó việc từ chối mua lại không phải là tình trạng phổ biến. Các nhà đầu tư thường mong đợi ngân hàng mua lại trái phiếu vào ngày mua lại đầu tiên.

Những ngân hàng lựa chọn không mua lại có thể do áp lực về tỷ lệ an toàn vốn và ảnh hưởng của chi phí phát hành trái phiếu tăng. Điều này cũng phản ánh rằng một số ngân hàng có thể gặp áp lực lớn hơn trong hoạt động, và xử lý tài sản xấu trong những năm gần đây.

Theo kiểm tra rủi ro của ngân hàng trung ương, vào cuối năm 2021, khoảng 7% ngân hàng Trung Quốc bị đánh giá là không tốt.

Trong một bài bình luận vào tháng 1, ông Tôn Thiên Kỳ, người đứng đầu Cục ổn định tài chính của Ngân hàng Trung ương, đã cảnh báo rằng các ngân hàng có thể che đậy rủi ro bằng cách “phơi bày sai các tài sản kém hiệu quả và bơm vốn giả”. Ông cũng cho biết sẽ chú ý đến các tổ chức gần xếp hạng rủi ro cao.

Theo nghiên cứu của Sinolink Securities, từ năm 2017 – 2022, khoảng 44 ngân hàng nhỏ đã chọn không mua lại trái phiếu vốn cấp 2.

Ông Trần Chí Võ (Zhiwu Chen), Giáo sư tài chính tại trường kinh doanh của Đại học Hồng Kông, cho biết: “Nếu không có sự bùng nổ nhỏ có ý nghĩa trong nền kinh tế, nhiều ngân hàng địa phương sẽ gặp rủi ro và phải chịu áp lực rất lớn”.

Vào tháng 1 năm nay, Ngân hàng Cẩm Châu tỉnh Liêu Ninh đã tuyên bố tạm ngừng giao dịch, và tái cấu trúc tài chính vào tháng 2. Đây là nỗ lực thứ 2 tương tự trong vòng chưa đầy 5 năm.

Năm 2019, Ngân hàng Cẩm Châu cũng gặp khó khăn. Khi đó, việc rót vốn của 3 ngân hàng quốc doanh, trong đó có Ngân hàng Công thương Trung Quốc, đã giúp ngân hàng này tồn tại.

Phân tích chỉ ra rằng các nhà quản lý Trung Quốc đã khuyến khích sáp nhập, để đối phó với các ngân hàng nhỏ gặp rủi ro. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chỉ một số ít các ngân hàng khu vực đã tiến hành hợp nhất.

Ông Dinny McMahon, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại Trivium cho biết: “Việc sáp nhập ngân hàng luôn gặp khó khăn vì chúng mang tính chính trị rất cao.

“Chính quyền địa phương nào cũng muốn có một ngân hàng đặt trụ sở tại địa phương của mình. Vì vậy, khi thành lập một ngân hàng mới và sáp nhập nhiều ngân hàng trong một tỉnh, vấn đề đặt ra là sẽ đặt trụ sở và nộp thuế ở đâu, sẽ có thực sự có người thắng và kẻ thua,” ông nói.