Bạn sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại iphone chứ? Trong khi bạn sung sướng lướt tay trên bề mặt láng cóng với đủ các thủ thuật và ứng dụng hấp dẫn, có lẽ bạn không thể ngờ được bóng tối đang phủ trùm lên cuộc đời của những con người đã tham gia vào quá trình sản xuất, bóng tối ấy cũng chính là mặt tối của chiếc iphone triệu người mê mà ít người biết đến.

Cô Shang Jiaojiao, 17 tuổi, bắt đầu làm việc ở một nhà máy để phụ giúp cha mẹ nghèo khổ.  Sau khi lau chùi nhiều màn hình điện tử bằng n-hexane, cô bị tổn hại thần kinh nghiêm trọng và không còn đi lại được nữa (Ảnh của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch)
Cô Shang Jiaojiao, 17 tuổi, bắt đầu làm việc ở một nhà máy để phụ giúp cha mẹ nghèo khổ.  Sau khi lau chùi nhiều màn hình điện tử bằng n-hexane, cô bị tổn hại thần kinh nghiêm trọng và không còn đi lại được nữa (Ảnh của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch)

Như hàng triệu thanh niên nam nữ trẻ tuổi ở nông thôn Trung Quốc, Yi Yeting đã đến những thành phố ven biển để có những cơ hội việc làm tốt hơn. Ở thành phố Thâm Quyến, một đô thị ở miền Đông Nam gần biên giới với Hồng Kông, Yi đã tìm được việc làm tại một công ty sản xuất lớn của nhà nước. Sau 2 năm làm việc, các bác sĩ bảo Yi, lúc đó mới 24 tuổi, rằng anh đã bị ung thư bạch cầu, hậu quả của việc tiếp xúc lâu ngày với benzene, một hóa chất độc hại có mùi ngọt vốn bị quản lý chặt chẽ ở Mỹ và các nước phát triển khác. Nhưng ở Trung Quốc, Yi đã phải hít nó hàng ngày.

Yi và những nạn nhân người Trung Quốc khác của các chuỗi cung ứng toàn cầu cho những sản phẩm từ container chở hàng cho đến iPhone của Apple là tiêu điểm của “Complicit” (Đồng lõa), một bộ phim tài liệu mới của hai đạo diễn Heather White và Lynn Zhang. Ngoài việc đưa ra lời chứng của hàng chục nạn nhân cũng như các báo cáo truyền thông của Trung Quốc và hải ngoại, bộ phim cũng sử dụng những hình ảnh được quay bởi những nhà hoạt động bí mật.

Bộ phim “Đồng lõa” được trình chiếu ở Mỹ trong Liên hoan Phim Theo dõi Nhân quyền tại một nhà hát đông kín khán giả ở Trung tâm Lincoln hôm 12 tháng 6 vừa qua.

Cảnh đám tang gây ám ảnh của một công nhân nhà máy trẻ tuổi, đã nhắc nhở một số người trong khán giả rằng họ cũng đóng một phần trong bi kịch đang được nêu bật này.

Đám tang của một công nhân nhà máy trẻ tuổi, Yi Long.  (Ảnh của tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch)
Đám tang của một công nhân nhà máy trẻ tuổi, Yi Long.  (Ảnh của tổ chức Theo dõi Nhân quyền – Human Rights Watch)

“Tôi cảm thấy có lỗi sau khi xem bộ phim này, vì tôi có một chiếc điện thoại ở trong túi xách của mình”, dẫn lời Jhoe Garay, người đã tham dự buổi trình chiếu. “Tôi đã không biết bất cứ điều gì về những người chết vì những chiếc điện thoại hay iPad”.

Như bộ phim nhấn mạnh, 90% hàng hóa điện tử dân dụng của thế giới được sản xuất ở Trung Quốc. Nhiều nhà máy như Foxconn, nhà sản xuất hàng điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung ứng của Apple, sử dụng những công nhân di cư vốn phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm công việc trả lương cao hơn. Thống kê chính thức đếm được hơn 280 triệu công nhân di cư vào năm 2016, nhiều người trong số họ dưới 20 tuổi.

Khát lợi nhuận nhiều hơn, những nhà thầu Trung Quốc của các thương hiệu toàn cầu đã bắt công nhân phải sử dụng những dung môi hóa học độc hại như benzene và n-hexane bởi vì chúng rẻ hơn hoặc hiệu quả hơn những hóa chất an toàn hơn khác. Cách sản xuất vô đạo đức này đã dẫn đến nhiều câu chuyện bi đát, một số trong đó được ghi lại trong bộ phim “Đồng lõa”.

Vào năm 2009, anh Ming Kunpeng đã bị ung thư bạch cầu sau 2 năm làm việc lau chùi các linh kiện điện tử bằng benzene ở một nhà máy hồi đó dưới sự sở hữu của công ty Hà Lan ASM International. Một người phát ngôn của ASM đã phủ nhận rằng anh Ming bị phơi nhiễm benzene, nhưng công ty này cuối cùng đã đề xuất một khoản thanh toán một lần cho gia đình anh Ming sau khi họ kiên trì theo đuổi vụ kiện. Sức khỏe của anh Ming đã xấu đi, và không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình với những chi phí y tế cao, anh đã tự vẫn bằng cách nhảy từ mái bệnh viện nơi anh đang được điều trị.  Lúc đó anh mới 27 tuổi.

Bộ phim cũng nói đến trường hợp của Yi Yeting, một công nhân di cư ở Thâm Quyến. Bất chấp việc phải chiến đấu chống lại bệnh ung thư bạch cầu và những chi phí y tế ngày một tăng từ năm 2005, Yi đã dành thời gian để làm tình nguyện với một tổ chức phi chính phủ ở có trụ sở ở Hồng Kông để giúp đỡ hàng chục nạn nhân của bệnh nghề nghiệp hay bị thương liên quan đến công việc yêu cầu bồi thường và cải cách chỗ làm từ những công ty như Foxconn.

“Tôi vẫn rơi nước mắt khi xem phim vì tôi cảm thấy có liên hệ với những cá nhân đó”, dẫn lời đạo diễn Heather White trong một cuộc phỏng vấn. Bà White, người đã từng lãnh đạo một tổ chức giám sát phi chính phủ, đã dùng toàn bộ sự nghiệp của mình ở Trung Quốc để điều tra những vi phạm về lao động trong các nhà máy.

Việc làm phim này là một “hành trình cá nhân không thể tưởng tượng được”, bà nói.

Sau buổi trình chiếu là một cuộc thảo luận nhóm với bà White và ông Todd Larsen, Đồng Giám đốc Điều hành của Green America, một tổ chức đề cao những hoạt động doanh nghiệp và tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Nhóm thảo luận lưu ý rằng trong khi các nhà sản xuất điện tử trên toàn cầu vi phạm những quy định về lao động, sự bất lương của chính quyền và lạm dụng của doanh nghiệp một cách ngoan cố đã làm trầm trọng thêm tình hình này ở Trung Quốc. Ở đó, chính quyền nhận hối lộ từ các nhà máy để trấn áp những nhà hoạt động và đè bẹp các tổ chức phi chính phủ thay vì trừng phạt những hành động bất lương này.

Vì những hoạt động của mình mà Yi Yeting đã bị đặt dưới sự giám sát, bị đuổi ra khỏi căn hộ của mình, và bị ngăn không được xuất cảnh. Mặc dù anh đã cố gắng tham dự được buổi trình chiếu mới đây ở châu Âu của bộ phim “Đồng lõa” tại Geneva, anh đã bị thẩm vấn hàng giờ bởi chính quyền Trung Quốc về việc anh đã ở những đâu ngay khi anh trở về. Anh Yi có thể được coi là may mắn. Một công nhân lẽ ra được nói đến trong bộ phim đã bị mất tích trên đường đi làm. Trước đó, anh đã từng tổ chức những công nhân khác ở một khu dân cư gần một nhà máy của Foxconn nơi một loạt nạn nhân bị ung thư bạch cầu đã được phát hiện.

“Chúng tôi vẫn chưa nghe thấy tin gì từ anh”, Heather White nói trong cuộc thảo luận nhóm. “Gia đình anh cũng chưa tìm thấy anh”.

“Trung Quốc là một trường hợp cực đoan hơn bởi vì chính quyền độc tài áp bức ở nước này và vì các công nhân không có khả năng lên tiếng một chút nào”, bà nói thêm.

Bà White kêu gọi người tiêu dùng gây sức ép với những thương hiệu lớn toàn cầu bằng cách ký vào những bản kiến nghị, viết thư, hay gọi cho đường dây nóng của các công ty để bày tỏ sự quan ngại về sự bảo vệ công nhân. Những công ty như Apple và Samsung “có thể trực tiếp tác động đến chất lượng của điều kiện làm việc, ít nhất ở những nhà máy của chính họ”, bà nói.

“Tôi cảm thấy như chúng ta, những người tiêu dùng ở vùng đất thừa thãi về cơ bản là có liên quan đến những người làm ra hàng hóa của chúng ta,” dẫn lời khán giả Jody R. Weiss sau buổi trình chiếu. “Cứ như thể chúng ta có cùng một nhịp tim vậy – nếu họ khổ sở, chúng ta cũng khổ sở”.

Anh Việt

Xem thêm: