Ngày 4/6 năm nay là cột mốc tròn 3 thập kỷ chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc thảm sát sinh viên và người dân trên Quảng trường Thiên An Môn. Hôm 3/6, trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phóng viên nước ngoài đã nhiều lần hỏi về vấn đề liên quan đến sự kiện thảm sát này.

Cảnh Sảng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Ảnh: CNA)

Truyền thông nước ngoài truy vấn sự kiện Lục Tứ, Cảnh Sảng né tránh

Theo Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), tại buổi họp báo thường kỳ hôm 3/6 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, số lượng phóng viên các kênh truyền thông đến tham dự nhiều hơn so với bình thường. Bởi vì ngày hôm sau (4/6) là kỷ niệm 30 năm sự kiện thảm sát Thiên An Môn (còn gọi là sự kiện Lục Tứ), do đó truyền thông nước ngoài nhiều lần đưa ra các câu hỏi liên quan đến “Lục Tứ” lên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Đối diện với sự truy vấn của các kênh truyền thông nước ngoài, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lặp lại cùng một câu trả lời, trong 70 năm qua, sự phát triển của Trung Quốc “đã giành được những thành tựu to lớn, điều này cho thấy rõ ràng rằng con đường phát triển mà Trung Quốc lựa chọn là hoàn toàn chính xác”, đối với “sóng gió chính trị” vào cuối những năm 1990, chính phủ Trung Quốc “từ lâu đã có kết luận minh xác rồi”.

Có người đặt câu hỏi về tung tích của “người chặn xe tăng” (Tank Man, người đứng một mình chặn đoàn xe tăng thảm sát sinh viên và người dân) trên Đại lộ Trường An năm xưa, Cảnh Sảng nói không nắm được tình hình liên quan, đồng thời nhắc lại lập trường nhất quán của phía Trung Quốc đối với sự kiện Thiên An Môn.

Sau buổi họp báo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố nội dung cuộc họp báo dạng văn bản trên trang web chính thức của bộ này, tuy nhiên trong đó không hề nhắc đến bất cứ nội dung nào liên quan đến “Lục Tứ”, tức là những câu hỏi liên quan đến sự kiện này mà phóng viên truyền thông nước ngoài nêu ra đã bị cắt bỏ.

Trong buổi họp báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 30/5, ông Ngô Khiêm (Wu Qian) – Cục trưởng Cục Báo chí Bộ Quốc phòng trung Quốc kiêm người phát ngôn của bộ này cũng được phóng viên của Hãng tin AP hỏi về vấn đề liên quan đến Lục Tứ, và nhìn nhận thế nào về việc năm xưa Quân đoàn 38 đàn áp sinh viên.

Ông Ngô Khiêm trả lời, không đồng ý với câu “đàn áp” mà truyền thông sử dụng. Ông còn cho biết, tiến trình phát triển và những thành tựu mà Trung Quốc đạt được trong 30 năm qua, đã trả lời cho vấn đề này.

Chính quyền che giấu chân tướng, xóa bỏ ký ức của người Trung Quốc

Trong 30 năm qua, chính quyền Trung Quốc vẫn luôn dùng toàn lực để che giấu chân tướng sự kiện đại thảm sát “Lục Tứ”, không từ mọi thủ đoạn để cố gắng xóa bỏ ký ức của cả một thế hệ người Trung Quốc. Cho đến tận hôm nay, những người còn có thể nhớ về sự kiện “Lục Tứ” cũng rất ít ỏi so với dân số hơn một tỉ người ở đất nước này.

Phóng viên John Sudworth của Đài BBC trú tại Bắc Kinh gần đây tiến hành phỏng vấn những người đi đường trên đường phố Bắc Kinh, hỏi họ xem họ đã từng nhìn thấy bức ảnh nổi tiếng “người chặn xe tăng” (Tank Man) trong sự kiện “Lục Tứ” hay không. Có đến 80% người được hỏi đều cho biết chưa từng thấy chân dung “người chặn xe tăng”, trong đó có nhiều người có vẻ thực sự chưa từng nhìn thấy bức ảnh, tuy nhiên cũng có một số người có lẽ vì sợ hãi nên không dám thừa nhận đã nhìn thấy.

Tank Man
Hình ảnh người biểu tình vô danh đứng chặn đoàn xe tăng trên Đại lộ Trường An trong sự kiện Lục Tứ năm 1989. (Ảnh: Jeff Widener/Wikipedia)

Gần đây, ông Jeff Widener – một trong những nhiếp ảnh gia trong sự “kiện Lục Tứ”, và là người đã chụp bức ảnh “Tank Man” cách đây 30 năm, đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc công bố chân tướng sự kiện “Lục Tứ”.  Jeff Widener cho biết, “Tôi cho rằng, hiện là thời điểm mà Trung Quốc cần nhìn về phía trước, công bố tất cả những gì đã xảy ra, báo cáo với người nhà [người bị hại] rằng người thân của họ đã xảy ra chuyện gì, để cho họ được yên lòng”.

Sáng sớm ngày 4/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã phát biểu tuyên bố, kêu gọi Trung Quốc triển khai điều tra toàn diện, đồng thời chấm dứt bức hại nhân quyền. Ông Pompeo thúc giục chính phủ Trung Quốc tiến hành điều tra công khai một cách toàn diện đối với những người tử nạn hoặc những người mất tích, để an ủi những người bị hại trong đoạn lịch sử đen tối này, đồng thời cũng để bên ngoài thấy được rằng Trung Quốc muốn tôn trọng nhân quyền và tự do cơ bản.

Trí Đạt

Xem thêm: